Thứ Tư, 02/10/2024 13:21 CH
Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam
Thứ Bảy, 07/04/2007 07:00 SA

070406-leduan4.jpgLịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tinh tường khi giao cho đồng chí Lê Duẩn trọng trách: Trực tiếp chỉ đạo phong trào Cách mạng miền Nam và những trọng trách lớn lao khác của Đảng, dân tộc. Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó. Tự giác tôi luyện trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành người lãnh đạo kiệt xuất của của Cách mạng Việt Nam.

 

Những ngày đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ – ngụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngày đêm suy nghĩ để vạch ra chủ trương và phương pháp, bước đi cho cách mạng miền Nam sao cho giành thắng lợi mà ít tổn thất nhất, lại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và phức tạp. Đồng chí Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị giao chỉ đạo soạn thảo Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về Cách mạng miền Nam. Bản Nghị quyết được hình thành trên cơ sở định hướng năm 1954 của Hồ Chủ tịch và của “Đề cương cách mạng miền Nam”.

 

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 phải họp thành hai đợt trong 2 tháng trời (Đợt 1: từ tháng 12 đến 22/1/1959. Đợt 2: từ 10 đến 15/7/1959), đề án phải sửa chữa, bổ sung, soạn thảo gần 30 lần, chưa kể thời gian chuẩn bị đề án đã mất hai năm ở miền Bắc và hơn ba năm ở miền Nam. Khi văn bản Nghị quyết 15 ra đời, nó là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phù hợp với tình hình quốc tế, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và quảng đại quần chúng nhân dân miền Nam. Nghị quyết 15 thật sự là một nghị quyết về “Chuyển chiến lược” – từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng tàn bạo của kẻ địch, vận dụng và phát huy phương pháp cách mạng của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 trong hoàn cảnh mới; cách mạng miền Nam chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động tiến công. Nghị quyết 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam, phù hợp với tình hình thực tế nên đã tạo bước tiến nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hai miền Bắc - Nam thực hiện trọn vẹn quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng niềm Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Những tiên liệu tài tình và mục tiêu đột phá Buôn Ma Thuột của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Khi Cục Tác chiến và Bộ Tổng tham mưu dự kiến kế hoạch tiến công giải phóng trong 4 năm. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Ta quyết tâm trong hai năm 1975 – 1976, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền Nam Bắc, đưa cách mạng của ta lên bước phát triển mới, cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân…”. Thế rồi đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ. Phải chủ động gây phong trào, chứ không phải ngồi chờ phong trào nổi lên. Khi ta đánh mạnh thì phong trào đô thị sẽ khác ngay. Phải có người dám làm, vào hẳn trong thành phố. Không xông vào thì xa rời quần chúng, xa phong trào. Phải xông vào mà nắm lấy chỗ yếu nhất của địch, để kịp thời và có biện pháp cụ thể lợi dụng, khoét sâu thêm.

 

070406-leduan-castro.jpg

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch Fidel Castro - Ảnh: Tư liệu

 

Đánh vào Sài Gòn như thế nào? Tất nhiên là phải chuẩn bị cho kỹ về quân sự. Các anh phải làm cho thật tốt. Tôi chỉ nói đến một khía cạnh thôi. Đây là một thành phố có gần 4 triệu dân, có 10 vạn cảnh sát, ghê gớm lắm. Nhưng không phải chỉ đem lực lượng quân sự giữa hai bên mà so sánh, mà phải thấy lực lượng của quần chúng. Lực lượng này thì tiềm tàng, bây giờ ta phải ra sức phát triển, nhưng sức mạnh của nó thì không ai có thể lường hết được. Nó còn mạnh gấp năm, gấp mười lần sức mạnh quân sự. Đến lúc nào đó, tình thế xoay chuyển, thì chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng này có thể làm tê liệt tất cả: Nhà máy sẽ không còn là pháo đài hay lô cốt của địch, mà nó sẽ thành ổ đề kháng, nơi tập trung lực lượng của giai cấp công nhân; đường phố sẽ không còn là phòng tuyến của địch, mà nó trở thành chiến lũy gang thép, thiên la địa vòng của ta để bao vây quân địch, tiêu diệt quân thù. Mà chẳng phải ở Sài Gòn mới làm được như thế đâu. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… nơi nào cũng làm được như thế cả…”.

 

070406-leduan5.jpg

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay khen ngợi phi đội Quyết Thắng lập công xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định – Ảnh: TPO

 

“Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là con đường bạo lực, lấy sức mạnh bạo lực của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân… Trong những điều kiện nào đó cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới, đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(…) “Chỉ có sự thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân, mới triệt để đánh bại chiến tranh nô dịch, chia cắt và gây chiến của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam”.

(Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khóa 2)

Thế rồi sự thật lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã diễn ra đúng như ý kiến tiên liệu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

 

Trong bài viết: “Kỷ niệm khó quên về Anh Ba Duẩn trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975” của đồng chí Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến viết: “… 11 giờ đêm (29/4). Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nhắc tôi đọc bức điện của anh Lê Trọng Tấn cho Anh Ba nghe. Sau khi Anh Ba nghe xong bức điện, anh Văn nói với Anh Ba: “Theo báo cáo của anh Tấn, đề nghị Anh Ba cho đánh”. Anh Ba nói ngay: “Đánh! Đánh! Cứ đánh ngay anh ạ! Bây giờ không chờ nhau nữa. Lúc này, cánh quân nào thuận lợi thì cứ phát triển, càng thuận lợi cho toàn chiến dịch”. Anh Văn hỏi thêm Anh Ba: “Điện trả lời ký tên anh chứ?”. Anh Ba nói: “Không, anh là chỉ huy quân đội, cứ ký tên anh thôi”. Sau một thoáng, Anh Ba nói thêm: “Nếu cần thì đề cả tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với Anh Ba và Anh Ba hoàn toàn nhất trí”…

 

Bức điện ấy đã đi vào lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”. Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng đã thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thể hiện ý chí của Đảng và Nhà nước ta ở thời khắc lịch sử có một không hai đó.

 

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tinh tường khi giao cho đồng chí Lê Duẩn trọng trách: Trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam, kháng chiến chống thực dân Pháp sau cách mạng Tháng Tám 1945; Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Tổng Bí thư của Đảng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó, xứng đáng với sự ủy thác to lớn đó. Tự giác tôi luyện trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành người lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.

 

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

 

Tháng 5/1926, ông làm ở Sở Hỏa xa Đà Nẵng. Năm 1927, nhân viên thư ký đềpô Sở Hỏa xa Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1928, ông tham gia Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929, tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ. Ngày 30/4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, kết án 20 năm tù, bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Tại các nhà tù này đồng chí tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức học tập chính trị. Năm 1936, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung kỳ. Năm 1937, làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1939, đồng chí được cử làm Ủy viên Trung ương Đảng. Cuối năm 1939, tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

 

Năm 1946, ra Hà Nội làm việc, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

 

Từ năm 1946 đến năm 1954, đồng chí làm Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1954 đến năm 1957, sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Năm 1958, Trung ương cử đồng chí vào Ban Bí thư và chủ trì công việc của Ban Bí thư. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất.

 

Suốt 15 năm trên cương vị này, đồng chí cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế; sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) và lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí Lê Duẩn lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư. Đại biểu Quốc hội (khóa II – VII).

 

TÔ PHƯƠNG 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek