Những ngày đầu tháng 10 này, cùng với những thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra đối với các tỉnh bắc miền Trung, một tổn thất về mặt tinh thần vô cùng to lớn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam và của thế giới, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. Cũng như bao người dân của nước Việt, tôi vô cùng xúc động khi nghe tin này dẫu biết rằng Đại tướng đã ngoài bách niên và sinh tử là quy luật của muôn đời.
Đồng chí Nguyễn Hữu Ái.
Công lao của Đại tướng đối với đất nước; tình cảm của Đại tướng đối với nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nói như anh Chín Cao (tức Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy) là “không thể nói hết bằng lời”. Nhưng ngoài tình cảm dành cho đồng bào và cán bộ, chiến sĩ trong cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành tình cảm rất đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên.
Đó là, gần 60 năm trước, sau trận thắng đầu trong chiến dịch Át-lăng, từ chiến trường Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen, biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân Khu 5, đặc biệt là tỉnh Phú Yên và chiến trường Tuy Hòa. Trong thư có đoạn viết: “Khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu Liên khu 5 đã tích cực hoạt động, làm tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân”.
Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đầu tiên về thăm Phú Yên sau ngày đất nước vừa mới giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất một nhà. Tôi còn nhớ, hôm ấy anh Sáu Suyền (Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy), tôi (Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quân chính tỉnh), anh Bưu (đại tá Ông Văn Bưu - Tỉnh đội trưởng)… cùng đón Đại tướng tại đèo Cả. Khi ấy Đại tướng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong đoàn, ngoài một số tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp còn có phu nhân của Đại tướng (GS Đặng Thị Bích Hà). Anh Chín Cao lúc này là Chủ tịch Ủy ban Quân chính tỉnh, nhưng đang đi học nên công việc của Ủy ban do tôi điều hành. Chúng tôi đưa Đại tướng đi thăm, khảo sát địa hình Vũng Rô - nơi tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, thuốc men từ tàu Không số từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại tướng cho rằng Vũng Rô có vị trí quan trọng về quân sự và khen Phú Yên đã rất “táo bạo” và thông minh khi chọn vịnh Vũng Rô, nằm ngay dưới chân đồn địch để làm bến tiếp nhận những chuyến tàu Không số. Sau đó, Đại tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh tại trụ sở làm việc của Ủy ban Quân chính (tại Việt Nam Thương tín của chế độ cũ, sau này là Nhà khách của UBND tỉnh Phú Khánh, rồi Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên và nay là Ban quản lý công trình hầm đường bộ Đèo Cả). Tại buổi làm việc, Đại tướng hỏi về tình hình và những việc lãnh đạo tỉnh Phú Yên sẽ làm. Anh Sáu Suyền báo cáo tóm tắt với Đại tướng một số nội dung, như: Phú Yên giải phóng hoàn toàn vào lúc 10 giờ ngày 1/4/1975 (giờ Sài Gòn). Nhiệm vụ trước mắt của tỉnh là tổ chức truy quét tàn quân của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nhất là ở khu vực đèo Cả, giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa. Tập trung lo hơn 40 vạn dân bị địch dồn đi nơi khác nay trở về quê hương và chuẩn bị năm học mới cho học sinh… Đại tướng khen, xác định nhiệm vụ như thế là tốt và nhắc nhở một số việc hết sức ngắn gọn. Đại tướng nói, tập trung lo cho dân là đúng, không chỉ dân cũ đã bám trụ với cách mạng mà cả dân đi tản cư mới về. Theo Đại tướng, có dân là có tất cả, ta giành thắng lợi, đất nước được thống nhất như ngày hôm nay đều nhờ vào sức mạnh của toàn dân, vì vậy trước tiên phải lo cho dân. Đại tướng chỉ tay ra Bắc: Chiến thắng Điện Biên Phủ là từ sức mạnh của toàn dân. Đại tướng chỉ tay vào Nam: Thần tốc, thần tốc, táo bạo, táo bạo; nhờ nhân dân mà ta làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Đại tướng cũng lưu ý, cùng với quét sạch bọn ngụy quyền muốn ngóc đầu dậy, phải tập trung lực lượng đối phó với bọn Fulro…
Kết thúc buổi làm việc, Đại tướng, phu nhân và đoàn công tác rời Phú Yên đi Bình Định.
NGUYỄN HỮU ÁI
Nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh
XUÂN HIẾU (ghi)