* Cộng đồng người Việt tại nước ngoài tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc
Trước hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và nhiều tàu vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, ngày 13/5, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc.
Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu để bao vây tàu cảnh sát biển CSB 4032 của Việt Nam, ngày 13/5. - Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam |
Hội Cựu Chiến binh Việt Nam ra Tuyên bố nêu rõ: Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ độ bắc-111 độ 12 phút 06 giây kinh độ đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý, vị trí này vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) của Việt Nam hơn 80 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã huy động số lượng lớn các tàu hộ tống, cả máy bay và tàu chiến để bảo vệ xung quanh giàn khoan. Các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm và phun nước với áp suất cực mạnh vào các tàu thực thi pháp luật - tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư - của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản, làm bị thương và đe dọa nghiêm trọng tính mạng của lực lượng chấp pháp và kiểm ngư. Khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việc làm trên của phía Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, làm phức tạp tình hình, gây bất ổn định, đe dọa tự do giao thương hàng hải ở khu vực biển Đông. Hành động mới và nghiêm trọng này của Trung Quốc đi ngược lại các Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước, các thỏa thuận về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược được ký kết những năm gần đây giữa hai nước, làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị láng giềng của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.
Là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho hàng triệu chiến sĩ đã từng chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong tương lai. Hội Cựu chiến binh Việt Nam mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên biển Đông theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Hội Cựu chiến binh Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương và nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình; bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và đánh giá cao việc các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam kiên cường bám trụ chấp pháp bất chấp các hành động bạo lực, uy hiếp, đe doạ của các lực lượng của Trung Quốc.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam kêu gọi các nước, các tổ chức cựu chiến binh và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới hãy có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế để ủng hộ chính nghĩa và lẽ phải, ngăn chặn các hành động ngang ngược, bảo vệ hòa bình ở khu vực biển Đông và thế giới. Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và cựu chiến binh hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình cùng nhân dân, đặc biệt tích cực tuyên truyền động viên thế hệ trẻ Việt Nam phát huy lòng yêu nước, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ra Tuyên bố khẳng định đây là hành động vi phạm thô bạo của Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002 và đi ngược lại những cam kết mà lãnh đạo cao cấp hai nước đã nhiều lần khẳng định. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và toàn thể phụ nữ Việt Nam vô cùng bất bình trước hành động sai trái và nguy hiểm nói trên của Trung Quốc – hành động làm tổn thương sâu sắc tình hữu nghị giữa nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng như sự tin cậy mà hai bên đã và đang nỗ lực cùng nhau xây đắp. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế, phụ nữ các nước trên thế giới trong đó có phụ nữ Trung Quốc hãy lên tiếng bảo vệ hòa bình và công lý, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và toàn thể phụ nữ Việt Nam nguyện làm hết sức mình vun đắp tình đoàn kết hữu nghị quốc tế, đóng góp cho mục tiêu Bình đẳng, Phát triển và Hòa bình như phụ nữ toàn thế giới đã cùng nhau cam kết tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995.
Chiều 13/5, tại thủ đô Pretoria, Ủy ban các nước ASEAN tại Nam Phi (APC) đã tổ chức cuộc họp cấp Đại sứ nhằm trao đổi về tình hình căng thẳng tại biển Đông dưới sự chủ tọa của Đại sứ Việt Nam Lê Huy Hoàng, Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban. Tại cuộc họp, các đại sứ ASEAN đã chia sẻ thông tin, bày tỏ lo ngại trước những diễn biến căng thẳng gần đây tại biển Đông và nhất trí cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thúc đẩy việc duy trì bảo đảm hòa bình ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải trên biển Đông, coi đây là một trong những trọng tâm của các nước ASEAN trong việc hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Các đại sứ cho rằng việc các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở biển Đông cũng như vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên Bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này đã một lần nữa cho thấy sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực. Nhân dịp này, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã thông tin chi tiết cho các đại sứ ASEAN về những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép Hải Dương-981vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đại sứ khẳng định đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Việt Nam mong muốn các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục đoàn kết ủng hộ yêu cầu hợp pháp chính đáng của Việt Nam, lên tiếng phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông.
Trao đổi với các đại biểu tại cuộc họp, đại sứ Lê Huy Hoàng nhấn mạnh thiện chí, chủ trương của Việt Nam là kiềm chế, kiên trì theo đuổi mọi biện pháp hòa bình, ưu tiên đàm phán thương lượng và dùng tất cả các biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đại sứ Philippines Constancio R. Vingno cho rằng phiên họp của Ủy ban APC do Việt Nam chủ trì là rất hữu ích. Đây là cơ hội để các Đại sứ ASEAN tại Nam Phi hiểu rõ hơn về những diễn biến tại Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Philippines đã nộp đơn kiện những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa án trọng tài quốc tế và đang đợi phán quyết của tòa. Cũng theo Đại sứ, những tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine đã tổ chức hoạt động biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Kiev. - Ảnh: Vietnam+ |
* Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, từ ngày 12/5 cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Kiev. Hoạt động biểu tình hòa bình này thu hút sự tham gia của hàng trăm người Việt Nam đang công tác, học tập, làm ăn tại Ukraine và một số bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa nhằm thể hiện tiếng nói phản đối trước hành động phi pháp của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khoảng 15 giờ 30 giờ địa phương, đoàn người tuần hành tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở số nhà 35, phố Grushevskovo, TP Kiev giương cao các biểu ngữ, băng rôn bằng tiếng Việt, tiếng Ukraine, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc với nội dung khẳng định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) và rút ngay giàn khoan trái phép khỏi lãnh thổ của Việt Nam… Đoàn người biểu tình, trong đó có nhiều người thông thạo tiếng Trung Quốc đã hô vang khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết giữa hai nước, từ bỏ lối hành xử bất chấp pháp luật và đạo lý không đáng có của một cường quốc. Đoàn người biểu tình đã hùng hồn đọc Kháng thư bằng 3 thứ tiếng với hàng trăm chữ ký phản đối gửi đại sứ Trung Quốc để chuyển tải thông điệp và ý nguyện của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine tới chính quyền Bắc Kinh.
Kháng thư lên án mạnh mẽ hành động Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, vi phạm thô bạo Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết. Kháng thư cũng chỉ rõ hành động nguy hiểm này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; làm phương hại nghiêm trọng quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc; cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine cực lực phản đối các hành động trái phép và quyết tâm cùng với nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Hoạt động biểu tình của cộng đồng người Việt Nam phản đối Trung Quốc cũng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và người dân sở tại. Đông đảo người dân Ukraine bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.
Cùng ngày 12/5, cùng với nhiều Việt kiều ở bang California, các bô lão đại diện cho Hội Đền Hùng của TP San Jose (bang California) đã đến trước cửa tòa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP San Francisco để trao lá thư và tọa kháng 4 tiếng đồng hồ (từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều) phản đối Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam. Bức thư của các bô lão Hội Đền Hùng do Chánh Hội trưởng Bửu Đăng ký gửi các nhà lãnh đạo Trung Quốc viết: “Chúng tôi là những bô lão thuộc Hội Đền Hùng hải ngoại San Jose, bang California, xin trân trọng có thư này kính gửi Ngài Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc rằng, bằng việc dựng giàn khoan Hải dương-981 trong vùng lãnh hải Việt Nam, quý quốc lại một lần nữa cố tình vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đã được cha ông chúng tôi khai phá lập quốc với bao xương máu, do vậy việc bảo tồn nguyên vẹn lãnh thổ là trách nhiệm chung của mọi người dân nước tôi, bất kể đang cư ngụ ở nơi đâu trên thế giới, trách nhiệm này luôn được chúng tôi chấp hành… Tinh thần bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam chúng tôi ở hải ngoại cũng như quốc nội ngày nay cũng chẳng kém gì các tiền nhân của chúng tôi ngày xưa như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Huệ… Chúng tôi yêu cầu quý quốc bỏ ngay ý định thôn tính hay lấn chiếm lãnh hải và lãnh thổ của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải các lân bang; tôn trọng Luật Hàng hải và Luật Biển quốc tế; thực hiện ý nguyện chung sống hòa bình; tức khắc di chuyển giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi hải phận Việt Nam. Chúng tôi xin nguyện cầu thế giới hòa bình, muôn dân an lạc".
Ngoài bức thư trên, hàng trăm tờ rơi bằng tiếng Anh và tiếng Trung với các nội dung đòi Trung Quốc rút khỏi lãnh hải Việt Nam, đòi Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi phạm vi lãnh hải Việt Nam, đòi Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng đã được phát ra cho du khách đi ngang qua khu tòa nhà Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và đa số đã đồng tình ủng hộ. Nhiều người Mỹ gốc Hoa đã đứng lại đọc bản tuyên ngôn 1.000 năm trước của danh tướng Lý Thường Kiệt. Các bô lão Hội Đền Hùng San Jose dự định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tọa kháng vào thứ Hai hàng tuần cho tới khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Hội Đền Hùng San Jose, một tổ chức thiện nguyện phi chính trị do những người Mỹ gốc Việt ở San Jose thành lập đã 30 năm nay để thờ Quốc Tổ Hùng Vương và những người có công dựng nước, giữ nước như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...
Đã có 9 kiểm ngư bị thương khi đụng độ với tàu Trung Quốc
“Bất chấp những thông tin cảnh báo từ giới quan chức thế giới cũng như gặp nhiều sự phản đối của nhân dân các nước trong khu vực và trên toàn cầu, phía Trung Quốc vẫn không có hành động bớt hung hăng mà vẫn thường xuyên gây hấn với tàu của ta, không cho các tàu của ta tiếp cận khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981)”. Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm Ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp báo vừa diễn ra chiều 13/5, tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Oai-Cục Trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, tình hình diễn biến trên thực địa ngoài biển Đông vẫn đang căng thẳng. Trung Quốc đã huy động 80 tàu trong đó có 1 tàu hộ vệ tên lửa luôn kề sát để hộ vệ cho giàn khoan và hai tàu tấn công nhanh để cản phá lực lượng của ta. Trong khi đó phía ta chủ yếu là tàu dân sự. Thậm chí, có những lúc có 3-5 tàu Trung Quốc vây quanh 1 tàu kiểm ngư của ta để cản phá chúng ta. Mặt khác, các tàu của Trung Quốc tiếp tục dùng các vòi rồng với tốc độ bắn xa 200m có sức mạnh làm kính tàu kiểm ngư bị vỡ, thậm chí người bị bắn trúng sẽ bị quật ngã; tàu Trung Quốc còn có hành vi đâm trực diện ở góc lớn vào tàu kiểm ngư của ta, gây nguy hiểm lớn cho các kiểm ngư viên, khiến tàu của ta có nguy cơ bị đắm.“Do vậy, mặc dù phía ta đã cố gắng né tránh nhưng thống kê đến nay đã có 9 kiểm ngư viên bị thương, song nhờ sự chăm sóc y tế kịp thời, toàn bộ tàu và các kiểm ngư viên đã hồi phục và quay trở lại điểm nóng”, Cục Trưởng Nguyễn Ngọc Oai cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, phía Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, áp dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình kết hợp với các biện pháp đàm phán ngoại giao dựa trên cơ sở pháp lý nhằm buộc Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn dùng tàu để cản phá, không cho các tàu của Việt Nam tiếp cận khu vực giàn khoan. Theo ông Oai, lực lượng kiểm ngư đã chuẩn bị hàng chục tàu sẵn sàng bổ sung lực lượng. Bất chấp tình hình căng thẳng, ngư dân của ta vẫn tiếp tục bám biển và tiếp tục khai thác phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa.
Vị lãnh đạo Cục Kiểm ngư này cũng cho hay, tính đến sáng 13/5 đã có gần 20 tàu ngư dân của Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp cận sát khu vực giàn khoan của Trung Quốc, tiếp tục khai thác ngư trường. Mặc dù có những hành vi xua đuổi, song khi ngư dân ra đó, Trung Quốc không thể có những hành động đáp trả như với các lực lượng chiến đấu thực địa. Bên cạnh đó, ông Oai cho hay, Cục Kiểm ngư cũng có đường dây nóng với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và ngư dân, nhân dân đều biết đường dây này. Hàng ngày có rất nhiều cuộc gọi điện đến để chia sẻ, động viên lực lượng kiểm ngư và báo cáo tình hình.
Theo đó, Cục Kiểm ngư cho biết, lực lượng kiểm ngư cần thêm các trang thiết bị hiện đại và cần trang bị thêm các thiết bị như máy camera chịu nước, chống sóc để giúp thu thập chứng cứ. Ngoài ra, các tàu kiểm ngư cần bố trí thêm các băng rôn, khẩu hiệu, các loa có công suất lớn để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền; máy móc hàng hải như radar định vị. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư cần cử thêm cán bộ thạo ngoại ngữ để phát thanh bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung để tuyên truyền đối với tàu Trung Quốc.
Kết luận tại cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai cho hay: "Chúng ta bảo vệ chủ quyền nên chúng ta đứng về phía chính nghĩa, còn hành động vi phạm của Trung Quốc là những việc làm phi nghĩa nên sẽ không được sự ủng hộ của dư luận thế giới". |
BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)