Sáng nay, 3/8, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đọc Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước 2005. Báo cáo thẩm tra nhận định, về cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội và tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách.
Báo cáo thẩm tra đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn chưa chặt chẽ trong Báo cáo quyết toán của Chính phủ. Trên cơ sở phân tích nhiều mặt, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2005 với mức bội chi 40.746 tỷ đồng (không bao gồm 11.114 tỷ đồng chênh lệch thu chi ngân sách địa phương), bằng 4,86% GDP.
Về hiệu quả và tồn tại trong hoạt động điều hành của Chính phủ, bên cạnh việc khẳng định mặt tích cực, Báo cáo thẩm tra nhận định, việc lập và giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chưa sát thực tế ở một số địa phương; còn tình trạng phân bổ chậm, sai đối tượng, sai mục đích.
Tình trạng thất thu và số nợ đọng quá hạn còn khá lớn. Quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) ở một số công trình, dự án kéo dài, quản lý số vay chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ phát sinh mới về nợ XDCB. (Tại 24/32 tỉnh thành được kiểm toán đã có 8.142 tỷ đồng nợ đọng).
Tình trạng chi vượt dự toán lớn vẫn còn, đơn cử như chi trợ giá các mặt hàng chính sách cao gấp hơn 2 lần dự toán (1.038 tỷ đồng/480 tỷ đồng)... Số chi chuyển nguồn ngày càng lớn cho thấy công tác quản lý và điều hành NSNN cần phải được chấn chỉnh để tăng cường hiệu lực và hiệu quả sử dụng NSNN. Trong điều kiện NSNN còn thâm hụt lớn, phải đi vay và trả lãi cho khoản thâm hụt này thì việc chi NSNN không hết, phải chuyển nguồn sang năm sau là một nghịch lý, một dạng lãng phí khó chấp nhận.
Thảo luận tại hội trường về Báo cáo quyết toán ngân sách, một số đại biểu chỉ ra độ “vênh” nhất định giữa tờ trình của Chính phủ với số liệu thống kê và số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) quan tâm đến việc xử lý nguồn thu từ dầu khí để xác định được hiệu quả kinh doanh thực sự của ngành này. Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lăk) cảnh báo về tình trạng phát hiện nguồn thu ngoài ngân sách ở tất cả 87 đơn vị được kiểm toán, cho thấy công tác quản lý ngân sách còn nhiều kẽ hở...
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2007, các biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Theo SGGP