Thứ Sáu, 11/10/2024 01:20 SA
Tình quân dân Xuân Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 12/01/2018 15:00 CH

Hành quân vào mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, năm 1968 - Ảnh: Tư liệu

Đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, trời tối đen như mực. Thỉnh thoảng từ phía bốt gác của bọn Nam Triều Tiên trên đỉnh núi Mò O lại vọt lên những ngọn hỏa châu treo lơ lửng giữa thinh không. Vài tiếng súng nổ lẹt đẹt cầm chừng của bọn lính ở ngoại ô TX Tuy Hòa.

 

Lương Thúc Quý, cán bộ Tuyên huấn tỉnh Phú Yên, thì thầm bên tai Khánh, Chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên: “Tôi đố anh giao thừa diễn ra lúc mấy giờ?”. Khánh bụm miệng cười: “Cái ông này thật buồn cười! Anh em mình đợi đến giờ G nổ súng, chả nhẽ không phải 24 giờ?”. Quý cấu vào lưng Khánh, cười trong bóng tối: “Không phải đâu anh ơi! Trong Nam khác ngoài Bắc. Người ta đón giao thừa vào lúc 23 giờ cơ!”.

 

Khánh còn phân vân thì từ trung tâm TX Tuy Hòa rộ lên tiếng súng xen tiếng pháo. Ánh hỏa châu bừng sáng một vùng trời. Mệnh lệnh tấn công phát đi, tức thì các tiểu đoàn 11, 13, 85 đồng loạt nổ súng đánh vào sân bay phía bắc thị xã. Đại đội thiết giáp của Mỹ, sau một thoáng bối rối, nổ súng chống trả quyết liệt.

 

Trời mờ đất, quân giải phóng giải quyết xong “Đại đội ngựa sắt” của Mỹ, phong tỏa toàn bộ khu vực sân bay Tuy Hòa và nhà lao Khu chiến. Đến 17 giờ chiều cùng ngày, túng thế, địch ném bom vào những vùng chúng nghi có quân giải phóng, kể cả khu dân cư. Nhận thấy không thể mở rộng địa bàn tiến quân tiêu diệt sinh lực địch, mùng 1 Tết Mậu Thân, ta kết thúc đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

 

Trước khí thế hừng hực của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị cho lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên tiếp tục mở đợt tấn công lần thứ hai vào TX Tuy Hòa. 20 giờ tối mùng 5 Tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 85 của Tỉnh đội Phú Yên bí mật ém quân dọc theo con đường bên cạnh nhà lao Khu chiến. Đồng chí Minh làm liên lạc cho Tỉnh đội trưởng Lưu, trong lúc trinh sát lên đồi cát phía nam nhà lao Khu chiến bị lính bảo an phát hiện, bắn bị thương.

 

Qua pháo sáng, địch thấy quân giải phóng dưới chân đồi, cả bọn hốt hoảng tháo chạy. Lũy, Tiểu đoàn trưởng 85, chưa biết giao cho ai làm nhiệm vụ dẫn đường thì Lương Thúc Quý ứng tiếng xung phong: “Tôi nhiều năm bị địch giam cầm ở thị xã này nên rành đường đi nước bước lắm. Giờ tôi cùng đồng chí Đặng Hướng (quê ở xã Hòa Kiến) làm tiên phong dẫn đường. Tiểu đoàn trưởng Lũy không giấu được sự vui mừng, nói như reo: “Ôi! Được đồng chí Năm Quý đưa đường thì còn gì bằng!”. Chẳng mấy chốc đoàn quân tiến vào sân ga Tuy Hòa. Trước mắt mọi người lù lù ba chiếc thiết xa vận. Lũy cười nhạt: “Này! Anh em! Lấy B40 diệt quách của nợ này cho khỏi chướng mắt!”. Quý kêu lên: “Đừng bắn! Ba chiếc xe này ngày mai rồi cũng vô dụng thôi, bắn chi cho uổng đạn”.

 

Nghe tiếng súng nổ, một số người dân ở TX Tuy Hòa tay bồng, tay xách kéo đến chùa Cát lánh nạn. Gặp quân giải phóng rồi họ cũng ở đó luôn. Thoạt đầu, nghe quân giải phóng hỏi chuyện, bà con ai nấy cũng “dạ thưa ông”, “dạ thưa bác…”; Quý cười dí dỏm với đồng đội: “Ối dào! Hôm nay anh em mình tha hồ làm lớn”. Nói vậy cho vui chứ Quý không quên nhiệm vụ của một cán bộ tuyên huấn. Anh từ tốn giải thích chính sách của cách mạng cho bà con nghe. Phần đông bà con bắt đầu có thiện cảm với quân giải phóng. Có những người nói nhỏ với nhau: “Mấy ông bộ đội giải phóng quần dài cột trên cổ, chân đeo dép râu trông ngộ quá! Nhưng coi bộ hiền khô hà”. Ban chỉ huy chiến dịch tranh thủ họp. Khánh đề nghị: “Ngay trong đêm nay, các đại đội cho anh em đào công sự bám trụ chùa Cát này, sẵn sàng chiến đấu”.

 

Tiểu đoàn trưởng Lũy không đồng ý. Quý liền cắt nghĩa thiệt hơn: “Thưa các đồng chí, tôi rất tán thành ý kiến của đồng chí Lũy là chúng ta không nên tiếp tục đóng quân ở chùa Cát. Thứ nhất chẳng bảo toàn được lực lượng, thứ hai sẽ gây phiền lụy cho các sư và nhân dân đến lánh nạn. Chi bằng chúng ta đưa toàn bộ lực lượng đến ém quân trong nhà dân tại ngã 5, dọc đường Trần Hưng Đạo. Đây là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của địch. Nếu anh em mình hy sinh ở chỗ đó cũng gây được tiếng vang lớn làm rúng động bọn địch”.

 

Tỉnh đội trưởng Lưu rít một hơi thuốc lá thật sâu. Quý cảm nhận gương mặt vị chỉ huy cương nghị hơn lúc nào hết. Lưu đưa ra quyết định sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng: “Anh Quý tuyên huấn có ý kiến rất xác đáng. Tôi đồng ý kéo quân lên ngã Năm, đường Trần Hưng Đạo. Chúng ta sẽ dựa vào dân mà chiến đấu”.

 

Thế là đoàn quân theo chân Quý quay trở lên đường Nguyễn Huệ, rồi băng sang đường Huỳnh Thúc Kháng vào nhà thương (bệnh viện) Tuy Hòa, nơi có thời gian địch quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Quý vỗ vai, nói với Tá, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 85 và Phạm Ưng, Quân y sĩ: “Thuốc Tây đây rồi! Ta lấy để cứu thương, phục vụ chiến đấu”. Tá thật thà: “Hiện nay mình có đủ cơ số thuốc phục vụ chiến đấu anh Năm à! Để giải phóng xong, ta sẽ tính sau”.

 

Khi đến ngã Năm, đường Trần Hưng Đạo, Quý chọn đúng nhà của ông Đặng Trung Ba, một thầy thuốc Bắc nổi tiếng ở TX Tuy Hòa, gọi cửa: “Chú Ba ơi! Bán cho tôi ít thuốc!”. Từ trong nhà vọng ra tiếng nói thanh tao của một cô gái: “Ai giờ này mà hỏi mua thuốc đó?”. Giọng Quý thiết tha: “Người quen đây mà! Làm ơn mở cửa đi thôi!”. Tiếng cửa sắt rít lên lạnh lùng giữa canh khuya, rồi cái đầu cô gái nhô ra khỏi cửa. Quý cười nhẹ: “Cháu đừng sợ! Mấy chú là bộ đội giải phóng. Thầy Ba có nhà không cháu?”.

 

Tổng công kích xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tư liệu

 

Giọng cô gái run run: “Dạ thưa! Ba cháu đi chơi ở xa chưa về! Mời các chú vào nhà ạ!”. Quý lại cười trấn an cô gái: “Cháu hãy bình tĩnh nghe! Trong nhà còn có ai nữa không?”. Cô gái nhỏ nhẹ: “Dạ! Còn có chị của cháu”. Quý reo lên khe khẽ: “Tốt quá! Cháu hãy để chị trông nhà. Cháu đi gọi giúp mấy nhà gần đây bảo họ mở cửa giúp chú. Nhận ra tiếng nói của cháu thế nào họ cũng mở ngay”.

 

Vậy là trong vòng nửa giờ, anh em bộ đội lọt êm vào các nhà hai bên dãy phố từ tiệm giày Hoàng Kỳ (bên phải), tiệm radio Hồng Châu (bên trái), chạy dài gần đến Trường trung học Bồ Đề. Quý giới thiệu cặn kẽ với anh em bộ đội: “Đây là quán cơm Dân Thiên, có thể đưa thương binh vào đó cấp cứu. Kia là tiệm Mỹ Lợi, nhà lầu 2 tầng của ông Lữ Tiên Gì, cơ sở cách mạng trước đây bị địch bắt bỏ tù, Bộ Chỉ huy chiến dịch có thể đóng chốt để dễ quan sát địch”.

 

Ở quán cơm Dân Thiên, chủ quán hối thúc bộ đội giải phóng: “Các chú, các anh cứ ăn uống vô tư đi, đừng ngại! Tôi không sợ tốn kém đâu! Chỉ sợ bom rơi, đạn lạc thôi”. Quý quay trở ra đường Trần Hưng Đạo nghe thấy anh em bộ đội khoe với nhau rằng: “Nhà của bọn tớ đóng quân chỉ ăn cơm thường thôi, nhưng được gia chủ tặng đèn pin này, áo đi mưa này…”.

 

Một giọng nói khác lại vang lên sôi nổi: “Ôi! Còn bọn tớ, mũ này, giày này…đủ cả! Bà cụ cứ nài nỉ: “Nhận đi con! Để dành mà dùng!”. Khi Quý về đến nhà ông Lữ Tiên Gì đã thấy có đông đủ các đồng chí Lưu - Tỉnh đội trưởng, Khánh - Chính trị viên Tỉnh đội, Lũy - Tiểu đoàn trưởng 85, Trần Quang Tuyến - Thị đội trưởng Thị đội Tuy Hòa và một số đồng chí trong ban tham mưu. Một cuộc hội ý chớp nhoáng. Nắm lại tình hình địch, ta và bàn phương án tác chiến trong tình huống phức tạp.

 

Hôm sau, trời mới mờ đất, chiếc trực thăng trinh sát của địch quần đảo trên các nóc phố để tìm quân giải phóng. Lưu giật cây garant của một chiến sĩ nện mấy phát. Chiếc trực thăng chuồn thẳng một hơi. Bọn lính chỉ huy pháo binh ở núi Nhạn, bọn chỉ huy ở Tiểu khu Phú Yên (nay đã trở thành công viên) leo lên trần nhà tìm về phía có tiếng súng nổ để xác định nơi trú quân của ta, nhưng chúng không tài nào tìm thấy.

 

Khoảng 5 giờ sáng mùng 6 tết, bọn sĩ quan ngụy xua lính hành quân trên đường Trần Hưng Đạo. Từ trong những căn nhà ven đường, bộ đội ta nổ súng bắn tỉa. Hơn chục tên lính đổ xuống mặt đường. Bọn lính hoảng loạn chạy trối chết, không còn dám bén mảng đến ngã Năm.

 

Thế là trong buổi sáng hôm đó, địch điều các tiểu đoàn 3, 4 thuộc Trung đoàn 47 ngụy đóng ở xã Hòa Thắng, Hòa Trị về chiếm đầu cầu Ông Chừ, nhà hát Diên Hồng và rải quân dọc đường Nguyễn Công Trứ, đầu đường Trần Hưng Đạo. Địch bắn như vãi đạn vào ngã Năm. Tiệm tạp hóa Tân Thanh trúng đạn pháo từ núi Nhạn bắn xuống bốc cháy mù mịt. Bộ chỉ huy chiến dịch cho đục toàn bộ nhà bếp của các dãy nhà để tiện việc liên lạc phục vụ chiến đấu.

 

Đúng 13 giờ chiều ngày mùng 6 tết, chiếc máy bay Moranh quần đảo trên bầu trời khu vực ngã Năm léo nhéo gọi: “Hỡi quân giải phóng! Các anh đã bị bao vây không lối thoát! Hãy đầu hàng để bảo toàn tính mạng! Hỡi đồng bào ở ngã Năm lập tức ra khỏi nhà để quân đội quốc gia ném bom tiêu diệt cộng sản!”. Đồng chí bảo vệ Bộ Chỉ huy chiến dịch xách súng lên sân thượng nã liền mấy loạt. Chưa đã giận, anh còn thét vang: “Tụi bay có giỏi thì xuống đây!”.

 

Trước tình thế địch có thể ném bom hủy diệt tất cả, đồng chí Lưu - Tỉnh đội trưởng, ra lệnh cho anh em bộ đội, giọng ngậm ngùi: “Thà chúng ta hy sinh tất cả chứ không để cho bà con thương vong. Hãy thông báo cho bà con nhân dân sơ tán ngay!”. Ra đi thì không nỡ, ở thì không yên, bà con trong khu vực ngã Năm cứ đi lên, đi xuống trong nhà, muốn nói lời cuối cùng với anh em bộ đội. Sau khi bà con sơ tán, địch tập trung hỏa lực bắn cấp tập vào các dãy nhà bộ đội đóng quân, một số đồng chí bị thương vong.

 

16 giờ chiều. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Với thực lực hiện tại, ta không thể đánh địch dài ngày. 19 giờ tối cùng ngày, Tiểu đoàn 85 tập kết tại nhà Hòa Lợi ở đường Trần Hưng Đạo rồi rút quân đúng kế hoạch. Trên đường rút lui có một số đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Tuy Hòa yêu dấu…

 

TRẦN QUỐC CƯỠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đất lành
Thứ Năm, 11/01/2018 09:03 SA
Chuyện về một nữ giải phóng quân
Thứ Hai, 08/01/2018 08:47 SA
Hạnh phúc bình dị
Chủ Nhật, 07/01/2018 14:52 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek