Thứ Tư, 15/05/2024 23:32 CH
Người anh hùng với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển
Thứ Bảy, 12/05/2018 14:00 CH

Hình ảnh trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Hồ Đắc Thạnh ở TP Tuy Hòa đã đi vào đời sống tinh thần nhiều thế hệ qua những trang sử về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, “Đoàn tàu Không số”, những bài thơ, trang phóng sự, truyện ký và cả bộ phim 5 tập “Những người lính biển”. Những chiến công mà ông và đồng đội đạt được là sự kết tinh truyền thống yêu quê hương, đất nước; của ý chí khao khát độc lập, tự do.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh đọc Báo Phú Yên, cập nhật tin tức thời sự - Ảnh: NGUYỄN BÁ THUYẾT

 

Những kỳ tích

 

Lần nào đến gặp trung tá Hồ Đắc Thạnh, tôi đều được tiếp đón niềm nở, tự nhiên, đậm chất người lính và phát hiện thêm ở ông những điều mới lạ, khiến tôi kính phục. Lần này cũng vậy, một chiều cuối xuân, trong cái gió Tuy Hòa xôn xao phóng khoáng, tôi đến nhà gặp ông, hai chú cháu tâm sự suốt mấy giờ đồng hồ.

 

Trung tá Hồ Đắc Thạnh nói: Mình sắp đi dự lễ công bố quyết định công nhận tàu 671 (tiền thân là tàu 41, tàu 641) là “Bảo vật quốc gia” rồi. Con tàu này mình làm thuyền trưởng mấy năm, tàu được tuyên dương anh hùng LLVT hai lần với tám cá nhân anh hùng LLVT khác.

 

Tôi hỏi: Trong cuộc đời quân ngũ của chú, chắc còn nhiều kỷ niệm mang dấu ấn chiến công phải không?

 

Ông trả lời: Chiến công là chiến công chung của đồng đội, có mình trong đó; kỷ niệm mang dấu ấn thì khá nhiều nhưng mình nhớ nhất một số thời khắc không thể nào phai. Ông kể về thời đánh thực dân Pháp, ông là chiến sĩ, rồi tiểu đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 375; là thanh niên được tham gia chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương của mình nên rất tự hào. Chiến đấu dũng cảm, mưu trí, nhiều trận ta quân ít, vũ khí thô sơ nhưng đánh thắng lớn, diệt nhiều quân địch. Trận phục kích trên đường Chí Thạnh - La Hai, tiêu diệt 34 xe của quân Pháp. Những trận quần nhau với giặc ở làng Quan Quang, Minh Đức trong chiến dịch Át - Lăng, nhiều đêm không ngủ. Đặc biệt, trận diễn ra đêm 25/2/1954, Tiểu đoàn 375 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng và Chính trị viên phó Nguyễn Lầu chỉ huy, tấn công làm tan rã trung đoàn địch, ta bắt sống tên Nguyễn Khánh, Trung đoàn trưởng Ngự Lâm Quân. Nhưng do sơ suất, Khánh trốn thoát, sau này tên này leo lên giữ chức Thủ tướng Chính phủ chính quyền ngụy ở Sài Gòn. Trong điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ và công dân Liên khu 5 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 2/2/1954 viết: “Tôi… khen ngợi cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu Liên khu 5 đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…”. Thời gian sau đó, ông tham gia bảo vệ tập kết 300 ngày ở Bình Định rồi tập kết ra miền Bắc vào năm 1955.

 

Thời chống Mỹ, trung tá Hồ Đắc Thạnh tham gia đoàn tàu Không số trong 12 chuyến chỉ huy tàu chi viện miền Nam, có ba chuyến ông là thuyền trưởng chỉ huy tàu vào Vũng Rô. Chuyến thứ nhất, đêm 28/11/1964, tàu vào đến vịnh, cảm xúc quê hương trào dâng; gặp được người của ta, chọn bãi Chùa để bốc dỡ vũ khí, nhưng khối lượng lớn nên tàu không kịp rời bến trước 3 giờ sáng, quyết định để tàu ở lại. Đây là quyết định hết sức táo bạo, nếu để lộ thì bến Vũng Rô không thể vào, cả con đường cũng trở nên

 

vô vàn khó khăn. Trung tá Hồ Đắc Thạnh chỉ huy dùng lưới và cành cây ngụy trang tàu thành một khối liền từ núi Vũng Chùa xuống tàu như một dải tự nhiên, nhờ đó mà các chiến sĩ của ta bốc hết vũ khí, tàu rời bến an toàn. Hai chuyến sau vào Vũng Rô ngày 25/12/1964 và 1/2/1965 với kỳ tích là vòng quay nhanh nhất. Cả ba chuyến vào bến Vũng Rô chưa đầy hai tháng, trong khi đó với cung đường tương tự các tàu khác phải mất ba tháng mới vào bến.

 

Một kỷ niệm khác đối với trung tá Hồ Đắc Thạnh là cứu tàu mắc cạn. Trong chuyến vào Nam, tàu 41 bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Đây là lần thứ ba tàu của đoàn mắc cạn. Những lần trước đều phải dỡ hàng phá tàu, bảo đảm bí mật. Nhưng lần này, ông quyết định bằng mọi cách phải khắc phục sự cố. Hai ngày dãi nắng, dầm nước, da cháy sém, bong tróc, đến ngày thứ ba thì cứu được tàu thoát cạn. Kiểm tra lại, thấy đủ điều kiện, ông cho tàu tiếp tục hành trình đưa hàng vào Nam Bộ đúng kế hoạch.

 

Còn với kỷ niệm phá tàu - vượt Trường Sơn ra miền Bắc, chuyến vào bến Phổ An, Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào đêm 27/11/1966, khi bỏ hết hàng xuống biển thì tàu của đơn vị ông bị hỏng chân vịt. Địch phát hiện, bao vây hòng bắt sống thủy thủ ta. Ông cho anh em bơi vào bờ trước, còn ông và máy trưởng dùng bộc phá phá tàu, bơi vào sau. Quá trình bơi vào thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ trúng đạn địch và hy sinh, còn lại 18 cán bộ chiến sĩ tàu 41 lên bờ, vượt Trường Sơn ra miền Bắc.

 

Đến đây, tôi nhớ đến lời dạy của lãnh tụ Lênin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” và “lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng”. Hồ Đắc Thạnh và những chiến sĩ của đơn vị ông chính là những người như vậy.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể chuyện vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên biển cho thế hệ trẻ trong tỉnh nghe - Ảnh: D.T.X

 

Món nợ cuộc đời

 

Trong hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho trung tá Hồ Đắc Thạnh có ghi: “Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở cương vị nào đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là thuyền trưởng trong đoàn tàu Không số, đồng chí đã đi được 12 chuyến, một trong những thuyền trưởng tham gia nhiều chuyến nhất. Khi chỉ huy thì bình tĩnh, sáng suốt, mưu trí, sáng tạo, đã nêu tấm gương sáng mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hy sinh, sự tài giỏi và vững vàng trong mọi tình huống, để đưa hàng đến bến an toàn…”.

 

Nhưng theo ông, khi chúng ta được vinh danh trên những tượng đài thì dưới tượng đài không biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hôm nay. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, bị thương, thậm chí bị rối loạn thần kinh… Họ thiệt thòi nhiều lắm. Hy sinh rồi thân thể không nguyên vẹn, nằm lại ở biển khơi, rừng sâu… họ chẳng được gì, còn để lại sự đau thương, mất mát cho người thân. Có đồng chí còn phải chịu hậu quả chất độc da cam/dioxin, sinh con, đẻ cháu tật nguyền… Nghe lời tâm sự của ông, tôi xúc động, nước mắt cứ chực trào, cố giữ nhưng không thể nào cản nổi. Ông nói tiếp: Mình nợ họ: “Những người anh em, đồng chí, đồng đội đã hết lòng vì nhiệm vụ, vì mình mà giờ họ đã đi xa mãi mãi, không thể nào trả ơn được…”.

 

Ông kể nhiều về tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, nhường cơm sẻ áo cho nhau trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. “Chuyến vượt Trường Sơn đầy gian khổ, đoàn của tôi đến Quảng Trị thì hết lương thực, sốt rét, ốm yếu lắm. Chúng tôi được giao liên hướng dẫn vào trạm xá tiền phương nghỉ ngơi, điều trị bệnh. Cuộc sống của các bác sĩ, y tá ở đây hết sức khó khăn, nhưng biết chúng tôi là thủy thủ tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam nên các bác sĩ, y tá hết lòng chăm sóc, phục vụ. Ra đi vì chiến trường đang đợi, hẹn ngày chiến thắng gặp lại… Nhưng sau này mình hay tin cái bệnh xá đó trúng bom và tất cả đã hy sinh”, trung tá Hồ Đắc Thạnh nghẹn ngào kể.

 

Trung tá Hồ Đắc Thạnh đã nghỉ hưu, sống cùng vợ là bà Lê Thị Bích Anh. Cả hai đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, họ sống bình an tuổi già, hạnh phúc cùng con cháu và bà con lối xóm; tích cực rèn luyện sức khỏe, chăm lo dạy bảo, giáo dục con cháu. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu, con cháu hiền ngoan, hiếu thảo. Ông thường xuyên tham gia nói chuyện truyền thống với các thế hệ trẻ, với mong muốn được góp phần nhỏ để tiếp lửa, khơi dậy tinh thần yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau.

 

Thiếu tá Ngô Văn Định, cựu chiến sĩ Đại đội K60 bến Vũng Rô, nhận xét: “Bác Hồ Đắc Thạnh là người đức độ, sống có tình thương sâu sắc với đồng chí, đồng đội; trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Bác là tấm gương để tuổi trẻ noi theo”.

 

Còn ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường 5, TP Tuy Hòa thì nói: “Bác Hồ Đắc Thạnh luôn giữ vững và phát huy phẩm chất trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, được tuyên dương anh hùng LLVT trong chiến đấu, tiêu biểu xuất sắc trong thời bình. Bản thân và gia đình bác luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek