Chiều qua (3/8), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2007, các biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Trước đó, trong buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2005.
Theo tờ trình, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2005 đã thực hiện vượt dự toán và tăng khá so với năm trước, với tổng số thu đạt 223.262 tỉ đồng, vượt 22% so với dự toán và đạt 23,8% GDP. Một số nguồn thu tăng cao hơn so với các năm trước, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, do áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất. Về chi cân đối ngân sách, trong năm 2005, số chi là 257.672 tỉ, vượt 12,2% so với dự toán, trong đó vượt chi ngân sách cả ở khối Trung ương và địa phương, đặt biệt khối địa phương chi vượt trên 25% dự toán. Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn chi tăng chủ yếu là do tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo quy định, trong đó ưu tiên tập trung cho các công trình trọng điểm quốc gia, mạng lưới thủy lợi, cơ sở vật chất cho giáo dục, xóa đói giảm nghèo.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nêu những tồn tại chủ yếu của thu ngân sách năm 2005, đó là tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, trong đó có nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước thuộc diện sắp xếp lại, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các đơn vị đã giải thể... chậm xử lý. Một số lĩnh vực còn thất thu như hoạt động kinh doanh bất động sản, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, tình trạng buôn lậu, kê khai gian doanh thu, sự phối hợp của các lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại ở một số địa bàn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...
Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, nêu rõ: Về cơ bản, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2005 tuân thủ các quy định của Luật ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lập và giao dự toán chưa tích cực, chưa bám sát một số địa phương, còn tình trạng phân bổ chậm, sai đối tượng, sai mục đích; tình trạng thất thu thuế, nợ đọng thuế vẫn còn khá lớn tại một số địa phương. Tình trạng trốn lậu thuế, gian lận trong kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tình trạng buôn bán hóa đơn, hạch toán không trung thực vẫn diễn ra, có nơi tăng lên nhưng chưa ngăn chặn hữu hiệu… Báo cáo cũng nêu nguyên nhân dẫn đến chi quản lý hành chính vượt dự toán là do định mức chi hành chính lạc hậu, không sát với thực tế và chưa kịp sửa đổi. Mặt khác, không ít địa phương đã chi vượt tiêu chuẩn, định mức mua sắm ô tô, tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết và không chấp hành đúng quy định về tổ chức đấu thầu trong việc mua sắm trang thiết bị công sở.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 và giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách nhà nước đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)