Thứ Tư, 11/09/2024 03:34 SA
Nghệ thuật bài chòi: Từ câu hát của lưu dân đến di sản nhân loại (kỳ 1)
Thứ Bảy, 19/05/2018 10:30 SA

Sau hàng trăm năm, nghệ thuật bài chòi miền Trung, với điệu hát xuất phát từ câu chuyện đối đáp để giải khuây của lưu dân trên những chòi canh ruộng rẫy, với trò chơi dân gian náo nức lòng người mỗi khi Tết đến xuân về và các hình thức nghệ thuật tương đồng đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Tự hào về vốn quý mà tiền nhân trao truyền, lớp con cháu thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

 

Bài một: Di sản thấm đẫm hồn Việt

 

Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, bài chòi tổng hòa nhiều yếu tố, mang đến cho người thưởng thức nhiều niềm vui và tiếng cười. Ông tin rằng chính những yếu tố đa dạng này đã làm bài chòi thành “một ẩn dụ tuyệt vời cho tinh thần văn hóa đậm bản sắc của Việt Nam”.

 

Từ một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sau hàng trăm năm, nghệ thuật bài chòi bước ra thế giới, dung dị, mộc mạc và thấm đẫm hồn Việt.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng đón nhận bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam, do Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trao - Ảnh: QUỐC KHƯƠNG

 

Khoảnh khắc vinh danh

 

Đoàn Việt Nam đến Jeju (Hàn Quốc) để bảo vệ hồ sơ bài chòi tại Kỳ họp lần thứ 12 của UNESCO, diễn ra từ ngày 1-7/12. Thành viên đoàn có ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định, người đã có công trình nghiên cứu, phục dựng bài chòi cổ Bình Định vào năm 2010, cũng là người hỗ trợ về chuyên môn để Sở VH-TT-DL Bình Định phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam và các hình thức nghệ thuật tương đồng” trình UNESCO. Ông Pha kể rằng trước ngày lên đường, dù không được phân công nhưng ông chạy đi mượn bài cái, bài con, ống bài tì, mõ, sanh gõ, song loan… bỏ vào valy mang sang Hàn Quốc. “Khi đến nước bạn, tôi có xin ý kiến chị Đặng Thị Bích Liên là Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho tôi được trưng bày các “dụng cụ” của bài chòi cổ ra bàn khi Việt Nam bảo vệ trước hội đồng UNESCO và được đồng ý”, ông Pha nhớ lại.

 

Đến gần 17 giờ chiều 7/12 mới tới lượt Việt Nam bảo vệ hồ sơ bài chòi. “Đoàn mượn luôn chiếc bàn của đoàn Venezuela và tôi trưng bày hết các “đồ chơi” của bài chòi cổ lên đó. Mở màn cuộc bảo vệ là 2 phút chiếu 8 clip về bài chòi cổ. Trên 4 màn hình lớn trong hội trường, 24 thành viên hội đồng và đại biểu 150 quốc gia cùng xem 5 clip về bài chòi Bình Định; 3 clip còn lại quay ở Hội An (Quảng Nam), Phú Yên và Khánh Hòa”, ông Pha kể.

 

Hai phút chiếu phim về bài chòi xong, chủ trì hội đồng hỏi các thành viên có ai ý kiến gì không. “Chúng tôi nín thở, hồi hộp và… căng thẳng vì có một số đoàn đã bị “đánh rớt”. Nhưng sau câu hỏi của chủ trì, không ai trong số 24 vị của hội đồng ý kiến gì, nghĩa là thống nhất rất cao. Chủ trì đóng búa công nhận. Lúc đó, hạnh phúc vỡ òa. Các đoàn khác chạy đến chúc mừng đoàn Việt Nam. Nhiều người cầm lên xem các “hiện vật” bài chòi mà tôi mang đến. Kết quả là tôi mất 3 con bài, nhưng vẫn vô cùng vui vì một nghệ thuật, một nét văn hóa đặc sắc được cho là sản sinh tại Bình Định rồi lan ra nhiều tỉnh miền Trung được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Pha tự hào.

 

Tối 5/5, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ VH-TT-DL long trọng tổ chức lễ đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thay mặt UNESCO, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đã trao bằng vinh danh của tổ chức này cho ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng lãnh đạo 9 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa), là quê hương của nghệ thuật bài chòi. Ông Michael Croft nhận xét rằng bài chòi là tổng hòa nhiều yếu tố, mang đến cho người thưởng thức nhiều niềm vui và tiếng cười. Ông tin rằng chính những yếu tố đa dạng này đã làm bài chòi thành “một ẩn dụ tuyệt vời cho tinh thần văn hóa đậm bản sắc của Việt Nam”.

 

Hội bài chòi ở TP Quy Nhơn (Bình Định) - Ảnh: QUỐC KHƯƠNG

 

Bài chòi xưa và những ký ức không phai

 

Tương truyền rằng Danh nhân Đào Duy Từ (1572-1634) là “ông tổ” của bài chòi cổ. Theo lời kể của những người trong gia tộc, cụ Đào Tất Hán, thân sinh Đào Duy Từ, là quản ca thời vua Lê Anh Tông, và danh nhân này được thừa hưởng gen văn nghệ của cha. Trong 30 năm rời quê hương ở làng Hoa Trai (huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) lưu lạc khắp phương Nam, trải qua nhiều nghề khác nhau, cụ Đào Duy Từ đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, sinh hoạt, lao động nên đã sáng tác nên những câu thai cho hội đánh bài chòi, không chỉ nhằm tạo không khí vui tươi những ngày đầu xuân, mà còn là kinh nghiệm răn đời, dạy người.

 

Theo lời kể của ông Đào Duy Nhơn ở xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), hậu duệ thứ 14 của Danh nhân Đào Duy Từ, cụ Đào Duy Từ ra làm việc giúp Chúa Nguyễn chỉ 8 năm cuối đời, nhưng có 30 năm ở miền Nam sau khi giã từ quê hương vào năm 25 tuổi. “Theo lịch sử, hầu hết thời gian cụ Đào Duy Từ ở đất Tùng Châu, tức huyện Hoài Nhơn ngày nay. Dòng họ Đào chúng tôi lưu truyền chuyện cụ đã tổ chức để dân khai khẩn, sản xuất, chỉ huy đào sông Đào kết nối từ Lại Giang ra tận Tam Quan. Trong quá trình đó, cụ Đào Duy Từ đã sáng tạo ra bài chòi cổ xuất phát từ câu chuyện đối đáp để giải khuây của những người dân ở trên những chiếc chòi canh nương rẫy trong khu vực này”, ông Nhơn kể.

 

Trong công trình nghiên cứu Phú Yên thời khẩn hoang, lập làng, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Sĩ Huệ viết: “Ai đã đi qua Phú Yên đều có nghe một điệu dân ca đơn giản mộc mạc, đó là bài chòi. Có thể nghĩ rằng điệu dân ca bài chòi và việc tổ chức đánh bài chòi là do những người dân đi khẩn hoang miền rừng núi sáng tạo ra. Ý nghĩ này có đầy đủ chứng lý thuyết phục”.

 

Ông Trần Sĩ Huệ chỉ ra rằng đồng ruộng vùng rừng núi và kế cận chân núi ở Phú Yên thường nằm dưới thung lũng, hai bên sườn núi còn nguyên cây cỏ tranh đế, là nơi sinh sống của ác thú và dã thú. Có nơi những đám ruộng tiếp nhau thật dài, quanh co, người ta gọi là dây ruộng. “Những khi phải ở lại đêm để sáng mai làm việc sớm hoặc cần canh giữ hoa màu không cho thú rừng ăn phá, người ta dựng những chòi cao dọc theo dây ruộng, chòi này cách chòi kia một khoảng xa vừa đủ nghe khi nói lớn. Buổi tối, núi rừng vắng lặng lạnh lẽo, người ta gọi nhau để nói chuyện rồi bày ra câu đố để thử tài nhau… Dần dần những chuyện vui ấy, những bày tỏ ấy được diễn đạt qua câu vè thể lục bát, lục bát biến thức, thành câu thai, ngồi trên chòi hô lên đố nhau. Ai nghĩ ra trước thì gõ mõ báo cho người đố và các chòi khác biết, giành quyền ưu tiên rồi mới trả lời. Tiền thân của hội đánh bài chòi là như vậy. Sau này, đi sâu vào đời sống văn hóa thôn quê, điệu bài chòi mới có thêm đờn kèn hòa âm và cuộc đánh bài chòi thêm những con bài có tên gọi riêng, có anh hiệu hô xướng, có ban nhạc…”, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ viết.

 

Đông đảo người dân xem hội bài chòi tổ chức ở TP Tuy Hòa - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Trong ký ức ông vẫn còn hình ảnh hội bài chòi ở cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) mỗi khi xuân về Tết đến. Ông khi đó là cậu bé 6, 7 tuổi, háo hức nghe anh hiệu mặc áo dài đen, đầu chít khăn, hô những câu dí dỏm như “Đi đâu cọ xiểng đi hoài/ Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không”. “Nếu hô một chặp mà người chơi ngồi trên các chòi đều không đoán ra thì anh hiệu kêu luôn đáp án: “Thằng trò quớ thằng trò”. Hoặc sau khi hô câu “Ai làm thượng hạ bất thông/ Bàng quan bế thũng sớm trông tới thầy”, nếu những người chơi bài chòi không đoán được thì anh hiệu kêu “Thằng bí quớ thằng bí”. Khi anh hiệu hô thì những người đang ngồi trong hàng quán ăn bánh bèo, bánh xèo… chung quanh hội bài chòi cũng xúm lại phỏng đoán, bàn tán rôm rả”, ông Trần Sĩ Huệ kể.

 

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên vẫn còn nhớ những hội bài chòi đã xa thật xa ở xóm Lẫm quê ông (nay thuộc thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa). “Năm nào Tết đến, bà con làng biển cũng tổ chức hội bài chòi. Người đến chơi, kẻ đến xem rất đông, hăng hái, hồ hởi từ sáng cho tới xẩm tối. Hội bài chòi diễn ra từ mùng 1 cho đến mùng 7 Tết, là niềm vui của bà con làng biển trong những ngày đầu xuân”, ông Trần Quốc Cưỡng nhớ lại.

 

Theo nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, không cần trời cho chất giọng tốt hay am hiểu nhạc luật, già trẻ gái trai đều hô bài chòi được, cũng như ai cũng biết ru em, cứ tự do theo sự sáng tạo của mình. Trước năm 1946, thuở bài chòi còn khá hồn nhiên, nhiều câu mở đầu bằng: “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Bà con lẳng lặng nghe mà tui hô”. “Dân Phú Yên nghe tiếng trong Nam có ông Trương Vĩnh Ký làm nhựt trình, tức làm báo, và tưởng rằng nhựt trình nào cũng của ông Vĩnh Ký hết. Nói câu bài chòi này là theo nhựt trình Vĩnh Ký mà đặt ra, có hàm ý chứng minh: chuyện tui hô là chuyện thiệt đó, không phải nói bừa đâu”, ông Trần Sĩ Huệ giải thích.

 

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi là các anh chị hiệu, các nghệ nhân biểu diễn bài chòi và nghệ nhân làm thẻ bài.

 

Bài hai: Mạch nguồn bài chòi trong lửa đạn

 

QUỐC KHƯƠNG - PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek