Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam.
Thảo luận về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), nhiều ý kiến đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, chất lượng, có tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản và bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về bố cục, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật đã chuyển vị trí Chương về đại biểu Quốc hội từ Chương IV lên Chương II để thể hiện vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương với 118 điều, giảm 15 điều so với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước.
So với Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kế thừa và pháp điển nhiều quy định từ Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Về Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, Điều 88 có thể bổ sung quy định, khi Hội đồng Dân tộc họp, bàn về các vấn đề, chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mời đại diện của các dân tộc chưa có người tham gia trong Quốc hội của khóa đó tham dự.
Khẳng định đại biểu Quốc hội phải là trung tâm của Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, điều quan trọng là đại biểu Quốc hội có đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn thế nào? Hiến pháp đã quy định rồi, phải thể hiện quyền này cho rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể để các đại biểu Quốc hội thực hiện được quyền năng và nhiệm vụ của mình. Hiện nay Việt Nam có hai nhóm đại biểu, một là nhóm đại biểu chuyên trách và nhóm đại biểu không chuyên trách.
Theo đại biểu cần nghiên cứu nếu là đại biểu không chuyên trách, có quyền ưu tiên gì trong quá trình vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội để đại biểu lựa chọn. Dự thảo luật cần quan tâm đến quyền ưu tiên để khi công việc có sự chồng lấn, đại biểu Quốc hội phải lựa chọn trách nhiệm đại biểu là đầu tiên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung về Quốc hội (Chương I); đại biểu Quốc hội (Chương II); Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Chương IV)...
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 vì tỉ lệ rất thấp người đăng ký giữ quốc tịch 5 năm qua đã khiến quy định mang tính nhân đạo của Luật không phát huy được hiệu quả.
Khi thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 1/7 tới, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam (khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008). Sau này, nếu có nguyện vọng, họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Đồng tình với việc phải sửa đổi khoản 2 Điều 13, các ủy viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn và đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên nhân khiến việc thực hiện quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời gian qua lại chỉ thu được kết quả hạn chế. Trên cơ sở đó đề ra được giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Trên cơ sở nhận định việc đăng ký khó khăn, công tác tuyên truyền hạn chế, cơ quan đại diện kiêm nhiệm nhiều nước, nhiều ý kiến cho rằng phương án kéo dài thêm 5 năm thời gian đăng ký giữ quốc tịch như đề xuất của Chính phủ là khó khả thi.
Đề xuất việc sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch 2008, Chính phủ thừa nhận, tỉ lệ người đăng ký giữ quốc tịch còn thấp do nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ; cộng đồng người Việt Nam định cư ở rất nhiều nước (khoảng trên 100 nước), một bộ phận trong số họ, nhất là ở các nước chưa có cơ quan đại diện của, có thể chưa biết đến quy định mới của Luật Quốc tịch năm 2008.
Bên cạnh đó, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định.
Công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các bộ liên quan còn hạn chế; cơ chế liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với việc cấp hộ chiếu Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng.
Ủy ban Thường vụ nhấn mạnh đến giải pháp có tính quyết định cho quy định đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả là phải tiến hành sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, thông tin đến được với đông đảo người dân về quy định này.
Theo TTXVN/Vietnam+