Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm, làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ.
Bên cạnh Hội nghị Davos, WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latin, Hội nghị WEF về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng tương đối khả quan so với những năm gần đây. Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất (tháng 4/2014) của IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 3,6% và năm 2015 đạt 3,9%. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối diện với một số thách thức, đặc biệt là tốc độ phục hồi kinh tế còn thiếu bền vững và cân bằng; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng chậm lại so với trước khủng hoảng (dự kiến đạt 4,9% năm 2014 và 5,3% năm 2015).
Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN.
Trong bối cảnh trên, hội nghị WEF Đông Á 2014 (từ ngày 21-23/5/2014) tại Manila, Philippines với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều” sẽ tập trung thảo luận các nội dung tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
Dự kiến, tham dự hội nghị có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực. Tổng thống Philippines, Tổng thống Indonesia, Phó tổng thống Manmar, Thủ tướng Việt Nam... và đại diện một số tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Hiện tại, Việt Nam có 13 tập đoàn/tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital là các thành viên sáng lập. Năm 2010, đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”. Năm 2012-2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu dự Hội nghị WEF Đông Á lần này nhằm đóng góp vào các nội dung quan trọng như đổi mới kinh tế, hội nhập và liên kết khu vực, phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức phát triển; quảng bá vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, tìm hiểu các xu thế phát triển của kinh tế thế giới; khu vực và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF.
Trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại thăm làm việc tại Philippines. Đây là quốc gia quần đảo với khoảng 7.017 đảo lớn nhỏ, khá giàu tài nguyên, khoáng sản như vàng, đồng, sắt, crôm, mănggan, than đá, dầu lửa và khí đốt.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Philippines phát triển tốt. Tháng 11/2002, hai nước ký Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo. Tháng 10/2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016, định hướng cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất trí đưa quan hệ lên tầm chiến lược. Kim ngạch thương mại song phương hai nước tăng đều theo hằng năm, từ năm 2008-2011 đạt mức trên 2 tỉ USD, năm 2012 đạt xấp xỉ 2,9 tỉ USD, năm 2013 đạt 2,6 tỉ USD.
Philippines là một trong số ít nước mà Việt Nam xuất siêu và là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Ngoài gạo, Việt Nam cũng xuất sang Philippines linh kiện điện tử và hàng nông sản và nhập của Philippines chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng...
Hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn. Việt Nam chưa có dự án nào đầu tư tại Philippines. Tính đến hết tháng 2/2014, Philippines có 65 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đạt 285 triệu USD, đứng thứ 29/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực khác như nông-ngư nghiệp, thủy sản cũng đạt được nhiều kết quả và có những bước tiến triển tích cực.
Chuyến thăm làm việc tại Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác toàn diện với Philippines trên các lĩnh vực, tạo xung lực mới cho quan hệ giữa hai nước, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Theo TTXVN/Vietnam+