Ngày 20/5, trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế".
Tọa đàm là cơ hội để các học giả, giảng viên, chuyên gia nghiên cứu chia sẻ thông tin, phân tích, làm rõ những vấn đề pháp lý quốc tế và xem xét, đánh giá sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam; các giải pháp cho Việt Nam để bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển Việt Nam.
Buổi tọa đàm còn nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước và nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; tạo sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của nhà trường với những vấn đề lớn của đất nước, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của trường Đại học Luật Hà Nội, với tư cách là trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật.
Tại buổi tọa đàm, các học giả, chuyên gia nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Các chuyên gia cho rằng, đối với vấn đề này, Việt Nam cần có chiến lược và nhiều giải pháp khác nhau để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó cần huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp các hình thức đàm phán hòa bình. Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể thông qua các diễn đàn, các tổ chức quốc tế để khiếu nại và khởi kiện hành vi của Trung Quốc, nhằm bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Để đấu tranh với sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông, các chuyên gia cùng nhấn mạnh rằng, phải sử dụng công lý, luật pháp như một chiếc “nỏ thần” để nhận được sự ủng hộ của quốc tế và hòa bình cho đất nước.
Theo TTXVN/Vietnam+