Vẫn biết tử sinh là quy luật của muôn đời, không ai tránh khỏi, song mỗi lần có người mà mình yêu quý, kính trọng ra đi thì lòng tôi lại có cảm giác hụt hẫng, đau đớn muôn vàn.
Lãnh đạo tỉnh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2003 tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội).
Cảm giác của tôi khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là như thế. Tôi nhận được tin khá sớm, khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 4/10, chỉ sau khi Đại tướng mất độ gần nửa giờ do thời điểm này tôi đang ở Hà Nội dự họp Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị lần thứ 8) nên được nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin cho biết. Tin này đã làm tôi thật bàng hoàng, xúc động mặc dù vẫn biết Đại tướng mấy năm nay đã yếu phải nằm luôn ở viện, tuổi đã quá trăm rồi thì trước sau gì điều đó cũng phải đến mà thôi.
Lần đầu tiên tôi được nghe đến tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào khoảng cuối năm 1963, lúc đó tôi mới 10 tuổi đang học lớp Nhất ở trường làng, do chính má tôi nói ra. Tôi nhớ hôm ấy khi đang đọc bài học sử về trận Bạch Đằng đánh thắng quân Nguyên Mông, tôi có hỏi má tôi sau các chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa thì nước ta có còn chiến thắng nào lớn như thế không. Má tôi hơi ngập ngừng, nhưng sau đó bà nói với tôi:
- Sau này khi lớn lên, con sẽ biết về trận Điện Biên Phủ đánh thắng giặc Pháp xâm lược của Bộ đội Cụ Hồ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, cũng to lớn như Bạch Đằng, Đống Đa vậy…
Tôi háo hức hỏi thêm, nhưng má tôi không nói nữa và bà còn dặn tôi đừng nói lại với ai, để bọn tề ngụy ở xã, thôn nghe được thì có hại cho gia đình mình. Về sau lớn lên tôi mới biết, thời kháng chiến chống Pháp má tôi là một cán bộ Hội Phụ nữ huyện Tuy Hòa luôn hướng về cách mạng. Bà muốn gieo vào lòng tôi tình cảm sâu sắc với cách mạng, hướng về Cụ Hồ, hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hướng về người cha thân yêu đang thoát ly tham gia kháng chiến của tôi.
Khoảng đầu năm 1969, lúc học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), tôi có được xem quyển từ điển tiếng Pháp Petit Larousse, trong phần về nhân vật, có nêu tên: “VO NGUYEN GIAP, General, le vainqueur de Dienbienfou” (Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, người chiến thắng Điện Biên Phủ), làm tôi rất tự hào. Mãi đến năm 1971, khi học ở bậc đại học, tôi mới thấy được khuôn mặt của Đại tướng trên bìa một tờ tạp chí tiếng Anh. Khuôn mặt rắn rỏi, kiên nghị, vầng trán cao trí tuệ và đôi mắt với cái nhìn nhân hậu của ông từ đó in sâu vào tâm khảm tôi đến tận bây giờ.
* *
*
Không tính những lần dự hội nghị được nghe ông phát biểu, trong cuộc đời mình, tôi còn có may mắn được gặp trực tiếp Đại tướng 2 lần, mỗi lần gặp ông đều để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Lần thứ nhất vào năm 1987, lúc đó tôi đang là Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 8, về Hà Nội để dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 8 tại hội trường Ba Đình. Trong giờ giải lao ra vườn hoa bên hông hội trường, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc quân phục, mái tóc nhiều sợi bạc, đang thong thả bước đi sau khi một nhóm đại biểu vây lấy mời chụp hình. Tôi rất xúc động, vội bước lại bên ông vì sợ bị người khác chen vào mất và thưa:
- Thưa bác, cháu ở Phú Khánh, muốn xin phép bác để được chụp chung một tấm hình với bác…
Đại tướng nhìn tôi vui vẻ:
- Phú Khánh à? Ở Phú Yên hay Khánh Hòa?
- Thưa bác, cháu công tác ở Tuy Hòa, Phú Yên cũ ạ.
- Tuy Hòa à? Mình nhớ cánh đồng ở đó lớn lắm, từng bảo đảm lương thực cho nhiều chiến trường của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong kháng chiến. Mình biết nhân dân ở đó hy sinh cho cách mạng nhiều lắm mà lâu nay không có điều kiện đến thăm… Không biết đồng bào Tuy Hòa bây giờ ra sao, làm ăn có khá không?
Tôi báo cáo tóm tắt với Đại tướng một số nét về kinh tế - xã hội, về đời sống nhân dân, về niềm tin của nhân dân Tuy Hòa đối với Đảng, Nhà nước và cả một số khó khăn đang gặp phải.
Đồng chí Đào Tấn Lộc chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 8 năm 1987.
Bác Giáp chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu, sau khi tôi trình bày xong thì nói với tôi:
- Vùng lúa thì chỉ bảo đảm lương thực đủ ăn thôi, không làm giàu được, phải tìm cách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì mới có thu nhập cho dân. Ngoài việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, còn phải cải tiến cách quản lý các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay thì sản xuất mới phát triển được, cháu ạ… Thôi, bây giờ đi chụp hình nhé, nếu không sẽ không kịp giờ vào hội trường.
Sau khi chụp hình xong, tôi thưa với Đại tướng về tình cảm kính trọng, yêu mến của nhân dân các huyện thuộc tỉnh Phú Yên cũ và mong được đón bác về thăm. Tôi còn nhắc đến bức điện mà Đại tướng gửi cho quân dân Phú Yên thời chống Pháp biểu dương chiến công đánh thắng chiến dịch Atlande, góp phần chia lửa chiến trường Điện Biên Phủ, đã làm nức lòng quân dân Phú Yên ngày ấy.
Đại tướng rất cảm động và gửi lời chúc tốt đẹp đến nhân dân Phú Yên nói chung và Tuy Hòa nói riêng, mong muốn nhân dân được giàu có, bình yên. Trước khi vào hội trường, ông còn dặn tôi là làm sao cho nhân dân yên tâm bỏ công, bỏ của ra làm ăn, vừa làm giàu cho mình vừa làm giàu cho đất nước, cũng như làm sao huy động được sức dân phát triển mạnh mẽ giáo dục ở địa phương. Lời dặn dò của Đại tướng càng về sau tôi càng thấm thía hơn trong công việc của mình ở phạm vi cấp huyện rồi đến trên toàn tỉnh.
Lần thứ hai tôi được gặp Đại tướng là vào năm 2003, sau lần gặp trước 16 năm, lúc đó bác Giáp đã hơn 92 tuổi. Bấy giờ, tôi đang là Chủ tịch UBND tỉnh cùng với anh Ba Quang - Bí thư Tỉnh ủy, anh Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh và anh Sơn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đi làm việc với các bộ liên quan và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm mở lại đường bay dân dụng đến sân bay Tuy Hòa. Sau khi làm việc với các cơ quan xong, mấy anh em bàn và báo cho anh Tám Thưởng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đăng ký đến thăm Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Khi đưa chúng tôi vào phòng khách, đồng chí sĩ quan trợ lý của Đại tướng cẩn thận dặn chúng tôi:
- Sức khỏe Đại tướng hiện nay cũng đã yếu rồi, bác sĩ dặn chỉ được tiếp khách ít thôi. Hôm nay, bác nghe lãnh đạo tỉnh Phú Yên ra thăm, dặn là phải bố trí để bác tiếp vì là anh em ở xa đến thăm, không tiếp không được. Các đồng chí nhớ là chỉ gặp trong vòng 15 đến 20 phút thôi, không được kéo dài làm bác mệt.
Khi Đại tướng từ phòng trong đi ra, chúng tôi đều đứng dậy đến đón bác, cùng dìu ông ra. Ông dừng bước trước tượng Bác Hồ trong phòng khách và gọi chúng tôi cùng chụp hình với ông bên tượng Bác Hồ. Ông nói với chúng tôi:
- Bác Hồ là người thầy của cách mạng Việt Nam, sáng lập ra Đảng ta và khai sinh ra Nhà nước cách mạng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tôi chỉ là một người học trò của Bác, thực hiện nhiệm vụ của Bác và Đảng giao cho. Tôi làm được công việc gì cũng là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, sự tận tụy, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, của đồng bào, đồng chí cả nước, không phải là công trạng của riêng mình…
Chúng tôi đều xúc động vì một Đại tướng lừng danh thế giới luôn vẫn một lòng khiêm tốn, không nhận công trạng về mình. Người già thường có tâm lý nói về quá khứ, về cống hiến của mình, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không, ông vẫn đau đáu nhớ về Bác Hồ, nhớ về đồng chí, đồng bào đã giúp đỡ và hy sinh cho cách mạng.
Sau đó, bác Giáp hỏi về tình hình ở tỉnh Phú Yên. Anh Ba Quang báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, đời sống ở tỉnh nhà. Vì bác có hỏi thêm về tình hình đồng bào các dân tộc ở miền núi Phú Yên, nên tôi báo cáo thêm về tình hình đầu tư nâng cấp các tuyến đường lên miền núi, việc đưa được điện lưới đến huyện và một số xã; việc phủ sóng phát thanh, truyền hình; việc hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập tiểu học ở miền núi; việc phát triển cây công nghiệp gắn với các nhà máy chế biến… nên cải thiện được đáng kể đời sống vùng này. Tôi cũng báo cáo về một số khó khăn trong việc đầu tư phát triển miền núi. Đại tướng lắng nghe và dặn chúng tôi phải chuyển mạnh kinh tế địa phương sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, không được chần chừ bỏ lỡ cơ hội. Ông cũng khen ngợi sự nỗ lực của tỉnh đối với vùng miền núi và đồng bào dân tộc. Ông dặn dò:
- Miền núi và đồng bào các dân tộc trước đây là vùng căn cứ cách mạng, đồng bào các dân tộc không tiếc công, tiếc của với cách mạng trong kháng chiến. Nhưng do nhiều điều kiện lịch sử để lại, do chính sách không tốt trong các thời kỳ phong kiến, thực dân, nên vùng này nghèo, đời sống đồng bào khó khăn. Tỉnh phải tập trung đầu tư hơn nữa, cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống, khắc phục các tập quán lạc hậu, giữ gìn được văn hóa các dân tộc, làm cho đời sống vật chất và tinh thần đồng bào không ngừng tăng lên…
Ông còn dặn làm sao đưa các tiến bộ khoa học một cách phù hợp vào vùng miền núi, làm sao cho đồng bào biết sản xuất ra hàng hóa, làm sao không để ai bị đói rét, không có chỗ ở. Theo ông đó chính là cách trả ơn tốt nhất cho đồng bào giúp cho cách mạng trước đây.
Ông còn muốn nói nữa, nhưng đồng chí trợ lý nhắc là đã hết giờ và quá 20 phút rồi. Ông cười hiền từ và nói với chúng tôi: “Mình phải chấp hành thôi, không thì các đồng chí lại phê bình”.
Trong lúc cùng đi ra cửa, Đại tướng còn dặn thêm:
- Không chỉ là cái ăn, chỗ ở mà còn phải nhớ chăm lo việc học hành, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ từ các dân tộc cho tốt. Có như vậy mới công bằng, mới đại đoàn kết được.
Trên đường về, lòng tôi thực sự xúc động. Một vị Đại tướng tên tuổi như huyền thoại, suốt đời cầm quân đánh giặc, đến hơn 90 tuổi mà vẫn đau đáu với đất nước, với dân tộc; dặn dò về kinh tế thị trường, về hội nhập quốc tế, về chăm lo miền núi và dân tộc, về công bằng xã hội.
Đối với tôi, những lời dặn dò đó của Đại tướng mãi mãi là những bài học không thể nào quên. Hôm nay, trong thời điểm cả nước tiễn Đại tướng đi xa về cõi vĩnh hằng, xin được ghi lại những lời dặn dò của Đại tướng như một sự tri ân gửi đến Người - một người thầy uyên bác, một nhà cách mạng kiên định, một vị tướng lĩnh lỗi lạc có trái tim nhân hậu.
Xin thành kính vĩnh biệt Người!
ĐÀO TẤN LỘC
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên