Thứ Tư, 02/10/2024 05:42 SA
Lênin với cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy nhà nước
Chủ Nhật, 22/04/2007 08:00 SA

Là lãnh tụ thiên tài của cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga, Lênin là người sáng lập, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đây là kết quả trực tiếp của cách mạng vô sản: Nhà nước kiểu mới do giai cấp công nhân, nhân dân lao động làm chủ. Nhà nước Xô-viết non trẻ ra đời do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đứng đầu là Lênin, trong những năm tháng hào hùng thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã kịp thời trấn áp thù trong, giặc ngoài, ban hành hai sắc lệnh quan trọng về hòa bình và ruộng đất, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhân dân.

 

070420-lenin1.jpg
V.I.Lênin

Sau khi nội chiến kết thúc, nhà nước Xô-viết chuyển sang thực hiện chức năng quan trọng nhất là quản lý xã hội, quản lý và điều hành nền kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân. Đối với nhà nước Xô-viết, xây dựng, phát triển kinh tế là những công việc hết sức mới mẻ, khó khăn và vô cùng phức tạp trong điều kiện nước Nga kinh tế lạc hậu và kiệt quệ vì vừa trải qua chiến tranh, lại trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Bộ máy nhà nước mới được xây dựng, chưa được củng cố đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Bệnh quan liêu cùng nạn tham ô, hối lộ trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đã phát triển, lây lan trong cả nước Cộng hòa Xô-viết, trở thành vật cản quá trình xây dựng đất nước, nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của chính quyền cách mạng và những thành quả của cuộc cách mạng tháng Mười. Lênin đã cảnh báo, kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng là chủ nghĩa quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó. (Xem Lênin, Toàn tập, T54, tr235). Cùng với quan liêu, nạn tham ô, hối lộ đã làm mọt ruỗng bộ máy Nhà nước, tha hóa cán bộ, nhân viên, công chức. Trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, Lênin cho rằng để làm cho nhà nước mạnh lên, quản lý và điều hành kinh tế, xã hội hiệu quả thì cần tiến hành một cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy nhà nước, chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh tham ô, hối lộ, “toàn Ban Chấp hành Trung ương, toàn Đảng và toàn thể nước Cộng hòa công nông cần phải đưa vào chương trình nghị sự”. (Xem Lênin, Toàn tập, T42, tr376-377). Đó là cuộc chiến đấu mới trong nội bộ Đảng và Nhà nước chống lại các căn bệnh làm suy yếu chính quyền cách mạng, làm cho niềm tin và nhiệt tình cách mạng của nhân dân bị suy giảm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài, Lênin đã chỉ ra, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh tham ô, hối lộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước Xô-viết là một cuộc đấu tranh mất còn, vô cùng gian khó, rất lâu dài, phải dùng rất nhiều biện pháp, phối hợp chặt chẽ các biện pháp đó với nhau, mới có thể khắc phục được những tệ nạn nói trên để củng cố, hoàn thiện, làm trong sạch bộ máy nhà nước.

 

070420-lennin.jpg
Lênin với công nhân
Điều có ý nghĩa quan trọng là đề cao vai trò của nhà nước trong việc thực thi lý trí của nhân dân. Đó là việc sử dụng pháp luật để nghiêm trị, trừ bỏ các ung nhọt quan liêu, tham ô, hối lộ. Theo đó “Các tòa án nhân dân phải dùng pháp luật để trừ tệ quan liêu”. Lênin đề nghị “Phải lôi các ngài quan liêu ra tòa án, bỏ tù về tội quan liêu giấy tờ” và “bỏ tù cho rục xương”, không kiêng nể bất cứ một ai, kể cả những nhân vật cao cấp “thiêng liêng” nếu nhân vật đó mắc tội; phải bắt và xử bắn bọn hối lộ và bọn bịp bợm, dùng liệu pháp nặng để dập tắt ổ dịch quan liêu, tham ô, hối lộ. Lênin yêu cầu các quan tòa phải hết sức nghiêm khắc đối với các tội danh quan liêu, tham ô, hối lộ. Nếu là đảng viên Cộng sản mà mắc tội thì phải xử nặng hơn người khác. Không thể chấp nhận việc bao che hoặc xử nhẹ. Nếu các quan tòa nhẹ tay đối với bọn họ, dù vì bất cứ một lý do nào, thì các quan tòa đó cũng bị trừng trị, “khai trừ đảng, truy tố những quan tòa đó trước pháp luật”. Tuy nhiên, theo Lênin thì dùng pháp luật tuy có tác dụng răn đe, hạn chế mạnh mẽ được tật bệnh quan liêu, tham ô, hối lộ nhưng đó không phải là biện pháp duy nhất. Bởi vì, những người nắm giữ pháp luật, thừa hành pháp luật có biết, có muốn sử dụng vũ khí pháp luật đó như thế nào là vấn đề mấu chốt quyết định. Trước hết là Đảng Cộng sản phải biết sử dụng công cụ pháp luật có hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham ô, hối lộ. Đảng viên phải thực sự là những người am hiểu luật pháp và kiên quyết trong cuộc đấu tranh chống qua liêu, tham ô, hối lộ. Đảng cầm quyền muốn làm trong sạch bộ máy nhà nước thì phải làm trong sạch Đảng, Đảng phải có tác dụng chiến đấu, làm gương. Lênin còn chỉ rõ, điều qua trọng hơn là thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân lao động tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ sự trong sạch của bộ máy nhà nước, tham gia quản lý nhà nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng phải quan tâm phát huy tính tự giác và tinh thần chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động từ cơ sở, từ địa phương. Chú trọng bố trí cho cơ sở, địa phương những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ lãnh đạo quản lý cao, thậm chí điều động cả những cán bộ cao cấp đi nhận công tác ở địa phương. Một vấn đề cơ bản và lâu dài là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước, tuyển lựa họ từ những phần tử ưu tú trong xã hội, sắp xếp tổ chức, xây dựng một cơ quan kiểu mẫu, tuyển nhân viên vào cơ quan đó theo những điều kiện thật ngặt nghèo và thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân, kiểm tra công tác, kết quả công việc trên thực tế chứ không dựa trên công văn giấy tờ… Những biện pháp đó cần làm đồng bộ và lãnh đạo cuộc đấu tranh này là một nghệ thuật đối với Đảng cầm quyền. Theo Lênin, đó là một nghệ thuật rất khó, nếu không nâng cao văn hóa một cách rộng khắp, nếu không làm cho quần chúng công nông có trình độ văn hóa cao hơn hiện giờ thì không thể đạt được nghệ thuật đó.

 

Hơn 60 năm lãnh đạo xây dựng nhà nước mới của nhân dân, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin về xây dựng nhà nước cách mạng. Trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Đại hội X của Đảng đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng, tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quyết tâm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, khắc phục nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 và Hội nghị T.Ư 4 đã cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng, tuyên chiến và đấu tranh quyết liệt chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị và tinh giảm bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, xã hội, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta là “xử lý kiên quyết, kịp thời công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã về hưu”; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân, “làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức”, thực hiện đúng phương châm trong xây dựng bộ máy nhà nước “thà ít mà tốt” của Lênin, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek