Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu tạo việc làm cho bình quân 25.000 lao động/năm. Trong đó, số lao động có việc làm mới tăng thêm bình quân 4.700 người/năm, góp phần hạ tỉ lệ thất nghiệp toàn tỉnh xuống dưới 2% vào năm 2025.
Kỳ 1: Có việc làm nhờ vốn chính sách
Để thực hiện mục tiêu nói trên, thời gian qua, công tác hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai kịp thời. Trong đó, nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) được xem là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm ổn định, bền vững.
Động lực vượt qua giai đoạn khó khăn
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đức Khoa ở thôn Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) đúng lúc anh cùng mẹ đang chăm sóc mấy con bò của gia đình. Người thanh niên 29 tuổi này cho biết, trước đây, anh làm công nhân ở một công ty giày ở Bình Dương. Khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty cắt giảm lao động, Khoa thất nghiệp nên trở về quê nhà.
Trong lúc đang lo lắng không biết làm gì để kiếm sống thì đầu năm 2022, anh được Hội Nông dân xã giới thiệu, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nhận được 90 triệu đồng tiền vay, anh Khoa bàn với cha mẹ mua 2 con bò về nuôi. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư cải tạo đất, mua keo giống về trồng rừng. Phần vốn còn lại, anh đăng ký học thêm nghề nhôm kính để có công việc cho thu nhập ổn định sau này.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp tôi có động lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu không có vốn này, đôi khi tôi lại phải tha hương. Bây giờ có công việc ổn định ở quê, tôi yên tâm rồi”, anh Khoa bộc bạch.
Tương tự anh Nguyễn Đức Khoa, anh Trần Mạnh Đô (sinh năm 1999, ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) cũng từng có thời gian làm thuê ở TP Hồ Chí Minh vì không kiếm được việc làm ở quê nhà. Tuy nhiên, công việc thu nhập bấp bênh, dịch bệnh COVID-19 lại diễn biến phức tạp nên anh Đô quyết định về quê. Thời điểm này, anh Đô được cán bộ đoàn thanh niên ở địa phương hướng dẫn cách nuôi heo rừng lai để phát triển kinh tế gia đình. “Ban đầu, tôi nuôi vài con, sau thấy hiệu quả thì dần tăng đàn. Nhưng lúc này khó khăn phát sinh vì tôi không có nhiều vốn”, anh Đô cho biết.
Khi biết khó khăn của anh Đô, Xã đoàn Đức Bình Tây đã kết nối, tín chấp giúp anh vay 70 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh. Với số tiền này, anh mua thêm heo giống, mở rộng chuồng trại để chăn nuôi. Giờ đây, nhìn đàn heo phát triển tốt, anh Đô càng tin tưởng hơn vào quyết định về quê lập nghiệp của mình.
Người lao động địa phương làm việc tại cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình chị Đặng Thị Hạ Quyên (xã Hòa Thành, TX Đông Hòa). Ảnh: LÊ HẢO |
Đòn bẩy phát triển kinh tế
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, xác định chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, NHCSXH Phú Yên đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay. Chi nhánh cũng phối hợp với các ban ngành, hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn.
Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời không chỉ tiếp thêm động lực cho nhiều cá nhân, gia đình tự tạo việc làm mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp ở địa phương. Trường hợp ông Ngô Quốc Dũng ở thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa là một ví dụ. Năm 2015, ông Dũng đến thôn Ngọc Sơn (cũng ở xã Hòa Quang Bắc) xây dựng vườn trồng mãng cầu, mít và một số loại cây ăn trái khác trên diện tích 2,5ha. Khi vườn cây bắt đầu phát triển, cho thu nhập ổn định, ông Dũng thuê thêm nhiều lao động địa phương chăm sóc vườn.
“Khi dịch COVID-19 bùng phát, việc lưu thông khó khăn, sản phẩm không bán được nên chúng tôi không có tiền trả công cho người làm cũng như không thể mua phân bón, vật tư. Lúc này, biết đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, tôi đăng ký vay ngay. 80 triệu đồng được ngân hàng giải ngân kịp thời, giúp gia đình có tiền trả công, giữ chân được người lao động; đồng thời có tiền mua phân bón chăm cây”, ông Dũng cho biết.
Hiện vườn của ông Dũng có 11 lao động thường xuyên với mức tiền công hơn 6 triệu đồng/người/tháng và hơn 20 lao động thời vụ khi vào mùa thu hoạch rộ. Ngoài ra, ông Dũng còn liên kết với các vườn xung quanh để trồng và tiêu thụ nông sản.
Tại thôn Phước Bình Bắc (xã Hòa Thành, TX Đông Hòa), gia đình chị Đặng Thị Hạ Quyên cũng đang tạo việc làm cho 5 phụ nữ địa phương từ cơ sở sản xuất bánh kẹo gầy dựng nhờ vốn chính sách. Chị Quyên cho biết, trước đây, gia đình chị rất khó khăn. Để kiếm thêm thu nhập ngoài làm ruộng, vợ chồng chị làm kẹo đường bán, với số vốn ban đầu chỉ 500.000 đồng. Về sau, được Hội Phụ nữ xã Hòa Thành tạo điều kiện tín chấp cho vay vốn chính sách, gia đình chị bắt đầu mở rộng quy mô làm ăn, tạo thêm việc làm nhiều chị em trong vùng. Mới đây, sản phẩm kẹo dừa truyền thống tại cơ sở của chị được UBND TX Đông Hòa công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Đồ họa: VIỆT AN |
Kiến nghị tăng vốn, mở rộng đối tượng vay
Trong giai đoạn 2016-2022, NHCSXH Phú Yên đã cho vay ưu đãi để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và cho vay đi lao động ở nước ngoài với tổng doanh số cho vay 852 tỉ đồng, với 24.677 lao động được vay vốn. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình, nhiều lao động đã tự tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, trong điều kiện phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, nguồn vốn chính sách được giải ngân kịp thời, trở thành điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn đầu tư mua sắm nguyên vật liệu, cây con giống để tham gia sản xuất, góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm còn giúp khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP… góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong bối cảnh toàn tỉnh đang quyết liệt triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm thì số hộ cần vốn giải quyết việc làm lại càng tăng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành liên quan và NHCSXH cũng như chính quyền địa phương hàng năm quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay để đáp ứng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị mở rộng đối tượng vay vốn để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm, mỗi ngày chúng tôi ký giải quyết hơn 100 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều này cho thấy, việc được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH |
Kỳ 2: Trao “cần câu” giúp người lao động xuất ngoại
LÊ HẢO - KIM CHI