Thứ Ba, 01/10/2024 20:42 CH
Một trận tuyến thầm lặng
Thứ Hai, 07/05/2007 08:00 SA

Hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng. Trước khi ta nổ súng tấn công vào Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương vẫn cả quyết rằng: Việt Minh không thể nào đủ sức đảm bảo hậu cần cho các binh đoàn tác chiến dài ngày ở một địa bàn rừng núi cách xa hậu cứ, dưới sự bắn phá ác liệt của không quân Pháp! Vậy mà bằng cách nào, các đại đoàn chủ lực của ta vẫn có đủ lương thực, thực phẩm, quân cụ, đạn dược để chiến đấu và chiến thắng?

 

070507-tu-lieu.jpg

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng. Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX - Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Từ đầu năm 1954, hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng... dốc toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, hầu như cả nước ta đã hướng ra mặt trận. Cán bộ các khu, các tỉnh đã “xốc lên” chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, với mưa lũ, huy động sức người, sức của ở mức cao nhất, nhằm đảm bảo tốt nhất mọi nhu cầu chiến đấu của bộ đội. Nhiều khoản đã huy động được gấp rưỡi, gấp đôi số lượng so với yêu cầu của Bộ Chỉ huy Mặt trận. Chỉ riêng một đợt giữa tháng 4 (năm 1954), chúng ta đã huy động được hơn 4.000 tấn gạo, 300 tấn lợn, bò, gà, vịt... Huyện Gia Khánh (Ninh Bình) chỉ sau một ngày phát động, nhân dân đã ủng hộ hơn 600 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 100 tấn). Tỉnh Thanh Hoá đợt huy động nào cũng dẫn đầu về cả sức người lẫn sức của. Nhiều gia đình chỉ còn một thúng thóc cũng sốt sắng đem ủng hộ cho “Bộ đội Điện Biên”. Một bà cụ ở bản Tà Sình Thàng (Tây Bắc), có mỗi một con gà mái đang ấp cũng tự tay đem gửi cho thương binh ở Điện Biên Phủ “ăn cho chóng khoẻ để giết giặc Tây”...

 

Lực lượng dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là nhân dân ở các vùng tự do mà cả trong vùng sau lưng địch. Có nhiều người luống tuổi vẫn tình nguyện tham gia dân công. Có gia đình từ ông đến cháu đều đi phục vụ tiền tuyến. Từ Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra, từ Việt Bắc, Yên Bái đổ về, dân công ùn ùn ra hoả tuyến.

 

Giặc Pháp điên cuồng đánh phá giao thông. Máy bay địch ném bom dữ dội trên các tuyến đường huyết mạch. Đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi... có ngày chịu đựng tới hơn 300 quả bom. Giặc Pháp đã sử dụng chất hoá học để làm mưa nhân tạo quanh Điện Biên Phủ, hòng dùng mưa lũ, sình lầy cản đường vận tải của ta. Chúng còn dùng máy bay rắc chông sắt xuống các nẻo đường rừng, nhằm làm thủng lốp xe và gây thương vong cho lực lượng ta. Nhưng với tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm vô song, nhân dân ta đã đạp bằng mọi cam go, thử thách, đảm bảo mạch máu tiếp vận đến Điện Biên Phủ không lúc nào gián đoạn. Trên tuyến đường từ hậu phương tới mặt trận (nơi xa nhất dài hơn 3.000 km), chúng ta đã sử dụng 25 đội chủ lực cầu đường, gồm 5.000 người, chuyên phá bom nổ chậm, 1.200 thuỷ thủ làm nhiệm vụ vận hành tại 60 bến phà. Lực lượng nòng cốt được phân công mỗi đồng chí trông coi 2km đường. Lực lượng dân công luôn túc trực trong các hẻm núi, hốc đá dọc theo các tuyến đường. Bất cứ điểm nào vừa bị địch ném bom, là ngay lập tức có dân công đến khắc phục. Những đoạn xung yếu, còn có công binh hướng dẫn kỹ thuật. Đoạn đường Ba Khe – Cò Nòi thường xuyên có từ 8.000 đến 10.000 dân công làm nhiệm vụ sửa đường. Đoạn đường Cẩm Thuỷ - Suối Rút dài khoảng 100km mà có đến 1 vạn dân công “trực chiến” suốt ngày đêm.

 

Với khẩu hiệu “không một quả bom nổ chậm nào bỏ sót, không một đoạn đường nào không sửa được, không một đêm nào để lỡ kế hoạch vận chuyển”, hàng chục vạn dân công đã làm việc ngày đêm không nghỉ! Phong trào “Thi đua tăng chuyến, tăng tốc” được phát động rầm rộ trên các tuyến đường. Chị Mùi làm nhiệm vụ ở Trạm Vận tải 22 Yên Bái nhiều lần vác tới 100kg. Chị Châu Thị Mỳ, chị Nguyễn Thị Chát (ở Vĩnh Phúc) thường xuyên vác trên 90kg. Giữa rừng khuya, vang vọng những tiếng hò kiêu hãnh: “Thằng Tây tiếp tế máy bay/ Cũng thua tiếp vận chân tay chúng mình!”

 

Trên tuyến Nậm Na, các cô gái vạn chài sông Thao ngày đêm kiên cường làm chủ hàng trăm dòng thác dữ. Mỗi chiếc mảng bình thường chỉ chở được 3 tạ, nhưng trong chiến dịch, mảng nào cũng chở từ 3,5 - 4 tạ, và đợt nào, các chị cũng hoàn thành số lượng vận chuyển trước thời hạn.

 

Anh chị em xe thồ cũng liên tục nâng cao khối lượng chuyên chở. Rất nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan trung ương đã tham gia trong “binh đoàn ngựa sắt”. Anh Cao Văn Ty (ở Thanh Hoá) là người giữ kỷ lục chở 325kg/chuyến.  

 

Còn hầu hết đều chở từ 2,5 tạ trở lên. Trên đường vận tải, “binh chủng tay ngai” này đã cất cao tiếng hát: “Mau mau, hỡi bạn xe thồ / Đường lên mặt trận, nơi mô vui bằng / Qua rừng, qua núi băng băng / Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù”.

 

Bên cạnh các đoàn quân vận tải đang dốc sức tranh thủ từng giây từng phút, lại có những anh chị em “đủng đỉnh ta đi” với tốc độ không quá 3km/giờ. Đó là những người làm nhiệm vụ giong trâu, bò, lợn đi thành từng đàn, “ung dung” tiến ra mặt trận. Lợn được buộc lại với nhau từng cặp, ủn ỉn đi xuyên rừng. Gặp dốc cao, phải có người kéo trước, đẩy sau, Qua suối, phải dìu từng con một. Trâu, bò, con nào cũng được phủ trên lưng một mảnh lưới để giắt lá ngụy trang, che mắt máy bay địch. Tối đến, trâu, bò, lợn thì được nằm nghỉ, còn người thì phải mò mẫm đi kiếm rau rừng, thân chuối và cỏ cây để làm thức ăn cho vật. Cán bộ thú y phải đến kiểm tra, chăm sóc từng con để chúng đủ sức hôm sau đi tiếp. Không ít lần bị địch ném bom, trâu, bò, lợn chạy tán loạn, lực lượng áp tải phải hết sức vất vả tìm kiếm để gom lại... Khi “hành quân” đến khu vực Mường Bằng (Sơn La), các con vật được chăm vỗ một thời gian ngắn, rồi “hoá kiếp”, đưa lên mặt trận, đảm bảo nguồn chất đạm cho bộ đội.

 

Rầm rộ nhất là các đoàn xe ôtô. Xe nào cũng chở vượt xa trọng tải, bất chấp “địa tai, địch họa”. Trên cùng một chặng đường, trước đó chỉ chạy được 70km/đêm, nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có xe chạy mỗi đêm đến 150km! Có những lúc chạy cả ban ngày. Đoàn xe của đại đội 209 khi đang vượt qua đèo Pha Đin thì bị máy bay địch phát hiện. Lập tức anh Nguyễn Văn Thân và anh Bùi Văn Ba cho xe vọt lên, lao ra khoảng trống để thu hút máy bay địch. Quả nhiên, địch bị lừa, bám đánh vào hai xe này, cả đoàn xe ta ở phía sau có đủ thời gian để tản ra, tìm chỗ ẩn. Máy bay địch vừa bay đi, dân công đã rầm rập đổ ra đường, khẩn trương khắc phục hậu quả. Đoàn xe lại tiếp tục nổ máy, hối hả tiến ra mặt trận...

 

Cứ như vậy, ngày rồi đêm, đêm lại ngày, nhân dân cả nước dốc sức chi viện cho tiền tuyến, thực hiện thắng lợi quyết tâm của Bộ Chính trị: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Chính Navarre, kẻ thường xuyên hò hét: “Phải cắt đứt hậu cần của Việt Minh”, sau này đã thừa nhận: Không quân đã ráo riết hoạt động để ngăn trở giao thông của Việt Minh, nhưng vô hiệu. Những đoạn đường bị máy bay phá hoại nhanh bao nhiêu thì đối phương cũng sửa chữa lại nhanh bấy nhiêu!...                    

 

VĂN HIỀN (QTĐT)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek