Thứ Sáu, 11/10/2024 18:03 CH
Nghệ thuật bài chòi: Từ câu hát của lưu dân đến di sản nhân loại (kỳ 3)
Thứ Hai, 21/05/2018 14:00 CH

Bài ba: Hồn quê trong câu hát

 

Câu hát bài chòi như mạch suối nguồn để người dân Trung Bộ tỏ bày những tâm tư, tình cảm. Dẫu ở sân chơi dân gian hay trên sân khấu chuyên nghiệp, bài chòi luôn có sức hút bởi hết sức độc đáo và đặc sắc.

 

Không ít người đã cùng nhau nhắc nhớ và gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc để vào dịp tết nhất, hội hè, những làn điệu mộc mạc của quê hương miền Trung lại vang lên...

 

Đông đảo người dân xem hội bài chòi tại TP Tuy Hòa - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Nét độc đáo của một trò chơi dân gian

 

Ông Trần Đông ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) thường được bà con lối xóm gọi bằng cái tên thân thương là ông Dư. Tròn 10 năm làm anh Hiệu, ông Dư say mê, hào hứng xướng lên những câu bài chòi hóm hỉnh, lôi cuốn người nghe trong các dịp hội, lễ làng. Anh Hiệu - ông Dư cầm ống thẻ xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài và hô: Ôi chao quả thật lạ kỳ/ Thùng phuy sao lại biết đi giữa đường/ Khi không mà lại ngứa mồm/ Gặp tay sáu mập liệu hồn nghe không, là con sáu mập.

 

Theo ông Dư, chơi bài chòi xưa lắm công phu. Chòi được dựng cao khoảng 1,5m, có thang bắc lên. Ở trên chòi có đặt tấm đăng để chắn trước, mái được lợp chủ yếu bằng lá thiên tuế. Mỗi bên có 5 chòi, bên cạnh đặt một cái bàn, một cái phản và một cái trống to phục vụ bộ phận chức việc bán thẻ, lập hội... Đối diện là chòi trung dành cho người già và các vị chức sắc, phú hào trong làng. Mỗi lần mở hội, tiếng trống “thùng, thùng” rộn vang khắp làng, giục giã già trẻ gái trai xem hội. Ngày trước mở hội bài chòi, mỗi lần người ta chỉ bán một bộ 11 con bài lớn với 33 con bài nhỏ. Đến 10 lần như vậy là hết một hội và sau đó tiếp tục hội khác. Đặc biệt, bộ bài căn bản dựa trên bộ bài tam cúc của người Huế. Bộ bài này gồm 30 con, hai bên có 60 quân. Sau khi người chơi ngồi ngay ngắn trong chòi và buông rèm, ban tổ chức bắt đầu lập hội bằng cách ghi danh những người tiếp theo. Hiện nay, ở Phú Yên, chơi bài chòi chủ yếu dùng 11 thẻ cái, 33 thẻ bài con với 3 biến thể mới so với bộ bài gốc: ông ằm gồm có ằm trơn và ằm bâu, tứ cẳng gồm có tứ cẳng trơn và tứ cẳng bâu, cửu điều gồm có cửu điều trơn và cửu điều bâu.

 

Giữa nhịp sống hiện đại, hội bài chòi vẫn được những nghệ nhân nặng lòng và tâm huyết giữ gìn, vẫn có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, len lỏi và hiện hữu từ miền quê đến thành phố. Từ khi hội bài chòi được tổ chức hàng đêm tại Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa, khu vực này trở nên rộn ràng hơn. Màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn rực rỡ sắc màu, bà con kéo tới. Người đến chơi, người dừng chân ghé lại để thỏa trí tò mò... Khi anh Hiệu cất tiếng hô: Có chồng thì mặc có chồng/ Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh đưa/ Anh ơi, xin có đừng mơ/ Gái đâu, gái để anh đưa anh bồng, là con “bát bồng”, ai nấy đều im lặng tập trung theo dõi. Cô gái nhỏ nhắn ngồi trên chiếc chòi được dựng bằng tre với cờ hoa, câu đối tứ bề, thích thú cười tít mắt, tay cầm mõ gõ một hồi dài khi trúng bài lần thứ ba. Cô gái vừa vỗ tay vừa đưa mắt nhìn anh Hiệu bưng khay tiền thưởng và chung rượu tới chòi trúng thưa: Đây ly rượu mừng người may mắn/ Chúc em trẻ mãi không già/ Đẹp xinh như bông hoa...

 

Cô gái không quên chia sẻ niềm vui với bạn thân ngồi bên cạnh. Cả hai ríu rít nhờ người chụp hình để lưu lại khoảnh khắc đặc biệt. Cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Hằng, một du khách từ TP Hồ Chí Minh đến với Phú Yên. Hằng bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia trò chơi dân gian bài chòi. Từ cách trang trí chòi đến cách hô của anh Hiệu đều hấp dẫn và thú vị. Trong cuộc chơi, người thắng hay thua đều vui cười thỏa thích. Đó chính là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh bài chòi”.

 

Người chiến thắng trong trò chơi dân gian bài chòi nhận được lời hát và rượu chúc mừng - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Bài chòi trên sân khấu ca kịch

 

Tại lễ đón bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ do tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã nói đến sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của nghệ thuật bài chòi: “Trong hai cuộc kháng chiến, bài chòi là nghệ thuật chủ lực phục vụ đồng bào, cán bộ, bộ đội ở Liên khu 5. Năm 1954, bài chòi Trung Bộ theo các nghệ nhân bài chòi tập kết ra miền Bắc, được Bộ Văn hóa tập hợp, thành lập Đoàn Ca kịch bài chòi. Từ đó, bài chòi phát triển thành chuyên nghiệp, chính thức trở thành một bộ môn sân khấu trong đại gia đình sân khấu dân tộc Việt Nam”.

 

Từ trò chơi dân gian, bài chòi bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Những vở ca kịch bài chòi, dù là diễn tuồng tích xưa hay đương đại, đều chứa đựng bài học sâu sắc về nhân nghĩa, hướng con người đến với những điều tốt đẹp. Theo ông Phan Đình Phùng, các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào, vô cùng ý nghĩa của bài chòi đã góp phần tạo nên cốt cách, bản lĩnh và tâm hồn của người dân miền Trung: kiên trung, bất khuất; nhân hậu, thủy chung; lạc quan, sáng tạo và ý chí không ngừng vươn lên trong cuộc sống…

 

Bài chòi có mặt ngày càng nhiều trong các cuộc thi, hội diễn và các sân chơi nghệ thuật. Dân ca bài chòi thường tạo ấn tượng bởi sự độc đáo. Mới đây, Sở VH-TT-DL tổ chức Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên lần thứ I, thu hút gần 150 nghệ nhân tham gia, thể hiện nét đẹp văn hóa của từng địa phương qua câu hát bài chòi.

 

Từ nhỏ, anh Phùng Long Ẩn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã đam mê ca hát, đặc biệt là cải lương. Sau đó, anh bị cuốn hút bởi bài chòi. Anh Long Ẩn bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên hát bài chòi trên sân khấu: “Lúc ấy, tôi tham gia vở ca kịch Lê Thành Phương do Trần Đông biên soạn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao tỉnh Phú Yên năm 2006. Trong vở ca kịch, tôi cùng cô Hứa Thị Gửi tái hiện việc chí sĩ Lê Thành Phương bị bắt giam tại thành An Thổ. Lần đầu tiên biểu diễn ca kịch bài chòi, tôi chỉ mong tiếng hát của mình có thể chạm đến trái tim người nghe và chuyển tải nội dung câu chuyện một cách trọn vẹn”.

 

Nhắc đến bài chòi là nhắc đến ông Nguyễn Đình Thoảng (nghệ nhân Bình Thảng). Ông là người con của Hòa Hiệp - vùng đất mà hầu như ai cũng say sưa với bài chòi. Những làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò quảng… với lời ca mộc mạc, gần gũi do ông sáng tác cứ đan quyện, lôi cuốn người nghe. Tên tuổi của ông được khẳng định tại các kỳ liên hoan, hội diễn dân ca khu 5 song đặc sắc nhất vẫn là dân ca bài chòi.

 

Với năng khiếu bẩm sinh cộng với niềm đam mê và chút “vốn liếng” học được từ các thầy cô cùng những diễn viên chuyên nghiệp, nghệ nhân Bình Thảng cùng với thế hệ đàn anh gây dựng phong trào văn nghệ ở địa phương bằng cách tập hát, tập diễn và tổ chức nhiều buổi diễn các trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa… để phục vụ dân làng sau những ngày sóng lặng, biển yên, ngư dân được mùa tôm cá. Ông Bình Thảng nhớ lại: “Năm 1987, tôi đã dàn dựng cho Công ty Thủy sản huyện Tuy Hòa tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành đoạt giải nhất với tiểu phẩm Hai mái tóc một tấm lòng. Kết quả đó giúp tôi thêm tự tin, trau dồi và thể hiện khả năng của mình trên sân khấu ca kịch bài chòi”.

 

Nghệ thuật bài chòi được ươm mầm, phát triển từ dân gian, trải qua bao thăng trầm vẫn âm thầm tỏa lan trong dân chúng. Sức sống của nghệ thuật bài chòi ở Phú Yên đang được khơi dậy mạnh mẽ. Nhiều em còn rất nhỏ đã hát dân ca bài chòi ngọt đến mê mẩn lòng người. Em Trần Huỳnh Kiều Mai (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Văn Linh, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) có giọng hát khỏe, đầy nội lực, cuốn hút người nghe. Mai cho hay: “Em hát được tất cả các làn điệu của bài chòi trong ca lẻ cũng như khi thể hiện tiểu phẩm. Với dân ca bài chòi, ngoài năng khiếu phải có đam mê thì tiếng hát mới đi vào lòng người”.

 

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống hết sức độc đáo và đặc sắc ở vùng Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, do nhân dân lao động sáng tạo ra và được nhân dân vô cùng yêu thích. Hàng trăm năm qua, trò chơi đánh bài chòi và hô hát bài chòi vẫn được lưu giữ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là trong dịp Tết đến xuân về và trong các lễ hội của địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng

 

Về thăm quê trong thời gian gần đây, tối thứ 7 tôi được thưởng thức dân ca bài chòi tại núi Nhạn, rồi được xem biểu diễn nghệ thuật bài chòi từ các địa phương với nhiều sắc thái. Là người con xứ nẫu, tôi mong dân ca bài chòi sẽ luôn là “đặc sản” làm say lòng du khách khi họ đến với Phú Yên.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, người Phú Yên sống tại Hà Nội

 

Bài cuối: Giữ gìn cho muôn đời sau 

THỦY DƯƠNG - THIÊN LÝ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek