Kỳ 2: Trao “cần câu” giúp người lao động xuất ngoại
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một giải pháp hiệu quả giúp người lao động có việc làm, tăng thu nhập, nhất là đối với lao động nông thôn. Sau khi đi XKLĐ về nước, kinh tế gia đình của người lao động được cải thiện đáng kể. Với kiến thức, kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, cùng nguồn vốn tích lũy được, phần lớn người lao động sẽ tự tạo việc làm hoặc tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động huyện Đồng Xuân nêu thắc mắc tại hội nghị tư vấn du học nghề và xuất khẩu lao động. Ảnh: KIM CHI |
Khi có nhu cầu XKLĐ nhưng thiếu vốn, người dân có thể liên hệ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) và các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện để đăng ký vay vốn.
Cải thiện thu nhập, nâng cao tay nghề
Đến thăm gia đình chị Đinh Mỹ Liên ở thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), chúng tôi cảm nhận được niềm vui từ sự đổi thay trong cuộc sống kể từ khi chị tìm được hướng đi XKLĐ. Anh Lê Thanh Hiển, chồng chị Liên chia sẻ: “Vợ tôi đi XKLĐ ngắn hạn từ năm 2017, bình quân mỗi tháng gửi về 30 triệu đồng. Nhờ tiền vợ gửi về mà tôi mở tạp hóa, các con phụ bán. Những năm gần đây, kinh tế khó khăn, gia đình tạm đóng cửa hàng. Chúng tôi vẫn chọn con đường XKLĐ để có điều kiện chăm lo đời sống gia đình được tốt hơn. Sau gần 6 năm lao động tại Canada, vợ chồng tôi đã dành dụm được ít vốn. Đây là một số tiền không nhỏ đối với gia đình tôi”.
Tại thôn Xuân Thành, xã An Xuân (huyện Tuy An), anh Võ Thành Nghĩa, năm nay 29 tuổi, vừa gia hạn hợp đồng quay trở lại đất nước Nhật Bản làm việc. Theo anh Nghĩa, tại Nhật Bản, anh phụ trách lắp ghép nhà gỗ, công việc tương đối nhẹ nhàng, thu nhập từ 20-40 triệu đồng/tháng, tùy vào thời gian làm mỗi ngày. Sang Nhật làm việc, anh được đơn vị bố trí chỗ ở, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Với mức thu nhập trên, nếu biết dành dụm thì sau thời gian hết hợp đồng lao động trở về nước, anh sẽ tích lũy được một khoản tiền tương đối lớn để tự lo cho tương lai của chính mình.
Là bộ đội xuất ngũ, sau khi ra quân, anh Nguyễn Hữu Luật ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa làm nghề biển ở địa phương một thời gian nhưng thu nhập không ổn định nên muốn XKLĐ. Liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, anh Luật được giới thiệu công việc làm thuyền viên đánh bắt hải sản gần bờ tại Hàn Quốc với chi phí xuất cảnh gần 200 triệu đồng. Gia đình khó khăn, anh Luật được NHCSXH Phú Yên cho vay 95 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng, lãi suất 6,6%/năm, để chi trả các khoản chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, sau 3 năm, anh Luật đã trả đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Theo anh Luật, thời điểm đó, nếu không được ngân hàng cho vay vốn, gia đình anh phải vay nóng bên ngoài mới có đủ chi phí xuất cảnh. Tuy nhiên, vay nóng thì lãi suất rất cao, chưa kể lãi mẹ đẻ lãi con nếu không kịp trả nợ. Còn vay NHCSXH, lãi suất thấp, được phân kỳ trả nợ nên gia đình mạnh dạn vay.
Thời gian qua, công tác đưa người đi XKLĐ phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Trong giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh có 2.718 người đi XKLĐ, chiếm 1,6% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm, trung bình mỗi năm có 388 lao động đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với thị trường lao động có thu nhập cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Úc chiếm 7% trên tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hầu hết trường hợp tham gia XKLĐ hiệu quả đều thông qua sự kết nối của cơ quan quản lý nhà nước như: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, các trường nghề… “Đây là kênh giảm nghèo hiệu quả, giúp người lao động nâng cao thu nhập, nâng cao tay nghề và nhiều kỹ năng khác”, ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thị trường XKLĐ đang từng bước phục hồi. Tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nên Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền, hội thảo tư vấn cho người lao động về chính sách, quy trình tuyển dụng người lao động đi làm việc, học tập có thời hạn ở nước ngoài.
Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên. Ảnh: KIM CHI |
Tổ chức tư vấn, cho vay XKLĐ
Năm nay, thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Phú Yên đặt mục tiêu có từ 350-500 người XKLĐ. Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Nguyễn Hữu Từ, Sở LĐ-TB&XH ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có tính ổn định, mức thu nhập cao, an toàn, phù hợp với năng lực lao động của tỉnh. Đồng thời tích cực triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành của trung ương, của tỉnh, nhằm hỗ trợ, khuyến khích người lao động, đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả là 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 160 người đi XKLĐ.
Theo ông Cao Tấn Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên (Sở LĐ-TB&XH), trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sàn, phiên giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tìm hiểu thông tin, trực tiếp đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, tuy trong tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đặt trụ sở hoạt động tuyển và đưa lao động đi XKLĐ nhưng trung tâm cũng đã phối hợp 5 doanh nghiệp có uy tín để đưa người đi XKLĐ từ đó tạo niềm tin cho người lao động tham gia.
Đối với những người có nhu cầu XKLĐ nhưng thiếu vốn, hiện NHCSXH Phú Yên có thể cho vay đến 100 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo. Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Chi nhánh thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và đăng ký vay vốn khi có nhu cầu. Hiện NHCSXH Phú Yên cho vay XKLĐ theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP, Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61 của Chính phủ và Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, theo các nghị định của Chính phủ, đối tượng được vay vốn đi XKLĐ là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Còn theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đối tượng vay vốn được mở rộng hơn; người có hộ khẩu thường trú tại các xã, người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân có hộ khẩu thường trú tại các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng được vay vốn XKLĐ.
Kỳ cuối: Chính quyền, doanh nghiệp vào cuộc
KIM CHI - LÊ HẢO