Sáng 21/5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị bổ sung nội dung quy định về công tác quản lý bến dân sinh, phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quản lý các bến dân sinh; về hình thành các bến dân sinh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung giao thông đường thủy nội địa. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nhận thấy bến dân sinh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, đã được quy định cụ thể tại Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004, do đó không bổ sung quy định vấn đề này trong Dự thảo Luật.
Về đăng ký phương tiện thủy nội địa, Ủy ban TVQH cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký phương tiện còn thấp là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức đăng ký hiện nay ở địa phương chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện thực hiện đăng ký. Do đó, Ủy ban đề xuất sửa đổi theo hướng giao UBND các cấp (trong đó có cấp xã) tổ chức đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GT-VT. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký phương tiện.
Về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, một số vị ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa vừa được đăng kiểm xong. Ủy ban TVQH cho rằng, phương tiện vừa được đăng kiểm xong mà xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì tùy theo mức độ, tổ chức, cá nhân đăng kiểm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật.
Dự thảo luật lần này nhận được sự đồng tình của các ĐBQH. Tuy nhiên, góp ý thêm về các vấn đề cụ thể, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng việc cho thuê phương tiện giao thông đường thủy nội địa (không được sử dụng làm tài sản thế chấp, không được cho thuê lại) phải ghi rõ trong hợp đồng để tránh tranh chấp sau này.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhất trí như dự thảo quy định đối với phương tiện có sức chở từ 5-12 người, hoặc có sức chở dưới 5 người phải có giấy chứng nhận an toàn, tức là chỉ đăng ký mà không cần đăng kiểm. Điều này sẽ tạo điều kiện để các chủ phương tiện đăng ký, thay vì trốn đăng ký như trước đây.
ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị phải có thời hạn quy định phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, tránh tình trạng phương tiện hoạt động rất lâu mà chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất phải có đăng ký, đăng kiểm đối với các loại nhà hàng nổi, thuyền du lịch trên sông, biển, vì hiện nay nhiều gia đình tự mua thuyền để kinh doanh, rủi ro cao.
Đáng chú ý, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, bà con ở vùng ĐBSCL hiện vẫn chủ yếu sử dụng giao thông đường thủy: "50-60% bà con ở vùng Ngọc Hiển, Cà Mau là sống trên sông. Giờ luật hóa các quy định đăng ký về bến dân sinh thì rất khó thực hiện. Đưa quy định ra mà khó khả thi sẽ làm lờn luật. Xuồng, ghe của bà con ở vùng sông nước như xe máy, xe đạp ở thành phố, có xuồng, có ghe thì phải có bến dân sinh. Gần như nhà nào cũng có bến dân sinh, mà phải yêu cầu đăng ký thì rất khó khăn trong thực hiện. Đề nghị phải xem xét cụ thể vấn đề này để tạo thuận lợi cho bà con phải đi lại bằng đường thủy”.
Trong chương trình làm việc sáng nay, từ 10 giờ 15, quốc hội họp riêng thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Chiều nay, QH thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo SGGPO