Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, chiều 15/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 và việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 tại một số nước.
Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012” của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này.
Đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.
Thực tiễn thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị và là chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo.
Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.
Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước, các cộng đồng dân cư, hàng triệu người nghèo đã chủ động tham gia vào mục tiêu giảm nghèo, vượt qua khó khăn để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống và hòa nhập với xã hội, đóng góp quan trọng vào thành quả giảm nghèo của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức: mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo không có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Chênh lệch giàu-nghèo có xu hướng gia tăng.
Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước.
Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn-đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu.
Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội đang gia tăng.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”, tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau năm 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều.
Tiếp tục đưa chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm của Quốc hội; tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo; quan tâm đến các dự án luật có chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lý các văn bản pháp luật có liên quan đến giảm nghèo; đảm bảo cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách tăng cường đầu tư cho địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế-xã hội giữa vùng khó khăn với các vùng phát triển...
Các địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo ở địa phương; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo...
Cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã nêu được các chính sách chung về giảm nghèo. Đoàn giám sát đã nghiêm túc, công phu, trách nhiệm thực hiện chương trình giám sát theo đúng kế hoạch.
Báo cáo giám sát tiếp tục khẳng định chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước đã được kiên định thực hiện nhất quán, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Chỉ ra những hạn chế trong công tác giảm nghèo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm phát triển các vùng nghèo, đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách đầu tư gắn với giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc; tăng cường đại đoàn kết dân tộc; quan tâm đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo…
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”.
Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 tại một số nước.
Theo TTXVN/Vietnam+