Việc đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) và đảm bảo an toàn thông tin mạng (ATTTM) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Hữu Thế |
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về nội dung này, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:
- Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai CQĐT và hướng đến chính quyền số về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan hành chính tỉnh; mô hình kết nối mạng của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; mã định danh điện tử. UBND tỉnh cũng đã ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
* Qua triển khai thực hiện, kết quả đạt được như thế nào, thưa đồng chí?
- Các chỉ số về tỉ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức; tỉ lệ các cơ quan trực thuộc có mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao đều đạt 100%. Tỉnh cũng triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ họp giao ban trực tuyến, đồng thời tập trung triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Các sở, ngành đã tiếp nhận, triển khai các phần mềm chuyên ngành với 9 bộ của Trung ương. Ngành Y tế đã phát triển, đưa vào sử dụng một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý điều hành chung của tỉnh và Bộ Y tế. Hiện tại tỉnh có 252 đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước, mặt trận, hội, đoàn thể sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Tỉ lệ văn bản đi/đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%. Tỉnh cũng đã thành lập Đội ứng cứu sự cố ATTTM, thực hiện nhiệm vụ điều phối, tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước ứng cứu sự cố ATTTM trên địa bàn tỉnh; đồng thời làm đầu mối của tỉnh trong mạng lưới ứng cứu sự cố ATTTM quốc gia dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam. Tổ chức rà soát quy trình quản lý an toàn hạ tầng kỹ thuật phòng máy chủ đảm bảo an toàn; xây dựng hồ sơ cấp độ an toàn thông tin hệ thống phòng máy chủ và các ứng dụng đang vận hành để thực hiện, bảo vệ an toàn hệ thống theo cấp độ được phê duyệt. Về cơ bản, công tác an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, chưa để xảy ra sự cố tấn công mạng, mất an toàn thông tin làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển CQĐT của tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động phát triển CQĐT có những tồn tại, hạn chế nào, thưa đồng chí?
- Thời gian qua, một số dự án, nhiệm vụ về CNTT chưa thể triển khai theo tiến độ như đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, phát triển và chia sẻ dữ liệu ở địa phương. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; việc bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”; Trung tâm dữ liệu tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; Khung kiến trúc CQĐT 2.0…; một số chỉ số đánh giá như ICT-Index, DTI còn thấp.
Nguyên nhân một phần do tác động của đại dịch COVID-19, gây khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ CNTT; nguồn nhân lực của cơ quan chuyên trách về CNTT còn thiếu nên chưa kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ứng dụng về CNTT, xây dựng CQĐT theo chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, triển khai các nhiệm vụ CNTT có lúc chưa có sự thống nhất…
Công chức xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục cho công dân. Ảnh: PHẠM THÙY |
* Theo đồng chí, cần giải pháp gì để cải thiện hoạt động này và những hạn chế vừa nêu trong thời gian tới?
- Thời gian tới, để cải thiện hoạt động phát triển CQĐT, trước hết, tỉnh sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền; nâng cấp, tích hợp các tiện ích, ứng dụng hỗ trợ tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp trên các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công. Tích cực truyền thông quảng bá Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến; nâng cao chất lượng nội dung các chương trình truyền thông Chính phủ điện tử, CQĐT trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên, tăng cường lồng ghép tuyên truyền về cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, CQĐT, duy trì tổ chức các sự kiện CNTT hàng năm.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bao gồm: Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai CQĐT và hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ triển khai, phát triển CQĐT; áp dụng các chính sách uu tiên theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút nguồn lực CNTT thông qua việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển CQĐT; hoàn thiện cơ chế về tài chính và đầu tư cho ứng dụng CNTT, phát triển CQĐT; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng, phát triển CNTT, đào tạo nhân lực CNTT; tạo điều kiện, thu hút các công ty, doanh nghiệp tham gia hoạt động thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương qua các chương trình, dự án triển khai theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án khác. Đồng thời huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực CNTT; có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CNTT tại các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn mạnh về phát triển CQĐT…
* Xin cảm ơn đồng chí!
PHẠM THÙY (thực hiện)