* Quốc hội nghe tờ trình về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Sáng 6/6, bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo lịch trình, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra từ chiều 10/6 đến 12/6.
Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Tại phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề: Quản lý đầu tư công; kiểm soát giá cả thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu; việc kiểm soát thuế, chuyển giá, chống thất thu thuế; đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sẽ làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm như chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó đi sâu vấn đề chất lượng đào tạo đại học, chất lượng dạy nghề, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp; đề án đổi mới giáo dục, trong đó tập trung vấn đề thay sách giáo khoa.
Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội dành Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tập trung vào các nhóm vấn đề triển khai thực hiện Hiến pháp 2013; việc ban hành và thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng văn bản pháp luật; các văn bản hướng dẫn để các luật được thực thi trong cuộc sống; thi hành án dân sự.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ trả lời chất vấn tập trung vào các nội dung: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện đang tồn đọng; những giải pháp, biện pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng ngay trong ngành Thanh tra.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.
* Sáng 6/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề:
Theo tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị của nước ta. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết 35 là phù hợp.
Liên quan đến mức đánh giá tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên ở 3 mức như quy định tại Nghị quyết 35. Một số ý kiến đề nghị chỉ để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Nghị quyết 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ, làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chỉ quy định 2 mức thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm.
Cũng trong sáng 6/6, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung như quy định trình độ trung cấp nghề đối với người tốt nghiệp trung học cơ sở, về dạy nghề gắn với doanh nghiệp, xã hội hóa hoạt động dạy nghề.
Từ thực tế nguồn nhân lực đang bị mất cân đối trầm trọng, thừa thầy thiếu thợ, tâm lý chỉ thích học đại học, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) và nhiều đại biểu khác đều thống nhất phải sửa luật để tạo chuyển biến về lĩnh vực dạy nghề. Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng, người học chỉ có xu hướng, tâm lý học đại học, chưa coi trọng học nghề, chưa coi nghề là nghiệp khiến mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực. Trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp đang rất lớn. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, chủ yếu dạy chay, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. “Cần mở rộng chính sách học nghề đối với nghề đặc thù, mũi nhọn. Có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH trong phân luồng học sinh, tránh tình trạng cứ đổ xô vào đại học rồi lại chịu cảnh thất nghiệp, trong khi nền kinh tế luôn thiếu thợ giỏi”, đại biểu Đặng Thị Kim Liên nói. Theo bà Đặng Thị Kim Liên, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp vào công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người học nghề. “Đồng ý quy định thời gian đào tạo trung cấp nghề là 2 năm để đáp ứng nguyện vọng của các em sớm được làm việc”, đại biểu Đặng Thị Kim Liên phát biểu.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nêu quan điểm, dạy nghề rất cần huy động nghệ nhân dạy nghề, nhưng lại yêu cầu chứng chỉ về sư phạm mới được dạy nghề thì bất cập, vì bản thân nghệ nhân đã hội tụ đầy đủ về kỹ năng, khả năng truyền nghề. “Cần có sự kiên kết giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp để dạy nghề là rất quan trọng, để tạo ra một lớp lao động được đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn lẫn tác phong công nghiệp. Cần quy định cụ thể các chính sách thu hút doanh nghiệp vào công tác dạy nghề”, đại biểu Khúc Thị Duyền nêu quan điểm.
Từ thực tế hiện nay, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) nhấn mạnh, cần dạy nghề theo đơn đặt hàng, bảo đảm học nghề ra là phải tìm được việc làm, muốn thế phải có liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Nhiều đại biểu cùng chung quan điểm, phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, trong đó quan trọng nhất là huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia dạy nghề, tránh tình trạng chủ yếu chỉ có cơ sở dạy nghề công lập như hiện nay.
Góp ý về thời gian học nghề, nhất là đối với đối tượng tốt nghiệp THCS, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng quy định phải học văn hóa phổ thông khiến nhiều em chán học, bỏ học nghề vì vừa phải học nghề, học văn hóa. Ngoài ra, có những đối tượng không tốt nghiệp THPT khi đi học nghề cũng phải đi học văn hóa phổ thông, vì vậy nhiều em không muốn học nghề. Học nghề không nhất thiết phải học hết THPT, nhiều nghề chỉ cần trình độ THCS, vì thế đồng ý thời gian học trung cấp nghể chỉ còn 1-2 năm và không nhất thiết phải học văn hóa THPT.
Đại biểu Lê Thị Yến cũng cho rằng, cần mở rộng đối tượng học nghề được nội trú đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số để khuyến khích các em học nghề. Ngoài ra, về miễn giảm học phí cho người học nghề, để phân luồng thành công, thu hút người học nghề cần miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề; giảm 50% cho người học cao đẳng nghề. Miễn học phí học nghề đối với các nghề khó tuyển sinh nhưng thị trường đang rất cần. Cần cho phép người học nghề tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào đại học.
Đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) và nhiều đại biểu đề nghị, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề, trong đó có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH vì 2 ngành này liên quan mật thiết với nhau.
BTV (tổng hợp từ TTXVN, VOV, SGGPO)