Thứ Năm, 21/11/2024 23:01 CH
Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số
Thứ Năm, 06/10/2022 09:43 SA

Đại diện Phòng VH-TT huyện Tuy An hướng dẫn đội ngũ công chức phụ trách bộ phận một cửa việc số hóa kết quả thủ tục hành chính. Ảnh: THỦY TIÊN

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm 2022 là năm tổng tấn công về chuyển đổi số (CĐS). Đến nay, các bộ, ngành địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình về CĐS; người dân tập trung sử dụng các nền tảng số có sẵn, còn các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đi từng ngõ, gõ từng nhà để giúp người dân lên môi trường số.

 

Tập trung chuyển đổi số

 

Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chủ trương, đường lối CĐS đến cách làm đều khá rõ: “Muốn làm một việc lớn, lâu dài thì đường lối, lý luận phải rõ. Lý luận về con đường CĐS Việt Nam đang ngày càng rõ”.

 

Bộ trưởng quán triệt một số nội dung quan trọng liên quan đến CĐS Việt Nam, đó là phải phân biệt sự khác nhau giữa công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS. Cụ thể CĐS là chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng; CĐS mang lại giá trị cho người dùng cuối nên phải lấy người dùng làm trung tâm, làm ra các sản phẩm cụ thể để người dùng có thể thấy được hiệu quả. Còn CNTT chủ yếu mang lại giá trị cho nhà quản lý, đối tượng phục vụ là nhà quản lý. CĐS là phải chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị, CĐS giúp đo lường được các giá trị ấy để thấy được hiệu quả, nếu gặp các giá trị vô hình thì phải lượng hóa chúng. Bên cạnh đó, khi thực hiện CĐS cần chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng dùng chung, bởi nền tảng số đơn giản tới mức không cần qua quá trình đào tạo nữa. Các bộ, ngành địa phương khi làm việc gì về CNTT cũng cần lưu ý là có làm theo dạng nền tảng được không.

 

Nội dung tiếp theo là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc. CNTT như một công cụ tự động hóa, làm việc cũ với cách cũ, công cụ mới. Nhưng CĐS thì xuất phát từ việc người đứng đầu muốn thay đổi, muốn làm việc gì; chuyển từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện. Khi thực hiện CĐS hãy đặt mục tiêu 100% và tìm ra cách làm, như vậy mới có thể tạo ra giá trị, đây là một vấn đề khó. Việc cần làm trước tiên là chuyển từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây, việc đẩy nhanh lên đám mây là một trong những cách thúc đẩy CĐS. Ngoài ra còn cần chuyển từ đầu tư sang thuê, chuyển sang thuê nhiều hơn chứ không phải bỏ hẳn đầu tư; chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ; chuyển trọng tâm từ tổ chuyên gia sang tổ dịch vụ cộng đồng.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, hầu như mọi thứ đều đã có sẵn, do đó, việc hướng dẫn sử dụng quan trọng hơn việc làm ra nó, đó là vì sao phải tập trung chuyển sang tổ CNSCĐ. Hiện có nhiều công ty ít nhân sự, do đó, tổ CNSCĐ cần hoạt động, giới thiệu để các công ty nhỏ có thể sống được. Đây chính là nhóm thúc đẩy sự sáng tạo Việt Nam vô cùng lớn bởi nếu không có tổ CNSCĐ thì các công ty nhỏ ít có cơ hội để phát triển.

 

Bộ trưởng TT-TT cũng cho rằng, chúng ta phải tư duy ngược, cần tư duy theo cách một người dùng, sau đó đi đặt hàng. Đó là chuyển từ hệ thống CNTT sang môi trường làm việc số, tư duy làm việc, tương tác ở trên đó. Khái niệm môi trường làm việc số rộng lớn hơn hệ thống CNTT, chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa. Cuộc cách mạng 4.0 mang đến nỗi lo thất nghiệp, mất nghề; CĐS đặt ra vấn đề khác, ai làm việc nào cứ làm việc đó, nhờ công nghệ số mà thông minh hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn. Như vậy, “CĐS bao gồm CNTT cộng với số hóa toàn diện, dữ liệu, đổi mới sáng tạo và các công nghệ số khác nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Chỉ thành công khi người dân hiểu

 

Theo Bộ TT-TT, thực tế triển khai CĐS thời gian vừa qua cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân CĐS, trong đó có sáng kiến thành lập tổ CNSCĐ. Điển hình như Lạng Sơn đã thành lập tổ CNSCĐ tại 11/11 huyện, 200/200 xã với hơn 1.700 tổ, 7.887 thành viên tham gia. Tổ CNSCĐ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

 

Trên cơ sở thực tế triển khai, Cục CĐS quốc gia (trước đây là Cục Tin học hóa) - Bộ TT-TT đã tham mưu lãnh đạo bộ ban hành một số văn bản quan trọng để triển khai tổ CNSCĐ tại các địa phương, tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng tập huấn, tuyên truyền, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC) để tổ CNSCĐ triển khai tại các địa phương.

 

Về hoạt động tổ CNSCĐ tại các địa phương, ngày 18/3/2022, Cục CĐS quốc gia đã thành lập 6 nhóm zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp thường xuyên những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ những địa phương thực hiện tốt công tác triển khai tổ CNSCĐ. Đầu mối 63 tỉnh, thành phố tiếp tục lan tỏa và truyền tải đến các thành viên CNSCĐ tại địa phương mình cùng phổ biến, tuyên truyền, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về các tài liệu được Bộ TT-TT hướng dẫn. Đến nay, 52/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 48.538 tổ CNSCĐ với 225.417 thành viên tham gia cấp xã, thôn, phố.

 

Theo Bộ TT-TT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek