Thứ Tư, 27/11/2024 05:32 SA
Quốc hội thảo luận về dự án luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước
Thứ Sáu, 06/06/2014 11:34 SA

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ý kiến. - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 5/6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường nghe tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

 

Tăng sức cạnh tranh của thị trường vận tải hàng không Việt Nam

 

Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town) do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày nêu rõ: Công ước và Nghị định thư được ký tại Cape Town (Nam Phi) vào ngày 16/11/2001, là kết quả của Hội nghị ngoại giao tại Cape Town (Nam Phi) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Viện thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) đồng tổ chức.

 

Đến nay có 59 quốc gia và một tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước và có 53 quốc gia và một tổ chức quốc tế là thành viên của Nghị định thư.

 

Công ước và Nghị định thư Cape Town được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.

 

Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.

 

Cho rằng việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là hết sức cần thiết, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định: Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn, cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích cho các hãng hàng không của Việt Nam; tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam; có lợi cho người tiêu dùng; giảm chi phí kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp cận hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế...

 

Chưa thống nhất về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật

 

Đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong quản lý kinh tế.

 

Theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 của Quốc hội, tên dự án Luật là “Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh,” nhưng theo đề nghị tại Tờ trình Chính phủ tên dự án Luật là “Luật đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”.

 

Về vấn đề này, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) tán thành với Tờ trình của Chính phủ đổi tên dự án luật là “Luật đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.” Với tên gọi được sửa đổi thì phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sẽ rộng hơn, không phân biệt mục tiêu đầu tư, việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận mà còn thực hiện các mục tiêu phi lợi nhuận. Phạm vi điều chỉnh của luật sẽ tập trung vào việc quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng, tên gọi “Luật đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” sẽ phù hợp với đối tượng điều chỉnh của dự án Luật bởi phần lớn các nội dung của dự án Luật đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý quyết định đầu tư vốn và trách nhiệm của cơ quan quản lý vốn đó sau khi đã quyết định đầu tư.

 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét, tên gọi "Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh" sẽ đỡ chồng chéo với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; phù hợp với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Ngân sách... Nội hàm thực chất là quản lý vốn Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Cần siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn

 

Đối với phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), một trong những lý do của việc ban hành luật là để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đối với nguồn vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hạn chế sự thất thoát, lãng phí.

 

Muốn vậy, luật cần siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn, các loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước tham gia đầu tư vốn. Trong khi đó đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư quy định trong dự án Luật là tương đối rộng rãi, chung chung, thiếu cụ thể. Quy định như dự án Luật không siết chặt được mà còn tạo kẽ hở, hợp thức hóa việc chạy đua đầu tư.

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) kiến nghị cần bổ sung vào dự án Luật các quy định về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, có phân biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị công ích và các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Đại biểu phân tích, trong đầu tư vốn vào doanh nghiệp, chỉ tiêu hoạt động quan trọng nhất là hiệu quả sử dụng vốn được tính bằng các chỉ tiêu, trong đó sử dụng phổ biến là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu.

 

Tuy nhiên dự án Luật không có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả sử dụng vốn mà hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm là bao nhiêu % vốn chủ sở hữu? Nếu không làm rõ, doanh nghiệp chỉ cần có lợi nhuận ở mức 1-2% vốn chủ sở hữu cũng được coi là hoàn thành nhiệm vụ, do vậy Nhà nước không nên đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp này. Hơn nữa, nếu có doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý hiệu quả sử dụng vốn, Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty sẽ không chịu trách nhiệm về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nhấn mạnh.

 

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước; về giám sát hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek