Thứ Hai, 27/05/2024 16:35 CH
Xã nông thôn mới bên dòng sông Cái
Thứ Sáu, 14/08/2020 13:00 CH

Đảng bộ và nhân dân xã An Thạch đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: THÙY THẢO

Trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), điều kiện tiên quyết không hẳn phải có xuất phát điểm thuận lợi, mà quan trọng là sự đồng lòng giữa ý Đảng - lòng dân. Cán bộ tận tụy, ắt nhân dân tin tưởng, toàn tâm toàn ý cùng vượt khó xây dựng quê hương. Bài học đó được rút ra từ việc về đích NTM ấn tượng của xã nghèo An Thạch, huyện Tuy An.

 

BÀI 1: Khi ý Đảng lòng dân cùng một hướng

 

Từ một xã nghèo, An Thạch đã trở thành xã thứ 9/15 của huyện Tuy An đạt chuẩn NTM, nhờ biết dựa vào dân, khơi sức dân và cùng nhân dân chung sức, chung lòng.

 

Sửa đổi lối làm việc của cán bộ

 

Tháng 9/2017, ông Ngô Tấn Lang, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy An, được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã An Thạch trong sự kỳ vọng của lãnh đạo huyện nhằm tăng cường sức mạnh cho xã này. Nhận nhiệm vụ mới, ông Lang vắt óc suy nghĩ tìm phương cách, nhiều lần tổ chức họp ban chấp hành đảng ủy xã, lắng nghe ý kiến từ các chi bộ trực thuộc, từ những đảng viên không chức vụ và cả tâm tư nguyện vọng của người dân... “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, để dân tín, dân tin, cán bộ phải gương mẫu. Do đó, phải bắt đầu từ công tác xây dựng cán bộ, lồng ghép nhiệm vụ chính trị với đánh giá năng lực, đạo đức cán bộ! Cán bộ đảng viên vẫn còn nhiều sức ì, chưa đổi mới phong cách, lối làm việc; năng lực, hiệu quả lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phải chấn chỉnh lối làm việc, nâng cao năng lực công tác”, Bí thư Đảng ủy xã An Thạch Ngô Tấn Lang nói.

 

Nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu lúc này của An Thạch là xây dựng NTM. Từng cán bộ đảng viên, từng tổ chức, đoàn thể đều được phân công, phân nhiệm gắn với lĩnh vực phụ trách. “Những cán bộ đứng đầu phải tiên phong gương mẫu. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với từng nhiệm vụ công việc cụ thể”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạch Lê Anh Nhật cho biết thêm.

 

Trước đây, có việc gì người dân phải đến với chính quyền, khi triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM thì khác. Từ cán bộ phụ trách địa bàn, đến thường trực đảng ủy, UBND xã thường xuyên đến từng nhà dân để nói chuyện, vận động, họp xóm, bàn và giải quyết các vấn đề cụ thể. Cách làm việc tận tụy ấy của cán bộ giúp người dân tin tưởng, dốc hết sức mình cho công việc chung.

 

Những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn trên cánh đồng được làm từ sức dân. Ảnh: THÙY THẢO

 

Những con đường từ sức dân

 

Cách đây chừng vài năm, khi những cơn bão đổ bộ xuống các vùng quê Tuy An, trong đó có An Thạch, nhiều thôn xóm ở đây lầy lội, ngập lụt thậm chí bị chia cắt thời gian dài. Cư dân An Thạch ở một bên sông Cái, một bên là đồng ruộng trũng thấp, thậm chí nhiều xóm nhà rải rác xen giữa đồng ruộng, nên đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Ngoại trừ vài trục đường chính, các con đường vào xóm đều là “bờ ruộng cái” nên cảnh lụt lội, chia cắt gần như diễn ra thường xuyên.

 

Trong 19 tiêu chí NTM, với An Thạch, tiêu chí số 2 về giao thông là khó khăn nhất. Khó khăn vì đời sống, thu nhập của người dân còn thấp, việc đóng góp một khoản tiền để xây dựng đường bê tông nông thôn theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng không dễ. Nhiều cuộc vận động được triển khai, lúc đầu gặp không ít trắc trở, không chỉ vì số tiền người dân phải đóng góp mà còn bởi phải vận động nhiều hộ hiến đất mở rộng mặt đường, nắn lại khúc cua. Nhưng với sự tận tụy của cán bộ, công khai minh bạch tài chính và “lợi ích thấy rõ”, từng con đường bê tông dần hoàn thành trong niềm hân hoan phấn khởi của trăm họ. Một khó khăn mới lại phát sinh, sau khi hoàn thành xong những con đường Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhiều “đường xương cá”, “đường bờ ruộng” cũng cần được bê tông, để đảm bảo nhu cầu đi lại của các hộ dân trong vùng.

 

Phải bê tông tất cả những con đường dân sinh dù chỉ vài hộ - đó là quyết tâm của toàn xã An Thạch lúc bấy giờ. Có ít nhất 12 tuyến đường dân sinh mà người dân phải đóng góp kinh phí 100% (vì đường nhỏ, không đủ tiêu chí hỗ trợ của chương trình). Tuy mong muốn tha thiết, nhưng tài chính của người dân thì eo hẹp. Vì vậy, đảng ủy lại họp, lại bàn và phân công từng người xắn tay vào vận động các nguồn lực cùng với người dân làm cho được những con đường. “Dân cần thì cán bộ phải có, dân khổ cán bộ phải lo. Tinh thần ấy được quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên ở An Thạch”, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang nhớ lại.

 

Con đường vào xóm Gò Miễu, thôn Phú Thịnh là sự khởi đầu cho việc thực hiện những con đường 100% sức dân và vận động xã hội hóa. Tổng chi phí cho con đường dài gần 200m khoảng 74 triệu đồng, nếu chia đều cho 11 hộ, mỗi hộ hơn 7 triệu đồng, một con số quá lớn mà hộ khá nhất cũng không thể kham nổi. Bởi trong 11 hộ xóm Gò Miễu đã có đến 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, rồi hộ người già, hộ có người bệnh tật kinh niên… Nhiều người thở dài, buông giấc mơ về con đường bê tông dẫn vào xóm. Đảng ủy xã phân công từng người tham gia vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài xã, người hỗ trợ tiền, người hỗ trợ cát, sạn, xi măng... Các tổ chức đoàn thể thì chuẩn bị nhân công để trực tiếp thi công con đường. Kết quả sau vận động, mỗi hộ đóng góp chưa tới 3 triệu đồng và một con đường mơ ước thành hiện thực! Bà Trương Thị Nhơn nói: “Thật là mừng, mấy chục năm rồi xóm Gò Miễu mới có con đường đàng hoàng, từ nay người dân xóm này không phải lo bị trượt ngã khi đi lại vào mùa mưa nữa. Chúng tôi làm được con đường để lại cho con cháu, tuổi già ra đi cũng không lo!”.

 

Sau khi con đường xóm Gò Miễu hoàn thành, nhiều xóm khác cũng gửi “tâm thư” lên UBND xã. Những con đường ở đội 5 (thôn Phú Thịnh), xóm Cô nhi viện Mằng Lăng (thôn Hội Tín) và nhiều xóm khác lần lượt được triển khai. Khánh thành tuyến đường, kéo điện ngay theo chương trình thắp sáng đường quê, trên gương mặt những người nông dân lấm láp bùn quê lấp lánh niềm vui khôn tả.

 

“Khi làm đường dân sinh, nhiều hộ dân không chỉ góp tiền, góp công mà còn sẵn sàng hiến đất ruộng, vườn nhà để con đường đủ rộng và thẳng tuyến. Toàn xã có 55 tuyến đường với tổng chiều dài 23,24km. Tổng kinh phí thực hiện 23 tỉ đồng, trong đó kinh phí huy động từ nhân dân đóng góp 6,9 tỉ đồng; tổng số diện tích nhân dân hiến để làm đường gần 12.000m2. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân tham gia thắp sáng đường quê, xây dựng các tuyến điện trong xã với tổng chiều dài 8,4km, 201 bóng điện, kinh phí 166 triệu đồng...”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch Lê Văn Lang cho biết.

 

Bài cuối: Xây dựng nông thôn mới - lòng dân phơi phới

 

Tôi thật sự ấn tượng trước sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân An Thạch trong công cuộc xây dựng NTM. Là một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn, chỉ đạt 4/19 tiêu chí năm 2011 nhưng với quyết tâm cao, Đảng bộ và chính quyền xã An Thạch đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí NTM. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể; sản xuất nông nghiệp phát triển với nhiều mô hình trồng cây ăn quả, chuyên canh hoa màu, nuôi bò sinh sản... hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về Vũng La
Thứ Tư, 12/08/2020 13:00 CH
Ea Lâm hôm nay
Thứ Hai, 03/08/2020 07:00 SA
Đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Thứ Tư, 29/07/2020 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek