Năm 1947, Ban vận động Trung ương Đời sống mới đến xin Bác nêu ra cho cuộc vận động một khẩu hiệu.
Bác nói:
- Các chú muốn có một khẩu hiệu ư? “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Khẩu hiệu đó.
Một đại biểu thưa với Bác:
- Khẩu hiệu này đã cũ, đã quen, xin Bác cho một khẩu hiệu mới.
Bác cười, rồi nói:
- Hằng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời để sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước, thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng vậy.
Sinh thời, Bác thường khuyên: Đồng chí ta phải học lấy bốn đức tính cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính.
Từ năm 1923, tại lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã nêu cần, kiệm, liêm (ít lòng tham muốn về vật chất) và chính (giữ chủ nghĩa cho vững).
Trong bản Di chúc lịch sử, Người lại căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của người cán bộ cách mạng, gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau. Mà đã có được cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ thực hiện được chí công vô tư. Đúng là mệnh đề này, đạo đức phong kiến đã đề ra từ lâu (chính vì vậy mà có người ngộ nhận là nó đã cũ), nhưng Bác đã đưa vào đó nội dung mới, nhằm một mục đích mới: phục vụ lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc, của nhân dân.
Bác thường nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bộ đội, công an rằng: cơm ăn, áo mặc, vật dùng của mỗi người đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân làm ra, cho nên phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đền bù lại một cách xứng đáng với công sức của nhân dân.
Có lần Bác đã nói vui với các đồng chí phục vụ rằng nước ta đang nghèo, thi đua cần, kiệm với các nước thì ta có thể thắng, còn thi đua sang trọng với họ thì ta thua.
Cuộc sống của Bác là một tấm gương tuyệt vời về cần, kiệm. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm nơi ở, nơi làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch đều vô cùng xúc động trước sự giản dị của Bác. Ngôi nhà sàn của Bác chỉ có hai buồng, một buồng làm việc và một buồng nghỉ. Đồ dùng của Bác từ bộ quần áo, chiếc khăn mặt đến cặp kính đeo mắt, cây bút máy… đều không phải là thứ hàng đắt tiền hoặc đặc biệt.
Việc ăn uống của Bác rất giản dị. Đồng chí Phạm Văn Đồng kể rằng: “Bữa cơm của Bác chỉ có vài ba món giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm, ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch, thức ăn còn lại được sắp xếp tươm tất”. Có lần, đồng chí cấp dưỡng tăng thêm một món ăn vào mâm cơm của Bác, Bác không nói gì nhưng bớt lại một món không hề đụng tới.
Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có khó không? Có lần Bác nói: “Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
BẰNG TÍN