Bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam cùng Philippines, Bangladesh - ba nước trong Nhóm chủ chốt của sáng kiến thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí đến nhân quyền - đã phát biểu khai mạc và tham gia thảo luận tại tọa đàm quốc tế giới thiệu báo cáo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền y tế.
Tham dự tọa đàm có đại diện Văn phòng Cao ủy, Tổ chức Y tế thế giới, các báo cáo viên đặc biệt về quyền y tế và quyền của người di cư cùng đại biểu từ hơn 30 nước và đại diện rất nhiều các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva ngày 17/6, trong thảo luận, các diễn giả, chuyên gia đã nêu bật những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người vì nó tác động trực tiếp đến các điều kiện cơ bản về xã hội và môi trường của sức khỏe con người.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tình trạng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai ngày càng tăng như lũ lụt và hạn hán kéo dài, nắng nóng nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các tác động gây ô nhiễm không khí, thiếu nước, thiếu lương thực, dinh dưỡng, cũng như làm tăng các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm, bệnh về tinh thần…
Các tác động tiêu cực nêu trên thể hiện rõ nhất ở các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật, nhất là tại các nước đang phát triển.
Thực tế trên đòi hỏi sự gia tăng cam kết chính trị, nguồn lực, hành động thiết thực thông qua hệ thống chính sách công, huy động khu vực tư nhân, ưu tiên các đối tượng dễ tổn thương, thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan, nhất là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đánh giá cao nghiên cứu do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền thực hiện, cho rằng các tác động nhiều chiều của biến đổi khí hậu đến quyền y tế mà nghiên cứu chỉ ra cũng chính là các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như mực nước biển ngày càng tăng cao, nước mặn xâm lấn thổ cư và đất canh tác; bão lũ, hạn hán, thiên tai hàng năm gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản; nhiều loại bệnh và số ca bệnh tăng cao trong các đợt nắng nóng kéo dài vào mùa hè…
Nằm trong nhóm 5 nước chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, theo một số tính toán, từ nay đến cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt độ trung bình hàng năm tại Việt Nam ước tính từ 2-3 độ C, dẫn đến mực nước biển có thể tăng khoảng 1m, khả năng gây ngập 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng, trực tiếp tác động đến 10-12% dân số Việt Nam và gây thiệt hại khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trước những thách thức chung này, Việt Nam nhấn mạnh các nước cần chú trọng lồng ghép các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm quyền lương thực, nhà ở, giáo dục vào các chương trình và chính sách quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng bình đẳng giới và quyền lợi của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật.
Nhân dịp này, đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục cùng các nước trong Nhóm chủ chốt thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền, trước mắt là giới thiệu dự thảo Nghị quyết về tác động của biến đối khí hậu đến việc hưởng thụ các quyền của trẻ em để xin ý kiến các nước trước khi trình lên Khóa 32 Hội đồng Nhân quyền thông qua.
Cùng ngày 16/6, Hội đồng Nhân quyền đã tổ chức Phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền y tế nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao sức khỏe cho thanh thiếu niên. Tại phiên thảo luận, đa số các nước ủng hộ việc thông qua các chính sách y tế quốc gia để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên.
Đoàn Việt Nam đã tham gia thảo luận, chia sẻ tình hình người dân Việt Nam có sức khỏe tốt nhất trong khu vực, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan tới sức khỏe.
Y tế và sức khỏe cộng đồng được đặt làm trung tâm của tất cả các chính sách công; bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị với sự tham gia của người dân chứ không chỉ là trách nhiệm riêng ngành y tế.
Kết luận, Báo cáo viên đặc biệt về quyền y tế nhấn mạnh nhiều thách thức cần vượt qua để bảo đảm tốt hơn sức khỏe của giới thanh thiếu niên - thành phần chiếm 1,2 tỉ người trong xã hội. Trong bối cảnh tiến tới thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, việc công nhận các quyền của thanh thiếu niên cũng là biện pháp nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của nhóm đối tượng này.
Trước đó, ngày 14/6, tại phiên đối thoại với báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và đói nghèo cùng cực, đoàn Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đối với quá trình xóa bỏ đói nghèo cùng cực. Bất chấp những thành tựu mà thế giới đã đạt được trên lĩnh vực này trong những năm qua, mục tiêu xóa bỏ đói nghèo cùng cực trước năm 2030 đang ngày càng bị thách thức bởi suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và xung đột.
Do đó, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động thiết thực hơn nhằm đảm bảo người nghèo được hưởng lợi từ các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) còn lại và hướng tới thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các nước trong vấn đề xóa đói giảm nghèo.
Trong tuần làm việc đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền khóa 32, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp thực chất tại nhiều phiên thảo luận của Hội đồng Nhân quyền, được nhiều nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đây là Khóa họp thường kỳ thứ 2 trong năm thứ 3 Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016).
Theo TTXVN/Vietnam+