Thứ Hai, 27/05/2024 19:21 CH
Xã nông thôn mới bên dòng sông Cái (tiếp theo bài 1)
Thứ Bảy, 15/08/2020 07:00 SA

Sản phẩm nông nghiệp nông thôn rượu nếp truyền thống Bách Nhật của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung. Ảnh: THÙY THẢO

BÀI CUỐI: Xây dựng nông thôn mới - lòng dân phơi phới

 

Nông thôn mới với người dân xã An Thạch (huyện Tuy An) là những con đường quê được thắp sáng, không còn lầy lội, ngập lụt, là những vụ mùa bội thu, những mô hình làm ăn hiệu quả... Và trong câu chuyện thường ngày của những người dân chân chất, họ đang bàn bạc, nghĩ tới những mô hình tổ hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

 

An Thạch trước đây từng là làng mạc trù phú bên bờ sông Cái, quê hương của gốm Quảng Đức nổi tiếng cả nước. Nơi đây là quê hương của Á thánh An rê gắn liền với Nhà thờ Mằng Lăng; chùa Cổ Lâm - Hội Tôn, nơi tu tập đầu tiên của Thiền sư Liễu Quán; nơi có trên 500 ngôi mộ cổ trên núi A Man... Chiều sâu trầm tích văn hóa ấy đã và sẽ tiếp thêm tinh thần cho người dân An Thạch trong hành trình xây dựng NTM nâng cao.

 

Vùng quê thay áo mới

 

Dễ nhận thấy nhất trong kết quả xây dựng NTM xã An Thạch là hệ thống giao thông nông thôn. Những con đường chính của xã, liên thôn đã được bê tông và mở rộng nối liền từ khu dân cư xa nhất đến trung tâm. Đặc biệt, những con đường “xương cá”, đường bờ ruộng giờ cũng được bê tông hóa, không phải lo cảnh lầy lội, gập ghềnh. Ven đường, người dân tự giác dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, trồng những khóm hoa tươi màu làm cho đường làng thêm thơ mộng. Ông Lê Văn Lang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch, cho biết: Từ năm 2018, mặt trận và các đoàn thể phát động nhân dân thi đua trồng cây xanh trong khuôn viên UBND xã, trường, trạm, ven các tuyến đường, trước sân nhà. Ngoài đồng ruộng thì vận động nông dân lắp đặt các bể chứa rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trong thôn xóm (những nơi không triển khai được dịch vụ thu gom rác thải) thì xây dựng mô hình hố rác di động đặt tại các hộ gia đình, giúp bà con tự xử lý rác thải, bảo vệ môi trường...

 

Các tiêu chí điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... đều được đầu tư xây dựng đạt tiêu chí theo quy định. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể nhờ áp dụng các mô hình sản xuất tiến bộ, hiệu quả, như: Trồng sen lấy hạt, nuôi cá rô đồng trong ruộng lúa, nuôi cá trê lai thương phẩm, trồng cây ăn quả giống cao sản... HTX Nông nghiệp An Thạch từng ngày đổi mới trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, trang bị nhiều máy móc phương tiện hiện đại như: máy gặt đập liên hợp, rơ moóc máy kéo, máy cày, máy cuốn rơm, sử dụng giống lúa thuần chủng, áp dụng sạ thưa sạ hàng đã mang lại hiệu quả khi năng suất lúa bình quân trên địa bàn đạt gần 80 tạ/ha, đứng đầu toàn huyện. Ông Lê Văn Hải (thôn Hội Tín) phấn khởi: “Mấy năm nay, chúng tôi triển khai mô hình nông nghiệp tổng hợp, trồng mít, thơm, xoài, mãng cầu, mít thái, la-gim. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình, việc sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn trước”.

 

Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người xã An Thạch đạt gần 38,3 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,98%. Kết quả này là một bước phát triển mạnh mẽ, khi trước đó 2 năm (2017), tỉ lệ hộ nghèo cả xã là 13%.

 

“Chương trình NTM đã và đang thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn xã An Thạch. Tuy nhiên, hiện mức thu nhập bình quân chỉ mới vượt tiêu chuẩn đôi chút, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn, đây là những điều mà chúng tôi luôn trăn trở”, Chủ tịch UBND xã An Thạch Lê Anh Nhật tâm tư.

 

Lương - giáo đoàn kết

 

An Thạch là một địa bàn dân cư đặc biệt. Cả xã có đến 62% dân số là tín đồ các tôn giáo. Trong đó, Thiên Chúa giáo chiếm 33,19% (586 hộ), Phật giáo chiếm 25,94% (450 hộ), còn lại là đạo Cao Đài và Tin Lành. Nhưng dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo thì đều có mục tiêu chung là xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.

 

Trong ngày vui An Thạch đón nhận quyết định xã đạt tiêu chuẩn NTM, mọi người thấy cả linh mục, mục sư, sư trụ trì đều có mặt. “Vì trong công cuộc xây dựng NTM, chính quyền địa phương đã huy động tổng lực từ nhà chùa đến nhà thờ, cùng tham gia hỗ trợ vật chất, quan trọng hơn là vận động con chiên, đạo hữu của mình tích cực làm những việc có lợi cho cộng đồng”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch Lê Văn Lang vui vẻ cho biết.

 

Ông Nguyễn Ngọc Chung, giáo dân ở thôn Hội Tín chia sẻ: Kính Chúa hay thờ Phật là niềm tin tôn giáo của mỗi người. Điểm chung là mỗi người ai cũng cần chung tay xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

 

Gia đình ông Chung là một trong những hộ dân có mô hình làm kinh tế gia đình hiệu quả trong cuộc vận động xây dựng NTM của xã. Trước đây, nhà ông Chung nấu rượu, nuôi heo. Mấy năm trở lại đây, ông làm thêm việc ủ rượu nếp theo phương thức truyền thống. Sản phẩm rượu nếp Bách Nhật của gia đình ông làm ra không kịp để bán. Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương, vợ ông Chung, cho biết: “Ủ rượu nếp kiểu truyền thống cần có thời gian rất lâu, vì cơm nếp sau khi ủ men để tự ra rượu, nhỏ từng giọt như nước mắm nhĩ, sau đó đem rượu chôn xuống đất ít nhất 3 tháng 10 ngày (100 ngày - bách nhật) mới đem ra dùng. Vì thế, chất lượng rượu rất ngon, nam nữ đều dùng được. Mùa Tết, nhà tôi làm ra hơn 500 lít mà vẫn không đủ bán”.

 

Câu chuyện làm rượu nếp Bách Nhật của vợ chồng ông Chung chắc chắn sẽ còn dài và mở ra con đường lớn, khi ông trăn trở: “Tôi muốn du khách có thể vào tham quan quy trình ủ rượu, hầm rượu, có nơi để thư giãn. Hơn thế, ở xóm đạo này nhiều nhà làm các sản phẩm bán cho khách du lịch như: bánh ít lá gai, bánh tráng kẹo dừa, đậu phộng... hay rượu nếp nhà tôi chẳng hạn, mình có thể liên kết lại để làm ăn theo kiểu tổ hợp tác, như vậy xóm làng có thể đoàn kết giúp nhau mà không lo cạnh tranh”.

 

Hướng tới mục tiêu NTM nâng cao

 

Đạt chuẩn NTM đối với An Thạch là một câu chuyện vượt khó, nỗ lực hơn bình thường của cả Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, từng cán bộ đảng viên, nhân dân nơi đây. Thế nhưng, những chỉ tiêu đạt được của An Thạch mới ở ngưỡng vừa đủ, mà cuộc sống luôn đòi hỏi và hướng tới những mốc cao hơn. Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang chia sẻ: “Chúng tôi đưa mình vô tư thế của một vận động viên leo núi, từng bước, từng bước một chinh phục các mục tiêu. Chinh phục được mục tiêu phía trước, ta lại có đích tiếp theo. Mục tiêu tiếp theo của An Thạch là vượt xa các tiêu chuẩn NTM, nhất là về tiêu chí hộ nghèo, thu nhập bình quân, mô hình phát triển kinh tế... để đời sống người dân tốt hơn nữa và đạt mức độ NTM nâng cao”.

 

Nhìn lại công cuộc xây dựng NTM xã An Thạch, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó, một bài học quan trọng đó chính là sức mạnh từ lòng dân và tinh thần hết sức hết lòng của cán bộ. “Chủ trương đúng, kế hoạch, phương án, mục tiêu cụ thể; vận dụng cách làm phù hợp, huy động sức mạnh cộng đồng; sự đồng thuận của người dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tâm huyết, hết sức hết lòng”, ông Ngô Tấn Lang khẳng định.

 

Rời An Thạch trong chiều muộn, ngoái lại nhìn những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn giữa làng mạc và đồng lúa đang thì con gái..., trong tôi hình dung một bức tranh quê căng tràn nhựa sống mới. Và rồi điện trên những đường quê bật sáng! 

 

An Thạch đã làm một cuộc “vượt vũ môn” xuất sắc. Xuất phát điểm thấp, nhưng bằng sự nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền, người dân đã chung sức, chung lòng về đích NTM. Phát huy kết quả đạt được, tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, khơi dậy sức dân, phát huy những tài nguyên tự nhiên, văn hóa đặc trưng, hy vọng trong tương lai không xa, An Thạch sẽ sớm hoàn thành những tiêu chí NTM nâng cao.

 

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xã nông thôn mới bên dòng sông Cái
Thứ Sáu, 14/08/2020 13:00 CH
Về Vũng La
Thứ Tư, 12/08/2020 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek