Thứ Hai, 06/05/2024 21:01 CH
Nâng tầm chợ nông thôn mới (Bài 1)
Thứ Hai, 02/11/2020 07:00 SA

Tiểu thương tại chợ Hòa Đồng, huyện Tây Hòa được mua bán ở khu vực cao, trưng bày hàng hóa trên nền chợ sạch sẽ, khô ráo. Ảnh: KHANG ANH

Hoàn thiện hạ tầng kết hợp với chuyển đổi mô hình quản lý chợ là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm tạo điều kiện để các chợ truyền thống từng bước văn minh thương mại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Đây cũng là mô hình được các cấp chính quyền quyết liệt triển khai, hướng đến đạt tiêu chí về hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn (chợ nông thôn) - 1 trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); đồng thời giúp các địa phương kiên cố chợ nông thôn, ổn định hoạt động mua bán cho người dân trên địa bàn.

 

BÀI 1: “Xóa” chợ tạm, xuống cấp

 

Không còn xập xệ, chật hẹp…, giờ đây các chợ nông thôn ở Phú Yên đã được sửa chữa, đầu tư xây dựng mới khang trang; tiểu thương thuận tiện trưng bày, bố trí hàng hóa, còn người dân thì thoải mái mua hàng. Niềm vui cũng được nhân lên khi chính quyền các địa phương, ban quản lý chợ, người dân phát huy trách nhiệm, đồng tình, quyết tâm hướng đến xây dựng đúng tiêu chí chợ nông thôn.

 

Phấn khởi khi có chợ mới

 

Theo bà Huỳnh Thị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), trước đây mỗi khi vào mùa mưa, bà luôn thấp thỏm vì sợ chợ dột nước làm ướt hàng… Nỗi lo rồi cũng đến lúc vơi, khi chợ cũ đã được xây mới. “Tôi và nhiều người dân khác trên địa bàn xã vui mừng khi chợ xã được xây dựng kiên cố. Khu vực chợ mới gần đường, hoạt động mua bán tấp nập, hiệu quả hơn. Tôi phấn khởi vì chính quyền địa phương đã quan tâm, thực hiện được mong muốn có chợ mới của người dân trong xã”.

 

Những năm trước, chợ xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) là chợ tạm, phục vụ hơn 20 hộ kinh doanh và chỉ hoạt động buổi chiều. Sau đó, chợ tiếp tục phát sinh một số hộ dân tập kết hàng hóa, bán phía bên ngoài, có khi lấn chiếm ra ngoài đường. “Vì số lượng người mua bán quá đông nên đến năm 2015, xã xin chủ trương xây dựng chợ mới và được chấp thuận. Năm 2016, chợ hoàn thành với tổng diện tích 4.900m2, kinh phí gần 4 tỉ đồng. Khu vực bên trong chợ chính có 24 ki ốt (10m2/ki ốt) và phía ngoài 36 ki ốt (12m2/ki ốt), còn lại là lều tôn. Bên trong chợ có gần 150 hộ kinh doanh cố định. Chợ Hòa Đồng xây dựng mới đã góp phần vào việc giúp xã hoàn thành tiêu chí NTM vào năm 2016, phục vụ tốt nhu cầu mua bán của người dân địa phương”, ông Đinh Ngọc Sum, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng cho biết.

 

Đến chợ mới xã An Phú (TP Tuy Hòa) hôm nay, chắc ai cũng ngạc nhiên với sự tấp nập của hàng hóa và lượng người mua bán, khác hẳn với ngôi chợ xuống cấp từ nhiều năm trước. Những hộ bán thực phẩm tươi sống, hàng chế biến sẵn, hay tạp hóa, quần áo... đều được bố trí theo từng khu vực. “Trời mưa, người dân không còn cảnh lội nước mua hàng. Giờ mỗi khi đi chợ, tôi thấy yên tâm nhiều”, bà Lê Thị Hân, một người dân ở đây nói.

 

Theo bà Trần Thị Tú Hà, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, đáp ứng mong mỏi của người dân, chợ mới hình thành trên diện tích 388,5m2, rộng gấp 3 lần chợ cũ. Chợ nằm ở khu vực trung tâm, các tuyến đường xung quanh đều được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân trong xã và các vùng lân cận. Nhờ có chợ khang trang mà năm 2015, xã An Phú đủ điều kiện thực hiện các tiêu chí NTM.

 

Ở TX Sông Cầu, nhắc đến chợ, phải kể đến chợ Gò Duối (xã Xuân Lộc). Chợ này được xây dựng trên diện tích 2,7ha với kinh phí đầu tư 8,6 tỉ đồng, có quy mô gần 200 gian hàng. Chợ có đủ các hạng mục như nhà lồng, khối thực phẩm tươi sống, các sạp, ki ốt xung quanh chợ, nhà quản lý, khu vệ sinh công cộng, đường nội bộ,… phát huy hiệu quả khai thác. Theo chính quyền địa phương, toàn thị xã có 16 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 2; 5 chợ hạng 3 và 9 chợ tạm với khoảng 1.690 tiểu thương buôn bán, mưu sinh. Thời gian qua, TX Sông Cầu đã di dời, xây dựng 7 chợ trong số này và nâng cấp, mở rộng 3 chợ: Xuân Cảnh, Triều Sơn và chợ cá Hòa Lợi. Hoạt động của các chợ này đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống của người dân.

 

Nỗ lực đạt mục tiêu

 

Ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Thực hiện quy hoạch hạ tầng thương mại tại địa phương, trong số các chợ trên địa bàn, địa phương quan tâm hơn hết đối với những chợ xây dựng từ rất lâu, chợ cũ kỹ, hạ tầng cơ sở xuống cấp, không đảm bảo hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. Với mục tiêu kiên cố chợ nông thôn, chính quyền từ huyện đến xã quyết tâm hoàn thành mục tiêu, tận dụng hết nguồn lực có thể để đầu tư xây dựng chợ mới, sửa chữa, nâng cấp chợ cũ. Cho đến nay, các chợ đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở và đi vào hoạt động ổn định; góp phần tạo diện mạo nông thôn mới khang trang trên địa bàn huyện Tây Hòa.

 

Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng NTM, nên công tác đầu tư xây dựng chợ trong thời gian này cũng được các địa phương quan tâm, đầu tư. Kết hợp nguồn vốn Nhà nước, xã hội hóa, đa số các chợ đạt tiêu chí NTM đều qua sửa chữa nhỏ, nâng cấp hoặc xây mới. Qua đó cho thấy sự nỗ lực, quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng chợ khá lớn. Hệ thống chợ trên toàn tỉnh đã được đầu tư khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, làm thay đổi diện mạo hạ tầng thương mại nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Thực hiện Kế hoạch 51/KH-UBND của tỉnh về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2010-2020, ngành Công thương đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sở đã hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn tại các xã đã đăng ký về đích theo kế hoạch hàng năm. Phần lớn các chợ nông thôn nằm ở vị trí trung tâm, giao thông tương đối thuận lợi giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

 

Theo Sở Công thương, từ năm 2011-2020, tổng vốn đầu tư xây dựng chợ là 117,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 17,8 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 79 tỉ đồng, vốn khác hơn 20,3 tỉ đồng. Một số địa phương có 100% chợ chuyển đổi được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như TX Đông Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân.

 

KỲ CUỐI: Hướng đến chợ văn minh 

 

Các địa phương đã tập trung bố trí ngân sách để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ truyền thống theo tiêu chí NTM. Đến nay, tỉnh có 74/88 xã đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 84% so với tổng số xã trên địa bàn. Quy hoạch đến năm 2030, Phú Yên phấn đấu có tất cả 141 chợ, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng chợ cho giai đoạn từ năm 2021-2030 khoảng 205 tỉ đồng.

 

Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek