Thứ Ba, 05/11/2024 19:33 CH
Làm giàu từ mô hình nuôi cá trong hồ xi măng
Thứ Hai, 20/06/2016 10:00 SA

Gia đình bà Sim có thu nhập cao từ nuôi cá - Ảnh: T.TIÊN

Từ khi chuyển sang nuôi cá nước ngọt, bà Lê Thị Sim ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An) đã từng bước vực dậy kinh tế của gia đình. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình này.

 

Theo bà Sim, trước đây, cũng giống như những gia đình khác ở địa phương, vợ chồng bà chỉ tập trung làm ruộng. Nhưng gia đình bà chỉ có 3 sào ruộng, mỗi năm trồng được hai vụ lúa, thu nhập không đủ để nuôi 3 đứa con ăn học. Bà Sim kể: Hồi đó, gia đình nghèo khổ, con cái không đủ ăn, đủ mặc nên vợ chồng tôi luôn trăn trở tìm cách để kiếm thêm tiền. Có lần, tôi theo bạn bè đi làm thuê ở huyện Phú Hòa, thấy người dân ở đây phát triển mô hình nuôi cá trê, cá tràu trong hồ xi măng có thu nhập khá, nên về bàn với chồng chuyển hướng làm ăn. Năm 2004, vợ chồng tôi xây một hồ nuôi khoảng 20m2, mua cá trê giống về thả nuôi. Sau 4 tháng nuôi, tôi xuất bán và lãi được 7 triệu đồng. Thấy nuôi cá trê cho thu nhập cao nên chúng tôi xây thêm 2 hồ và nuôi thêm cá tràu. Lúc đó, thức ăn cho cá chủ yếu là kéo lưới ở bàu, chi phí thấp, nên lợi nhuận rất cao. Bình quân sau một vụ nuôi khoảng 6 tháng đối với cá tràu và hơn 3 tháng đối với cá trê, gia đình tôi thu lãi gần 20 triệu đồng.

 

Liên tiếp nhiều vụ nuôi, vụ nào cũng trúng nên vợ chồng bà Sim mạnh tay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Sau 12 năm phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, hiện gia đình bà có tất cả 15 hồ nuôi với tổng diện tích khoảng 700m2. Trong đó, 2 hồ chuyên để nuôi ươm cá giống, 4 hồ cá tràu, còn lại để nuôi cá trê. Theo bà Sim, sở dĩ dành riêng 2 hồ để ươm cá giống vì giai đoạn này cá còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên phải tách nuôi để dễ chăm sóc, giảm tỉ lệ hao hụt. Ngoài ra, để nuôi cá thành công, việc đảm bảo môi trường nước nuôi không bị ô nhiễm là rất quan trọng. Vì vậy, bà đã đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước đến tận các hồ. Các hồ nuôi cá tràu mỗi ngày được thay nước 2 lần. Đặc biệt, nguồn nước thải từ các hồ nuôi cá tràu sẽ được đưa qua hồ nuôi cá trê, cách làm này giúp tận dụng hết nguồn thức ăn còn thừa. Nhờ vậy, khi cho cá ăn, vợ chồng bà có thể tăng lượng thức ăn nhiều hơn, giúp cá mau lớn. Hiện nay, mỗi vụ nuôi, bà Sim thả khoảng 12.000 con cá tràu giống và khoảng 200kg cá trê giống. Sau 6 tháng nuôi, bà thu hoạch được 1 lứa cá tràu với sản lượng khoảng 2 tấn. Còn cá trê, bà Sim nuôi 3 tháng/lứa, xuất bán quanh năm, ước sản lượng khoảng 6 tấn/năm.

 

Bà Sim cho biết: Nhờ tôi có thâm niên nuôi cá nên các thương lái chuyên cung cấp cá tươi làm thức ăn đều biết và tìm đến bán tận nhà khi có nguồn thực phẩm. Đồng thời, sau nhiều năm làm nghề, tôi cũng tạo được đầu ra ổn định. Cá sau thu hoạch có thương lái đến tận nhà để mua. Hiện cá tràu có giá 55.000 đồng/kg, cá trê 35.000 đồng/kg (thu tại nhà). Bình quân mỗi năm, từ nghề nuôi cá nước ngọt, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

 

Không dừng lại ở đó, vừa rồi, khi huyện Tuy An triển khai mô hình nuôi chình bông nước ngọt trong hồ xi măng, bà Sim cũng tiên phong nuôi thử nghiệm. Hiện bà dành ra 4 hồ lớn để nuôi 15kg chình giống. Để hội đủ tiêu chuẩn tham gia mô hình, bà đã cải thiện lại hồ đạt độ cao cần thiết, đáy hồ cho lót bùn, lắp đặt hệ thống sục bọt khí tạo ôxy, đầu tư nhá ăn, hệ thống mái che... Chi phí nuôi chình khá cao vì chình rất kén ăn, chỉ ăn ròng cá rô phi hoặc trùn quế nhưng chình lại lớn khá nhanh. Sau gần 10 tháng nuôi, chình đạt trọng lượng từ 0,8-1kg/con, trọng lượng bình quân của một con chình thương phẩm có thể đạt 2-3kg (sau 2 năm nuôi). Bà Sim cho hay: Để chình phát triển tốt, ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn, người nuôi phải thường xuyên theo dõi màu nước, bình quân khoảng 3-5 ngày nên thay nước một lần. Lượng nước thay ra khoảng một nửa mực nước hồ. Nếu giá chình thương phẩm ổn định ở mức 460.000 đồng/kg như hiện nay thì nuôi chình bông sẽ cho lợi nhuận cao hơn nuôi cá tràu và cá trê.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ Biện Ngọc Min nhận xét: Từ một hộ nghèo ở địa phương, bà Lê Thị Sim đã biết chuyển đổi cách làm ăn, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi cá nước ngọt. Hơn nữa, bà Sim còn mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi chình trong hồ xi măng. Nếu thành công thì đây sẽ là mô hình điểm để nhiều hộ dân ở địa phương học tập làm theo.

 

SƠN CA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek