Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào mỗi người dân trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
KỲ 1: Thắt chặt tình làng, nghĩa xóm
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ra đời theo Nghị quyết 04 ngày 1/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống tốt đẹp để xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ trong thời kỳ mới.
“Từ nhiều năm nay, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp, bởi phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ngày hội không chỉ là ngày vui thắt chặt tình làng nghĩa xóm mà còn là dịp để đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân”.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã khẳng định như vậy tại hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức nhân kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hàng năm. Trong những năm qua, cứ tới tháng 11, hơn 600 khu dân cư trên địa bàn tỉnh lại rộn ràng tổ chức ngày hội này.
Bà Phạm Thị Lan Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cho biết: Tại ngày hội, cán bộ, công chức và người dân khu dân cư cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; đánh giá kết quả 1 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phương hướng nhiệm vụ nâng cao hiệu quả cuộc vận động này trong năm tới; biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu trong năm; phát động thi đua và đăng ký các danh hiệu thi đua cho năm tới. Bên cạnh đó, người dân các khu dân cư còn tham gia thảo luận về kết quả của cuộc vận động, những vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết để phù hợp với điều kiện thực tế ở khu dân cư. Cũng tại ngày hội, các khu dân cư tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, hấp dẫn tạo khí thế thi đua sôi nổi như trò chơi kéo co, bịt mắt đập ấm, bịt mắt bắt vịt, nhảy thụng, chuyền nước, chuyền bột, đi xe đạp chậm, bóng chuyền... Ngày hội còn tổ chức lồng ghép với các hoạt động như dọn vệ sinh môi trường, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, người nghèo, người khó khăn tại địa phương, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, xây dựng nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa…
Một điểm nhấn đặc biệt trong ngày hội là bữa cơm đoàn kết. Khi xong phần lễ và phần hội, những mâm cơm được dọn ra, mọi người già trẻ, gái trai cùng nhau quây quần, ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Đây là nét văn hóa được nhiều khu dân cư duy trì trong nhiều năm qua. Từ những bữa cơm đoàn kết, cùng thưởng thức những món ăn bình dị nhưng thấm đượm tình làng nghĩa xóm này, người dân càng hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn; những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhặt ngày thường được tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) cho hay: “Bữa cơm đoàn kết được tổ chức từ nguồn đóng góp của bà con ở khu dân cư. Thông qua bữa cơm đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong khu dân cư càng thêm thắt chặt để rồi mỗi người tiếp tục phát huy, ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Người dân khu dân cư Lê Duẩn, phường 7 (TP Tuy Hòa) hào hứng biểu diễn văn nghệ tại ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: THÚY HẰNG |
Thu hút người dân tham gia
Sau 1 năm, người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố lại có dịp cùng ngồi lại chia sẻ những câu chuyện xóm làng, cùng đánh giá lại những kết quả thực hiện cuộc vận động, đánh giá những kết quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương. Với những ý nghĩa và mục đích tốt đẹp như vậy, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trong tỉnh đã thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm ở khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến những ngày đầu tháng 11 là người dân chúng tôi háo hức chờ đón ngày hội. Bởi qua đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, thêm gắn bó tình làng nghĩa xóm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”. Còn bà Lê Thị Nhinh, 60 tuổi, ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) nói: Năm nào tôi cũng tham gia ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Không chỉ tôi mà hầu hết bà con đều nhiệt tình hưởng ứng. Từ việc vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà văn hóa, luyện tập văn nghệ, đến vận động quyên góp kinh phí để tổ chức bữa cơm đoàn kết…, ai cũng muốn góp chút công sức để ngày hội diễn ra suôn sẻ, đúng ý nghĩa là ngày hội của toàn dân.
Theo các địa phương, từ việc thực hiện tốt ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng đã phát huy hiệu quả, được thể hiện rõ trong từng gia đình và trong khu dân cư, những tệ nạn xã hội đã giảm hẳn, các mâu thuẫn trong gia đình, thôn xóm về cơ bản được giải quyết thông qua công tác hòa giải tại cơ sở.
Việc xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các phong trào thi đua yêu nước trọng tâm như cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nay là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với các phong trào Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế…
Các phong trào, cuộc vận động đã kết hợp hài hòa được nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; Nhân dân được hưởng thụ những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, sự tham gia đông đủ của người dân tại ngày hội đã tạo điều kiện để cán bộ MTTQ làm tốt cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
KỲ CUỐI: Tôn vinh sức mạnh cộng đồng
Hàng năm, hơn 600 khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trang trọng, trên tinh thần vui vẻ, phấn khởi. Các hoạt động từ phần lễ và phần hội được đông đảo người dân hưởng ứng. Ngày hội không chỉ đem đến không khí đầm ấm, hòa thuận, thắt chặt thêm tình đoàn kết ở cộng đồng khu dân cư mà còn là nơi để người dân phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau chung sức, chung lòng vượt qua những khó khăn để thực hiện tốt hơn các cuộc vận động, các phong trào của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh |
THÚY HẰNG