Sáng 5/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF 2014). Tham dự có đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định rõ: Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tiến hành đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Với chủ đề Từ chương trình tới hành động - chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới, diễn đàn lần này tập trung thảo luận một số chủ đề chính như về đầu tư và thương mại, thuế và hải quan, lao động và việc làm.
Theo đánh giá, bên cạnh việc thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Trong tham luận tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng để đón nhận những cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời, xây dựng một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội phát triển đầu tư kinh doanh, cùng tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức diễn đàn, tạo ra cơ chế đối thoại thường xuyên và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.
Diễn đàn cũng đề cập đến việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, tại một số địa phương của Việt Nam, lợi dụng việc tuần hành biểu lộ lòng yêu nước và phản đối hành động ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, một số người có hành vi manh động phá hoại tài sản của Nhà nước, tài sản của cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ngay khi xảy ra sự việc, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình hình, đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng để nhanh chóng giải quyết, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, bảo đảm an ninh, an toàn cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục làm hết sức mình, không để sự việc tái diễn và tiếp tục có những giải pháp thiết thực để các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thông báo vắn tắt về mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020), trong đó, Việt Nam kiên định và nhất quán quyết tâm xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Việt Nam cam kết tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội.
Để đón nhận những cơ hội phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam chủ trương duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời, xây dựng một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội phát triển đầu tư kinh doanh, tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan Chính phủ tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp triển khai các dự án, nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong công nghiệp và hạ tầng giao thông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung hạn góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo VOV