Thứ Tư, 02/10/2024 17:24 CH
Những người dân Tây Nguyên vượt biên trái phép trở về đang sống ra sao?
Thứ Hai, 13/02/2006 14:31 CH

Vài năm trước, một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị bọn xấu dụ dỗ bỏ buôn làng đi vượt biên. Hầu hết họ đã trở về, nhận ra lầm lỗi của mình và hiện đang có cuộc sống ấm no cùng gia đình, cùng cộng đồng. Họ nghĩ gì về những ngày đã qua, và đang làm gì trong cuộc sống hiện tại?

 

A Bưm, người Bana và Siu Sua, người J’rai ở xã Ia Xia, huyện Sa Thầy, Kon Tum kể rằng: Vì lúc đó em không biết, em nghe nói người ta đi nhiều thì em cũng đi, thế thôi. Nói đi tới Campuchia có xe, có nhiều tiền, nghe nói như vậy em cũng thích đi”.

 

Anh A Hỷ ở xã Ia Xia, huyện Sa Thầy, Kon Tum chốt lại lý do một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia thời gian qua: “Vượt biên thì do dân trí thấp, nghe bọn xấu xúi giục, rủ là sang bên đó để nhận một số tiền 50 triệu để về xây dựng nhà cửa. Cho nên nhận thức của họ kém quá, họ mới nghe bọn xấu xúi qua bên kia, như vậy là họ mới đi”.

 

Kể từ ngày bị kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên tới nay, chiêu thức của những kẻ trong tổ chức Fulro lưu vong của Ksor Kơk hầu như không thay đổi, vẫn là dụ dỗ bà con đi tìm sự giàu sang sung sướng mà không phải lao động. Thêm vào đó, một số gia đình có người thân ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi tiền về đã làm nhiều người ảo tưởng rằng, họ có thể không cần làm mà vẫn có nhiều tiền, có cuộc sống sung sướng nơi xứ người. Chỉ tới khi luồn rừng lội suối sang tới Campuchia, vào trại tại cư, sống kham khổ, không thấy tiền đâu, vàng đâu, nhiều người mới vỡ mộng và xin được hồi hương.

 

A Bưm kể rằng, khi anh xin được hồi hương, nhân viên của cao uỷ Liên Hợp quốc về người tị nạn nói rằng, cho tới biên giới Campuchia thì anh sẽ an toàn, còn từ khi đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam, anh có về được tới làng mình không thì họ không biết. Vậy nhưng A Bưm vẫn quyết định quay về. A Bưm nói: “Em cứ cố gắng về thôi, em không chịu nổi. Đến đồn biên phòng, Công an Kon Tum chở em về. Em đã sai, em khai thật những gì em thấy. Nhà nước khoan hồng cho em trở về, trả cho gia đình em, vợ con em. Nhà nước cho em về làm ăn. Nhà nước cấp cho em 4 sào ruộng và đất cũ của em nữa có 2 ha. Về đây em là người tự do, chỉ lo làm ăn thôi”.

 

Khác với A Bưm là nạn nhân, Rơ Chăm Thu, người J’rai ở thị trấn Phú Thiện, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai đã từng móc nối đưa người vượt biên sang Campuchia. Chồng của Rơ Chăm Thu từng là đầu trò trong vụ chống chính quyền hồi tháng 4/2004. Rơ Chăm Thu nói rằng, chỉ quanh quẩn trong làng, chị làm việc đó mà không biết là mình đã vi phạm pháp luật. Khi hiểu ra, chị đã trả lại tiền cho những người góp tiền cho chị để tổ chức vượt biên. Rơ Chăm Thu tâm sự: “Bây giờ, mình chỉ lo làm ruộng làm rẫy, chăn nuôi. Ruộng được 5-6 sào, rẫy hơn 2 héc, trồng bắp, trồng đậu, trồng đậu ván. Vụ bắp thu được hơn mấy triệu, vụ lúa thì đủ ăn. Các cháu nhà mình chăm chỉ học hành, đứa con mình học lớp 8 được học sinh giỏi. Vừa rồi Nhà nước cho mình vay 8 triệu, để làm ăn trong gia đình, lo làm ruộng”.

 

Ama Vốc ở làng Đáp, xã Ia Ke, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai cũng vì nghe lời dối trá mà vượt biên sang Campuchia. Vợ anh bảo, nếu biết, chị sẽ ngăn không cho anh dại dột như vậy. Khi Ama Vốc  từ Campuchia trở về, vợ anh mừng phát khóc. Chị cho biết: “Mình làm ăn bình thường, vui vẻ với làng xóm. Khi Ama Vốc về tới làng, Đảng và Nhà nước khoan hồng, giúp đỡ, giờ mình chỉ biết làm ăn vậy thôi. Từ ngày Ama Vốc về, cùng dân làng ngăn chặn, không nghe không theo lời bọn xấu”.

 

Anh A Hỷ, ở xã Ia Xia, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhận xét về cuộc sống của những người trở về từ Campuchia: “Đối với những người này, địa phương cũng đến tận nhà giáo dục họ, và quán triệt lại những người ở trong làng để không nghe những bọn kẻ xấu xúi giục đi Campuchia. Đối với dân làng, dân làng cùng với xã phối hợp tổ chức giáo dục họ. Đến bây giờ thì những người đã trở về làng làm ăn bình thường, đối xử và bà con cũng bình thường. Họ chỉ lo làm ăn với gia đình”.

 

Những người trở về từ Campuchia, hiện đang sống những cuộc sống bình yên. Có khác chăng, là trong hồi ức của họ có thêm những ngày tháng ngày không tươi đẹp khi bước nhầm một bước.

 

VOV

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek