Vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2007), Bộ Chính trị, khóa X đã phát động cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đây là một cuộc vận động có ý nghĩa to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân hiện nay. Thông qua cuộc vận động nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; hình thành, phát triển các giá trị đạo đức xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.
Yêu cầu đặt ra là: Làm cho toàn Đảng, toàn dân thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò to lớn của những lời Bác dạy và tấm gương đạo đức trong sáng của Bác. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, các địa phương và ở mỗi con người. Hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương của Bác để xây dựng nền đạo đức mới, con người mới Việt
Để thực hiện kết quả cuộc vận động có mấy vấn đề sau:
1- Cần hiểu rõ vì sao Đảng ta nhấn mạnh mục đích, tầm quan trọng to lớn của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ nhất: Bởi tầm quan trọng của đạo đức đối với xã hội và mỗi con người. Đây là điều đã được khẳng định từ trước đến nay và kể cả sau này, không ai có thể phủ nhận. Thực tế cho thấy xã hội hưng thịnh hay suy vong đều do đạo đức quyết định. Vấn đề này như một chân lý, dù ai đó có nơi, có lúc lãng quên nó. Chúng ta còn nhớ Lê Quý Đôn đã từng chỉ ra 5 nguy cơ mất nước: “Trẻ không kính già. Trò không trọng thầy. Binh kiêu, tướng thoái. Tham nhũng tràn lan. Sĩ phu ngoảnh mặt”. Rõ ràng những điều ông nêu lên đều liên quan tới đạo đức xã hội.
Còn Lương Thế Vinh, khi nhà vua hỏi về đạo trị nước như thế nào, ông đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Bệ hạ sửa mình, bầy tôi tự sửa mình, chính sự sẽ tốt đẹp. Lệ dân có đức thì chinh phục được lòng người và trị được tệ xấu”.
Đảng ta trong nhiều tài liệu, văn kiện, qua các thời kỳ cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng to lớn của đạo đức cách mạng đối với mỗi con người cũng như trong xã hội và luôn quan tâm tới việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong mỗi chúng ta chắc ai cũng nhớ và thuộc câu Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước; không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Còn biết bao nhiêu những câu Bác viết, những lời Bác nói về tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đối với Đảng, dân tộc cũng như với từng ngành, từng giới khác nhau, không thể nêu hết được ở đây. Điều đó như một sự khẳng định giá trị đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức trong sáng của Bác.
Đồng chí Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo lỗi lạc của Đảng ta, nhân dân ta, mà cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với những chiến công vang dội của dân tộc trong thế kỷ XX cũng đã từng viết: Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một xã hội, một chế độ và một nền văn minh.
Bởi vậy, tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của cuộc vận động này, chính là xuất phát từ nội hàm của đạo đức.
Thứ hai: Bên cạnh những mặt tốt đẹp của đạo đức, được hình thành, phát triển trong xã hội ta, thì hiện nay đã và đang có những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân rất đáng lo ngại, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi sẽ dẫn tới nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Những biểu hiện về suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống hiện nay đã được Đảng nêu lên là:
- Chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng… có xu hướng phát triển.
- Tham nhũng, lãng phí, đưa và nhận hối lộ diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp trở thành vấn đề bức xúc hiện nay trong Đảng và ngoài xã hội.
- Tình trạng chạy chức, quyền, tiền, danh và tội cũng như quan liêu, mất đoàn kết diễn ra khá phổ biến.
- Sự suy thoái đạo đức trong gia đình, giữa cá nhân và xã hội, lối sống buông thả, hưởng thụ tồn tại trong nhiều người, nhiều tầng lớp. Tệ cờ bạc, mê tín dị đoan… có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội và tác động xấu tới nền tảng đạo đức mà chúng ta xây dựng.
- Đạo đức nghề nghiệp hiện bị sa sút ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, kể cả trong những ngành như y tế, giáo dục, bảo vệ pháp luật và báo chí.
Nếu chúng ta không ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái đạo đức nói trên, trong xu thế hội nhập và tác động của kinh tế thị trường hiện nay thì không những mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh khó lòng thực hiện được, mà ngay cả sự ổn định của đất nước cũng có nguy cơ bị đe dọa. Vì vậy, đây là cuộc vận động có ý nghĩa rất to lớn, quan trọng và cấp bách.
1. Cần hiểu rõ vì sao Đảng ta nhấn mạnh mục đích, tầm quan trọng to lớn của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu, tập trung và trong sáng nhất của đạo đức cách mạng để mỗi người chúng ta học tập, noi theo.
Điều này được chứng minh và thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến phút cuối cùng trước khi “đi xa”, và được thể hiện đầy đủ, cụ thể trong lời nói đến mỗi việc làm, từ hành vi đến lý tưởng đạo đức của Bác.
Bác nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và cả cuộc đời của Bác đã cống hiến, hy sinh cho điều ham muốn đó. Bác căn dặn: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng… đều do công sức, mồ hôi của nhân dân làm ra, do đó chúng ta phải đền bù xứng đáng. Chính Bác Hồ, mọi việc đều nghĩ và làm như vậy.
Năm 1963, khi Quốc hội quyết định tặng cho Bác Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta, Bác từ chối vì miền
Chúng ta hết sức xúc động, khi đọc Di chúc trong phần về việc riêng Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Khi Bác Hồ qua đời, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới” và “cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công, vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị”.
Ở Người, không chỉ là nhà đạo đức học mà còn là một biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng.
Do đó, được học tập, noi gương Bác, đối với mỗi người Việt Nam, từ già đến trẻ, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người sống ở trong nước, hay đang ở nước ngoài, có thể nói ai cũng thấy vừa là vinh dự, niềm tự hào, vừa là trách nhiệm và niềm tin. Qua cuộc vận động mỗi người có những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần vào sự chuyển biến chung của xã hội. Bởi như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: “Hồ Chí Minh là hình ảnh sống của một lãnh tụ của nhân dân, được nhân dân tin yêu coi như ngọn cờ của toàn dân tộc…. Ở Người, tỏa ra hào quang của một cuộc đời cao thượng, một tâm hồn trong sáng xưa nay hiếm.
Trước tình trạng tham nhũng và tệ nạn xã hội lan rộng ở nước ta hiện nay, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự của những lời Bác dạy và tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ”.
2- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là chủ đề, vừa là nội dung của cuộc vận động. Do đó quá trình học và làm cùng diễn ra chứ không phải hai giai đoạn nối tiếp nhau. Và trong quá trình thực hiện cần hiểu rõ thế nào là học và thế nào là làm theo tấm gương của Bác, trong đó làm phải là cơ bản nhất.
Thứ nhất, học tập đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta cần hiểu thật rõ, thật đúng những gì Bác đã nói về đạo đức, trước hết và cơ bản là hiểu đúng lý tưởng đạo đức cách mạng của Bác.
Khi đề cập đến vấn đề này, cũng có người cho rằng chẳng có gì mới, nhiều sách đã in, nhiều người đã biết và không ít người còn thuộc lòng, việc gì phải học tập. Điều đó không đúng, bởi lẽ: quan điểm đạo đức của Hồ Chí Minh rất cao sâu, đề cập tới nhiều nội dung, nhiều đối tượng khác nhau như:
- Trọn đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng và dân tộc.
- Khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
- Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
- Là quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, tham ô, lãng phí.
- Là lòng nhân ái, vị tha, thương dân, tin dân và kính trọng dân.
- Nói đi đôi với làm.
- Là tinh thần quốc tế vô sản trong sáng…
Thử hỏi đến nay đã có mấy ai hiểu hết được nội hàm và ý nghĩa sâu xa những quan điểm về đạo đức trong những lời nói bình thường, giản dị, mộc mạc ấy của Bác.
Bác từng nói: Đã là con người thì ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Và Bác phê phán: Nhưng chỉ biết một mình ăn ngon, mặc đẹp, trong lúc nhân dân còn đói khổ là vô đạo đức. Hoặc như câu Bác viết: không phải cứ phết lên trán hai chữ cộng sản là được dân tin, dân phục, dân yêu và Bác từng nhấn mạnh: Đảng ta thật là vĩ đại. Đảng là đạo đức, là văn minh. Là tự do, độc lập, là hòa bình, ấm no. Công ơn Đảng thật là to.
Nhưng Bác cũng chỉ rõ: Một Đảng một dân tộc và mỗi con người, hôm qua là vĩ đại, không nhất định hôm nay được mọi người yêu mến, kính trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng, nếu như sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Hay như trong Di chúc, phần nói về Đảng, Bác lại nhắc đi, nhắc lại bốn lần từ thật: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn, cũng như tính thời sự của những lời Bác căn dặn trên đây không phải chúng ta đã nhận thức đầy đủ, đúng đắn, chứ chưa nói tới làm được như điều Bác mong muốn. Do vậy, theo tôi học tập tư tưởng của Bác nói chung, cũng như đạo đức cách mạng của Bác nói riêng phải là công việc hằng ngày, thường xuyên, hôm nay và cả mai sau đối với mỗi người chúng ta.
Thứ hai làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nghĩa là thực sự noi gương Bác nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hiện nay. Chẳng hạn: Bác nói điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc, trong hoàn cảnh trước đây của Bác, khác với hiện nay. Do đó, noi gương Bác mỗi người chúng ta phải nhận thức rõ lý tưởng cách mạng trong thời kỳ mới của đất nước, để mỗi việc làm, trên mỗi vị trí, môi trường công tác, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ văn minh mà Đảng đã đề ra. Cụ thể là giữ vững độc lập dân tộc, tôn trọng và thực hiện quyền tự do dân chủ của dân, để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… như điều Bác mong muốn.
Hoặc như đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, cuộc sống giản dị của Bác là đặc điểm nổi bật, thể hiện từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc chung đến đời sống cá nhân hằng ngày, từ khi hoạt động bí mật, đến khi trở thành Chủ tịch nước, sống ở Thủ đô Hà Nội… Có thể khẳng định điều đó đã trở thành phẩm chất của Bác. Trong chúng ta ai mà không biết bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su, ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác ở Phủ Chủ tịch. Nhưng noi gương đạo đức giản dị, cần, kiệm, liêm, chính của Bác Hồ hôm nay, không phải ta máy móc ăn mặc như của Bác trước đây. Bác không bao giờ bảo chúng ta làm như vậy. Ở đây, nói như đồng chí Phạm Văn Đồng noi gương đạo đức Hồ Chí Minh là trong mỗi việc phải biết làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, phải biết nhân dân sống ra sao và muốn điều gì. Ngày nay đất nước ta vẫn còn nghèo, đời sống người dân lao động còn gặp nhiều khó khăn, noi gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính của Bác Hồ, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên các cấp từ trung ương đến cơ sở phải biết nêu gương, sống bằng chính sức lao động, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, biết xấu hổ trước nỗi khổ, sự vất vả của người dân và phải tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng lãng phí. Có làm được như vậy thì cuộc vận động mới mang lại hiệu quả.
TS NGUYỄN XUÂN THÔNG
Vụ trưởng, chuyên viên cao cấp Tạp chí Cộng sản