Chủ Nhật, 19/05/2024 03:42 SA
Đòn vô vọng trước những giá trị vĩnh hằng
Thứ Tư, 08/02/2006 10:16 SA

Mưu toan kết tội Chủ nghĩa cộng sản (CNCS), cưỡng ép dựng lên “phiên tòa công lý toàn cầu” nhằm gắn “bản án tử hình” lên những lý tưởng của Chủ nghĩa xã hội (CNXH) thông qua cái gọi “Nghị quyết về sự cần thiết lên án quốc tế đối với tội ác của các chế độ cộng sản độc tài” mà Hội đồng nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) vừa đưa ra không phải là điều gì mới lạ trong lịch sử.

 

Bộ đội vận tải miền Đông Nam Bộ thồ hàng phục vụ Chiến dịch Phước Long trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư Liệu

 

Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời đã phải hứng chịu không ít đòn công kích từ phía các kẻ thù tư tưởng. Sự chống phá này càng trở nên gấp gáp hơn, ồ ạt hơn sau sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô, sự suy thoái của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. “Cơ hội vàng” này đang được các học giả tư sản tận dụng triệt để nhằm tha hồ “làm mưa, làm gió” với các tuyên bố đại ngôn theo kiểu “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã hết vai trò lịch sử”, “Việc áp dụng học thuyết đó chỉ đưa đến tai họa”, “Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm lịch sử, đưa dân tộc vào chỗ chết” v.v... Trong bối cảnh đó, toan tính của PACE đưa ra “bản án lịch sử” đối với CNCS có thể coi đỉnh cao trong chuỗi nỗ lực của các thế lực chống cộng với mục tiêu áp đặt một chế tài pháp lý nhằm loại bỏ hẳn CNXH, CNCS khỏi sự phát triển của lịch sử. 

 

Thế nhưng, những đòn công kích ồ ạt, những mưu toan chớp thời cơ để hành động theo kiểu “giậu đổ bìm leo” không dễ gì có thể xóa bỏ CNXH bởi vì CNXH đâu phải là một mô hình xã hội cụ thể mà là nơi ẩn chứa những lý tưởng cao đẹp mà con người luôn vươn tới, là giấc mơ cháy bỏng của bao thế hệ người lao động bị bóc lột và đày đọa đến cùng cực về một xã hội công bằng, bác ái, không còn nạn người bóc lột người, dân tộc này áp bức dân tộc khác. Quá khứ lịch sử hàng bao thế kỷ cho thấy một thực tế rõ ràng là chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã không thể giải quyết được cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa những kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Chỉ với sự ra đời của chủ nghĩa Mác, con đường đi tới một xã hội công bằng, xóa bỏ chế độ áp bức bất công mới hiện rõ. Chỉ với sự xuất hiện của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới - Liên Xô, giấc mơ công bằng, bác ái của loài người mới trở thành hiện thực.

 

Đó là lý do tại sao, biết bao thế hệ người dân Xô-viết, những người cộng sản trên khắp thế giới đã sẵn sàng hy sinh quên mình cho mục tiêu, lý tưởng CNXH. Làm sao có thể nói những người dân Xô-viết từng cắn răng chịu đựng trước những khó khăn khủng khiếp, những gian khổ thử thách vượt quá sức tưởng tượng của con người trong thời kỳ đầu xây dựng CNXH và trong cuộc chiến một mất một còn với chủ nghĩa phát-xít, là “vật hy sinh mù quáng” cho một cuộc thử nghiệm? Làm sao có thể khẳng định cuộc đời  đầy gian nan, khắc khổ, chỉ biết đến cống hiến và hy sinh của những nhân vật đã đi vào huyền thoại như Pa-ven Coóc-xơ-ghin, Xta-kha-nốp là “nạn nhân” của một chế độ đặc trưng bởi “sự vi phạm nhân quyền, đàn áp con người” như khẳng định của PACE? Những con người đó đã hành động chỉ với một suy nghĩ đơn giản là để bản thân mình, con cái mình mãi mãi không còn phải chịu cảnh bị bóc lột, và bởi vì những nguyên lý căn bản của CNXH thực sự cao đẹp, đầy hấp dẫn và sự khích lệ.

 

Và cũng chính nhờ sự tồn tại của CNXH như một đối trọng nặng ký đã buộc CNTB phải có những điều tiết nhằm xóa bớt đi bộ mặt gớm ghiếc và tàn bạo của giai đoạn phát triển nguyên thủy. Không những thế, chính trong quá trình điều chỉnh để thích nghi đó, CNTB đã buộc phải có những thay đổi, vận dụng các kinh nghiệm của CNXH nhằm làm dịu đi những mâu thuẫn nội tại của mình như điều hoà sản xuất, áp dụng các cơ chế phân phối lại ngoài thu nhập quốc dân, xây dựng hệ thống bảo hiểm và các quỹ phúc lợi xã hội, tạo thêm cơ hội cho người lao động tham gia vào công tác quản lý, mở rộng dân chủ hơn với các tầng lớp nhân dân. Những thay đổi đó đâu phải nảy sinh một cách tự nhiên từ mục tiêu của CNTB, từ bản chất ẩn chứa bên trong của CNTB, mà trên thực chất, nó là hệ quả tất yếu dưới tác động không thể cưỡng lại từ CNXH. Như vậy, làm sao có thể phủ nhận sạch trơn mọi giá trị của CNXH? Làm sao có thể đánh đồng về bản chất giữa một chế độ dựa trên những lý tưởng sâu sắc về công bằng, bác ái với một “thây ma lịch sử” là chủ nghĩa phát-xít vốn thống trị bằng bạo lực theo kiểu phân biệt chủng tộc?

 

một thực tế đau lòng nhưng không thể phủ nhận là sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô cùng sự suy thoái của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận khác là bất chấp CNXH thoái trào và CNTB đang có phần thắng thế, những lý tưởng cao đẹp của CNXH về một xã hội công bằng, không còn cảnh người bóc lột người, vẫn là mơ ước mà loài người vươn tới. CNTB dù thay đổi thế nào thì vẫn không thể giải được bài toán bất công trong phát triển, vẫn bất lực trước nghịch lý của thời đại là “vực thẳm giàu-nghèo”. Những con số thống kê giàu-nghèo luôn làm thế giới phải giật mình: Trên phạm vi toàn cầu, chưa đến 500 người đang sở hữu tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại. Trong 6 tỷ người trên thế giới, 1 tỷ người sở hữu 80% của cải toàn cầu còn 1 tỷ người khác đang sống chật vật với mức thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Mức chênh lệch về thu nhập bình quân tính theo đầu người giữa nhóm nước giàu nhất và nghèo nhất liên tục tăng. Nếu như năm 1960, mức này là 31/1, đến năm 1990 tăng lên mức 61/1, thì nay đã là 74/1.

 

Không khó để trả lời, người giàu đã kiếm được số tài sản khổng lồ đó như thế nào? Trong bài viết “Tuyên ngôn cộng sản chưa phai giá trị”, giáo sư triết học Mỹ Ph. Ga-xpơ đưa ra một dẫn chứng: “Vào giữa thập niên 1960, lương trả cho công việc sản xuất ở Mỹ bằng 46% giá trị gia tăng trong sản xuất, đến năm 1990 con số này giảm xuống còn 36%. Nói cách khác, giai cấp tư bản đang vắt kiệt “giá trị thặng dư” hơn bao giờ hết từ những người đang làm việc cho họ, khiến những người thường tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào nếu không được trả lương”. CNTB vẫn tạo điều kiện cho lòng tham, sự cạnh tranh và tính hung hãn phát triển mạnh thêm. Nó làm xói mòn những mối quan hệ của con người, hướng mối quan hệ đó chỉ còn dựa vào “những sở thích cá nhân” và “lợi nhuận”. 

 

Sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, người dân ở các nước ngày hiểu thêm nhiều điều về bản chất của CNTB và càng thấy rõ thêm những giá trị đích thực của CNXH. Sau “giấc mơ đổi đời” không thành mà chỉ thấy những cú sốc đến chóng mặt bởi các "liệu pháp sốc kinh tế" từng có lúc được quảng cáo như liều thuốc quý trong quá trình chuyển đổi ở Nga và các nước Đông Âu, “hưởng đến no” những cái gọi là “giá trị dân chủ, tự do phương Tây” mà cuộc sống thì cứ nặng nề thêm, nhiều người dân mới chợt giật mình hiểu ra rằng, rất nhiều những giá trị mà họ từng được hưởng dưới chế độ XHCN nay lại đang là giấc mơ. Ông Xnai-đơ, một kỹ sư 49 tuổi ở Đức thất nghiệp từ tháng giêng năm 2004, từng gửi đi 286 đơn xin việc mà không ai đáp lại. Chán chường, ông tâm sự: “Nền kinh tế thị trường không giải quyết được những vấn đề của chúng tôi. Các doanh nghiệp lớn chỉ tranh giành lợi nhuận mà không chịu trách nhiệm với người lao động”.

 

Điều đó lý giải vì sao thăm dò dư luận gần đây cho thấy, số người Nga ủng hộ khôi phục Liên Xô đã tăng từ 28% năm 2001 lên 32% năm 2005. Không chỉ ở Nga, kết quả điều tra của một công ty độc lập mang tên “Nghiên cứu Ban-tích” mới được Hãng thống tấn Nga Novosti trích dẫn hồi đầu tháng giêng cho thấy, đa số người dân Lít-va, nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, đánh giá chất lượng cuộc sống dưới thời Xô-viết tốt hơn hẳn hiện nay. Rất nhiều người Nga giờ lại nói nhiều đến quá khứ với niềm tự hào, chứ không phải là sự phủ nhận. Đề nghị khôi phục Quốc ca Liên Xô và quân kỳ Hồng quân Xô-viết của Tổng thống V. Pu-tin đã nhanh chóng được xã hội ủng hộ. Mới đây, bộ phim Xô-viết ra đời từ cách đây nửa thế kỷ “Mặt Trời trắng trên sa mạc” bỗng trở thành hiện tượng đối với ngành điện ảnh của năm 2005 bởi thu hút số khán giả đủ mọi lứa tuổi ngay giữa thủ đô Mát-xcơ-va tới xem lên tới con số bất ngờ. Giải thích điều này thế nào nếu không phải vì người xem đã tìm lại trong phim những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Xô-viết và chế độ XHCN ở Liên Xô.

 

Một thực tế đáng chú ý khác đang nổi lên thành hiện tượng ở các nước Nam Mỹ là việc các lực lượng cánh tả lên nắm quyền thông qua con đường bầu cử dân chủ với sự tín nhiệm của đa số dân chúng. Sau hàng thập kỷ phát triển theo con đường TBCN mà kết thúc là sự bất ổn, hỗn loạn về kinh tế mà nguyên nhân sâu xa ẩn chứa trong những mâu thuẫn xã hội, người dân khu vực này nay đặt niềm tin vào những người lãnh đạo mới theo xu hướng chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do sang mô hình kinh tế thị trường kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội. Tiếp sau việc ông H. Cha-vét theo đường lối cánh tả trở thành Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la vào năm 1998, đến lượt Tổng thống R. La-gốt ở Chi-lê (năm 2000), Tổng thống Lu-la đờ Xin-va ở Bra-xin (năm 2002), Tổng thống N. Kít-chơ-nơ ở Ác-hen-ti-na (năm 2003), Tổng thống M. Tô-ri-giô ở Pa-na-ma (năm 2004), Tổng thống T. Vát-quét ở U-ru-goay (năm 2004) và mới đây nhất là tân Tổng thống người da đỏ E. Mô-ra-lét ở Bô-li-vi-a (tháng 12-2005). Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy CNTB đã không thể giải quyết được các mâu thuẫn xã hội trong quá trình phát triển, mà đặc trưng nhất là sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội, giữa người giàu thiểu số với người nghèo đa số, buộc người ta phải đi tìm lời giải trong mô hình CNXH.

 

Chính vì thế, toan tính của PACE áp đặt “bản án tử hình” cho CNXH không thể xóa bỏ được những lý tưởng của CNXH. Trái lại, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, sự thoái trào của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế đã giúp cho những người cộng sản nhận thức lại rằng, Mác, Ăng-ghen, Lê-nin không đưa ra lời giải đáp hoàn chỉnh cho tất cả các câu hỏi về mô hình XHCN tương lai, không nghĩ thay cho tất cả những nỗ lực hướng tới một xã hội XHCN tương lai. Chủ nghĩa Mác chỉ cung cấp một phương pháp phân tích, một cách nhìn thích hợp, một chiến lược chính trị đúng để cải tạo xã hội. Còn lại, muốn CNXH thành công phải luôn sáng tạo, đổi mới trên cơ sở nắm bắt hơi thở của cuộc sống và những thay đổi của thế giới, vận dụng đúng đắn các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn.

 

Thực tế cải cách, mở cửa thành công ở Trung Quốc và đặc biệt là thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam được cả thế giới ca ngợi là bằng chứng đầy tính thuyết phục cho thấy CNXH vẫn đầy sức sống nếu các đảng Cộng sản biết tự đổi mới, tìm tòi sáng tạo cả về lý luận và thực tiễn. 20 năm đổi mới, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Đảng. Sự hội nhập của Việt Nam vào đời sống kinh tế quốc tế và khu vực với khẩu hiệu “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đã và đang cho phép chúng ta phát huy tốt nội lực, tranh thủ khai thác các nguồn ngoại lực, giúp dân tộc ta vượt qua những thách thức của thời cuộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển và thu được kết quả đầy ấn tượng.

 

“Đổi mới” đã trở thành từ quốc tế mà mỗi khi nhắc đến nó, thì dù không có phiên dịch, ai cũng hiểu đang nói về thành tựu của Việt Nam. “Đổi mới” đã song hành với “Việt Nam” đến khắp nơi trên thế giới, đã vang lên trên các diễn đàn quốc tế lớn như là một hiện tượng đặc biệt, một kỳ tích trong thế giới hiện đại. Sự cảm nhận đó không chỉ đối với người Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, không chỉ với các bạn bè truyền thống mà cả những người bạn mới của Việt Nam. Nhiều quốc gia trước đây không mấy thiện cảm với nước ta, thậm chí thù nghịch, song đến nay, cũng phải thừa nhận về một nước Việt Nam XHCN đáng trân trọng và khâm phục. Đổi mới đã tạo cơ sở để khẳng định “cải tổ là nhu cầu tất yếu nhưng sụp đổ lại không phải là tất yếu của cải tổ nếu có đường lối đúng”.

 

Đó là cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để chúng ta có thể khẳng định những giá trị của CNXH vẫn đầy sức sống, vẫn là ước mơ vươn tới của loài người. Không thể phủ nhận những giá trị cao đẹp, đầy tính nhân văn ẩn chứa trong những lý tưởng của CNXH. Những hành động bôi nhọ, nói xấu, những toan tính loại bỏ CNXH ra khỏi con đường phát triển của nhân loại như PACE đang làm chẳng khác nào “hành động chống lại những quy luật tự nhiên”, như tuyên bố của người tham dự cuộc hội thảo khoa học hằng năm “Tác phẩm của Các Mác” mới diễn ra tại Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Trước những giá trị vĩnh hằng của CNXH, những đòn đánh đó đều trở nên vô nghĩa.

 

MẠNH TƯỜNG (QĐND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek