Thứ Năm, 28/11/2024 22:53 CH
Chính phủ báo cáo Quốc hội về vụ giàn khoan Hải Dương-981
Thứ Tư, 21/05/2014 10:55 SA

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3411 cắt mũi tàu Cảnh sát biển 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam lúc 8 giờ 30 ngày 16/5. - Ảnh: TTXVN

* Đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2012

 

Chiều 20/5, Quốc hội đã nghe Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.  Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trao đổi bên lề phiên họp.

 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Đến nay, đã có khoảng 20 cuộc giao thiệp giữa 2 bên. Kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó là lập trường kiên quyết của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó thủ tướng cũng cho biết, đến nay Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường lượng tàu ở khu vực xung quanh giành khoan. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan về. 

 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thực hiện mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh nhiệm vụ cao nhất của Việt Nam hiện nay là xây dựng kinh tế đất nước vững mạnh và bảo vệ chủ quyền. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, tất cả các đại biểu Quốc hội cũng như bản thân bà đều mong muốn tìm ra các biện pháp để bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước.

 

Đánh giá cao tinh thần của các ngư dân, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển trong thời gian qua đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Bùi Thị An cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ đặc biệt, kể cả điều kiện về kinh tế, trang thiết bị, phương tiện để có thể bảo vệ, bảo đảm các điều kiện để các lực lượng này có thể hoạt động bảo vệ chủ quyền.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cho rằng truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay đã tạo lên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó là nguyên nhân thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, mỗi người Việt Nam đều tự thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ ngư dân làm giàu từ biển và bám biển để đánh bắt ngư trồng thủy hải sản, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên ) cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ được trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

 

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học một trong những chính sách được ngư dân quan tâm hiện nay là vấn đề vốn. Chính phủ cần có những gói vốn hỗ trợ về thời hạn cho vay dài hoặc mức lãi suất thấp; tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trang bị tàu thuyền chắc chắn để ra khơi; hỗ trợ ngư dân các phương tiện máy móc hiện đại để ngư dân bám biển ở ngư trường xa. Trong điều kiện hiện nay, khi các thế lực đang khiêu khích, chống phá, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ cảm thấy yên tâm, tin tưởng để chủ động ra khơi.

 

Trước đó, các đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các Báo cáo thẩm tra. Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ đã được lập, thẩm định theo trình tự thủ tục quy định, đối chiếu khớp đúng với số liệu của Kho bạc Nhà nước, được kiểm toán nhà nước kiểm toán và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, được Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đã hội đủ yếu tố để trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2012 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.058.140 tỉ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước). Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỉ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013). Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỉ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỉ đồng). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước là 112.283 tỉ đồng; vay ngoài nước là 41.843 tỉ đồng. 

 

Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 nhận định Luật Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không nói riêng và của đất nước nói chung, khẳng định vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng không; là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống tổ chức của hoạt động hàng không dân dụng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể về vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không; quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung... Trong tổng số 202 Điều của Luật Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 46 Điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8% tổng số điều của Luật.

 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật hàng không dân dụng lần này nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Để đạt được mục tiêu đó cần xác định rõ vai trò, yêu cầu phát triển hàng không dân dụng trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không dân dụng; xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động hàng không dân dụng. 

 

Việc xây dựng, sử dụng sân bay, cảng hàng không cũng cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rõ thực trạng, từ đó có biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống sân bay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực. Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định trong văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định và phù hợp với thực tiễn để quy định trong Luật, nhất là về các quy trình, thủ tục nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tính khả thi để công dân thực hiện quyền đã được Hiến pháp quy định; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước...

 

Tờ trình dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhận định thực tiễn thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cho thấy tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân ở Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập. Chất lượng xét xử của các tòa án chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội... Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tổ chức tòa án, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Các tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay đang được tổ chức theo địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nên được coi là các tòa án địa phương; việc phân định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp tòa án còn chồng chéo và không phù hợp...

 

Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Việc xây dựng dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Dự thảo Luật gồm 11 chương, 80 điều.

 

Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra đánh giá dự án Luật có nhiều quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Ủy ban cơ bản, tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật, nhất là phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các Tòa án nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng Tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. 

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek