Chủ Nhật, 19/05/2024 09:54 SA
Nghệ thuật bài chòi: Từ câu hát của lưu dân đến di sản nhân loại (kỳ 4)
Thứ Ba, 22/05/2018 08:31 SA

Liên hoan Dân ca bài chòi - sân chơi thú vị và ý nghĩa do VTV Phú Yên (nay là VTV Nha Trang) tổ chức mấy năm trước - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Bài cuối: Gìn giữ cho muôn đời sau

 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thông qua việc UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, cộng đồng thế giới tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại. Thủ tướng nhắc nhở rằng cùng với tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi trước quốc tế vì di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại.

 

Giữ ngọc dân gian

 

Say mê bài chòi - loại hình nghệ thuật vừa mang tính giải trí, sáng tạo cao, lại vừa gắn kết người dân lao động, các thế hệ nghệ nhân Phú Yên đã âm thầm gìn giữ, bồi đắp và truyền dạy cho lớp con cháu cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài chòi. Nỗ lực giữ gìn vốn quý của người xưa, phải kể đến Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, với các nghệ sĩ “có nghề” như Phạm Ngọc Sơn (khi đó là Chi hội trưởng), Nguyễn Phụng Kỳ, Vũ Hoài, Tống Phương Cơ, Đào Thị Thu Sen, Bình Thảng… “Từ những năm 2000, chi hội đưa sân khấu vào học đường, tổ chức giới thiệu, biểu diễn bài chòi, tuồng, cải lương tại một số trường học. Nếu học sinh, sinh viên ở đó có năng khiếu thì chúng tôi bồi dưỡng và các em cùng tham gia biểu diễn. Hoạt động này được duy trì trong gần 10 năm”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, nhớ lại.

 

Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Nha Trang - Khánh Hòa) cũng đã tích cực đồng hành với các địa phương góp phần gìn giữ nghệ thuật bài chòi, thông qua việc tổ chức một sân chơi thú vị dành cho những người mộ điệu. Liên hoan Dân ca bài chòi diễn ra lần đầu tiên vào năm 2013 tại Phú Yên, làm nức lòng những người say mê bài chòi ở các tỉnh trong khu vực, và được duy trì trong hai năm tiếp theo. Điều thú vị là chung kết liên hoan lần thứ hai được tổ chức tại TP Quy Nhơn, khi Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Bình Định cùng các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Khi đó, nhà báo Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc VTV Phú Yên, chia sẻ rằng đơn vị mong muốn góp phần vào việc giới thiệu, làm lan tỏa những giá trị độc đáo của bài chòi không chỉ cho công chúng trong nước mà cả bạn bè quốc tế, để họ biết bài chòi xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong khu vực từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Đưa bài chòi vào trường học

 

Một trong những cách thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi đó là truyền dạy cho lớp trẻ, đưa bài chòi vào trường học. Nhiều năm qua, có một nghệ nhân say mê và bền bỉ truyền dạy cho nhiều bạn trẻ và học sinh, đó là ông Bình Thảng, chủ một quán cà phê nhỏ ở khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa.

 

Một buổi sáng cách đây hơn 10 năm, ông Bình Thảng đến gặp thầy Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, trình bày ý định dạy bài chòi miễn phí cho học sinh. “Thật bất ngờ, sau khi nghe tôi trình bày, thầy Diêm gật đầu cái rụp, gọi ngay Bí thư Đoàn trường đến giao nhiệm vụ về tập hợp những em học sinh yêu văn nghệ, thích bài chòi để tôi dạy. Các lớp bài chòi ở trường này có khoảng 40-50 em, mỗi tuần học 2 buổi, gần đến kỳ thi thì giảm còn một buổi”, ông Bình Thảng kể về buổi đầu đưa bài chòi vào trường học.

 

Chúng tôi đến Trường THPT Nguyễn Văn Linh (thị trấn Hòa Hiệp Trung) một buổi chiều muộn, từ cổng trường đã nghe tiếng song loan gõ nhịp cùng với tiếng đàn sến. Lớp chỉ có 6 học sinh. Chừng như biết tôi đang thắc mắc, nghệ nhân Bình Thảng giải thích, hôm nay là buổi tăng cường dành cho các em trong đội văn nghệ của trường chuẩn bị hội diễn, còn lớp học bình thường thì đông hơn. Tiểu phẩm mà ông tập cho các em có nội dung phòng chống bạo lực gia đình, ca từ mộc mạc, gần gũi với đời sống được thể hiện qua 4 làn điệu cơ bản của bài chòi: xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò quảng. Giọng hát học trò trong trẻo, lanh lảnh vút cao. Giữa những câu hát, đoạn thoại, thầy Bình Thảng dừng tay đàn sến, chân nhịp song loan, nhắc nhở, uốn nắn và hát thị phạm cho các học trò.

 

Em Đặng Ngô Minh Hưng, học sinh lớp 11B1, cho biết: “Em học hát dân ca bài chòi từ những năm cấp 2 với thầy Bình Thảng. Càng học càng thích. Bài chòi giờ là niềm đam mê của em”.

 

Nghệ nhân Bình Thảng kể rằng từ thành công bước đầu tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh, ông tiếp tục đến Trường THCS Lương Tấn Thịnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung đặt vấn đề và được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi. Thầy hiệu trưởng Trần Cộng và thầy Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, bỏ tiền túi mua tặng ông chiếc loa “kẹo kéo”, mua đàn sến để ông tiện việc trao truyền nghệ thuật bài chòi cho học sinh.

 

Các lớp học đặc biệt rộn rã vào thứ năm hàng tuần, thu hút học sinh đam mê văn nghệ, yêu thích các làn điệu dân ca bài chòi theo học. Nhiều em trở thành hạt nhân trong phong trào văn nghệ ở trường, ở địa phương. Nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT đã phát huy năng khiếu văn nghệ của mình ở giảng đường đại học.

 

Ngoài hai lớp dạy hát dân ca bài chòi ở Trường THCS Lương Tấn Thịnh và Trường THPT Nguyễn Văn Linh, nghệ nhân Bình Thảng còn đặt vấn đề dạy bài chòi miễn phí cho học sinh ở một số trường trong huyện. Bên cạnh đó, ông thành lập CLB Đàn hát dân ca bài chòi ngay tại nhà mình để vừa sinh hoạt vừa dạy hát bài chòi cho những người yêu thích. “Dân ca bài chòi là vốn quý của ông cha, là niềm đam mê của tôi. Tôi rất sợ những câu hát điệu hò bị mai một. Mà, muốn bảo tồn thì phải truyền dạy cho lớp trẻ. Các em, các cháu hiểu được cái hay của dân ca bài chòi và hát được thì dân ca bài chòi mới không bị mai một”, nghệ nhân Bình Thảng chia sẻ.

 

Đến nay, một số trường học ở các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa... cũng mời nghệ nhân Bình Thảng đến dạy bài chòi cho học sinh. Mới đây, Phòng VH-TT huyện Tuy An mời ông về truyền dạy bài chòi cho học sinh, thanh thiếu nhi yêu thích bộ môn này. Phong trào học hát bài chòi trong chương trình ngoại khóa được nghệ nhân Bình Thảng mởrộng ra nhiều trường trong tỉnh.

 

Hơn chục năm được truyền dạy bài chòi, tập hát từ lúc học lớp 6, lớp 7, nhiều học trò của thầy Bình Thảng trở thành giọng ca trụ cột ở các câu lạc bộ, địa phương, đơn vị. Một vài học trò đặc biệt xuất sắc đã tiếp tục theo đuổi niềm đam mê, chọn con đường ca hát chuyên nghiệp.

 

*

* *

 

Sau hàng trăm năm, nghệ thuật bài chòi miền Trung, với điệu hát xuất phát từ câu chuyện đối đáp để giải khuây của lưu dân trên những chòi canh ruộng rẫy, với trò chơi dân gian náo nức lòng người mỗi khi Tết đến xuân về, với những vở diễn làm cho khán giả mộ điệu say mê… đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vốn quý của tiền nhân được trao truyền và gìn giữ bởi những con người bình dị, say đắm vẻ đẹp mộc mạc và chứa đựng nhân nghĩa, ân tình… khởi phát từ các làng quê.

 

Bảo tồn, phát triển vốn quý nghệ thuật bài chòi trong đời sống đương đại

 

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và đặc sắc của nhân dân miền Trung như đờn ca tài tử ở Nam Bộ. Loại hình nghệ thuật này do nhân dân lao động sáng tạo ra và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Hàng trăm năm qua, trò chơi bài chòi và hô hát bài chòi vẫn được lưu giữ trong dân gian, là nếp sinh hoạt văn hóa, món ăn tinh thần của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là trong các dịp lễ hội, tết nhất. Bên cạnh đó, mạch nguồn của bài chòi được phát triển lên tầm chuyên nghiệp, nghệ thuật sân khấu với loại hình ca kịch bài chòi.

 

Sau hàng trăm năm, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nghệ thuật bài chòi bám rễ và phát triển trên vùng đất miền Trung, trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc trưng phong cách văn hóa vùng Nam Trung Bộ.

 

Là cư dân miền Trung, chúng ta vinh dự, tự hào khi nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản văn hóa trăm năm của cha ông được tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ. Với tinh thần trách nhiệm của người dân miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung, chúng ta cùng chung tay, ra sức làm tốt công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi như giữ gìn vốn quý văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền của dân tộc.

 

UBND tỉnh sẽ có kế hoạch, chương trình cụ thể để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi trong đời sống đương đại, trong đó tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục sưu tầm, bổ sung, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi; tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật bài chòi; tập huấn, truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là đưa bài chòi vào trường học. Lâu nay, một số địa phương, nghệ nhân tâm huyết với bài chòi đã làm được điều này, bây giờ chúng ta tiếp tục nhân rộng, tổ chức một cách hệ thống, bài bản, đồng thời có chính sách tôn vinh, khen thưởng, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân bài chòi - những người có đóng góp lớn cho nghệ thuật bài chòi qua việc sáng tác lời mới, sáng tác kịch bản sân khấu, truyền dạy cho thế hệ trẻ...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

 

THU THỦY - PHƯƠNG TRÀ - TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek