Xã Ea Lâm thành lập năm 1994, là một trong 11 xã, thị trấn của huyện miền núi Sông Hinh. Xã Ea Lâm có 5 buôn, với dân số 660 hộ (tương đương 3.408 người), trong đó dân tộc Ê Đê chiếm gần 90%. Từng được biết đến là “xã 7 không”, nhưng nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đến nay diện mạo của xã đổi thay vượt bậc.
Xây dựng xã từ không đến có
Xã Ea Lâm cách trung tâm huyện Sông Hinh hơn 35km về hướng bắc. Hơn 25 năm trước, nói đến địa danh Ea Lâm dù ai đã một lần đến hoặc chưa từng đến cũng đều biết xã này có biệt danh “xã 7 không” (không trụ sở, điện, đường, trường, trạm, nước sạch, công trình công cộng). Nhưng hiện nay, ai đến Ea Lâm thì sẽ thấy rõ diện mạo của xã đổi thay vượt bậc, cuộc sống người dân ổn định.
Từ quốc lộ 29 rẽ vào xã Ea Bá để đến xã Ea lâm dài hơn 17km, trước đây là đường đất sỏi gồ ghề, mùa mưa thì nhão nhoẹt, mùa nắng thì bụi mù, nay được thảm nhựa và bê tông bằng phẳng. Đặc biệt là hệ thống giao thông liên buôn đã được Nhà nước đầu tư bê tông, trong đó có đoạn đường đến khu sản xuất nông nghiệp của xã dài hơn 4km, làm cho người dân nơi đây rất phấn khởi. Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, chính quyền xã này tiếp tục đăng ký bê tông thêm 3,5km giao thông nông thôn trong năm 2020.
Không chỉ đường giao thông, hệ thống trạm bơm, kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất cũng được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng đến từng chân ruộng, từ đó giúp bà con thay đổi hình thức canh tác lạc hậu sang thâm canh cây lúa nước và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, lưới điện, chợ cũng được đầu tư xây dựng; từ một xã không có lớp học, tỉ lệ người dân mù chữ ở mức cao, nay Ea Lâm đã có đầy đủ 3 bậc học từ mầm non, tiểu học và THCS, với trường lớp được xây dựng khang trang.
Mí Huynh (35 tuổi) ở buôn Bưng A phấn khởi: “Chúng tôi có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là nhờĐảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vật tư sản xuất. Cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, buôn làng ngày càng đổi mới, chúng tôi rất mừng”.
Ông Trần Minh Khai, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, khẳng định: “Có thể nói, những chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với sự đồng lòng của người dân đã tạo ra những đổi thay tích cực, giúp “xã 7 không” trở thành vùng quê no ấm như bây giờ”.
Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Đến thời điểm này, Ea Lâm đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm nay xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nữa; 5 tiêu chí còn lại sẽ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
Lãnh đạo UBND xã cho biết, cuộc sống của người dân địa phương này thay đổi là nhờ cây lúa nước. Vụ hè thu 2016-2017, xã chỉ có 3,4ha lúa nước, đến vụ đông xuân 2017-2018 tăng lên 7,7ha; đến nay là 110ha, sản lượng bình quân đạt 63 tạ/ha.
Ma Xanh (59 tuổi) ở buôn Học, chia sẻ: Trước đây, việc trồng trọt của bà con dựa vào nước trời, vụ mùa thất bát, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Từ khi có kênh mương thủy lợi, nước về tới chân ruộng; bà con lại được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, nhờ vậy mà gia đình nào cũng đủ lúa để ăn. Phấn khởi lắm.
“Đơn cử như gia đình tôi đây, được chính quyền xã hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, với 5 sào lúa nước, gia đình đã giải được bài toán thiếu ăn giáp hạt”, Ma Xanh bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Minh Khai nhờ có trạm bơm ở buôn Học mà từ đầu năm đến nay người dân xuống giống được 110ha lúa nước, hơn 984ha sắn và hàng trăm hécta cây trồng khác. Bên cạnh cây trồng, người dân trong xã cũng đã phát triển đàn bò, heo, dê, cá... để tăng thu nhập cho gia đình.
ChịHờDưng ở buôn Chao, hồhởi: Từ ngày chính quyền xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con có điều kiện phát triển sản xuất. Đường mở rộng, nông sản được thu mua kịp thời. Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, không thả rông như trước đây nữa. Ngoài nuôi heo, gia đình còn cải tạo hơn 0,5ha ao nuôi cá. Với hơn 50 con heo, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
“Có giai đoạn, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 50%, thu nhập người dân chỉ từ 9-10 triệu đồng/người/năm. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 16 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 12,4%. Chính quyền và nhân dân xã quyết tâm phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại để sớm về đích nông thôn mới”, ông Nguyễn Minh Khai quả quyết.
Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng xã Ea Lâm vẫn còn khó khăn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Để xã đạt các tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, mô hình hợp tác xã…, đòi hỏi sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm giúp đỡ xã trong phát triển kinh tế - xã hội, để sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như kế hoạch đã đềra.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
HOÀNG HÀ THẾ