Thứ Sáu, 11/10/2024 01:18 SA
Đất lành
Thứ Năm, 11/01/2018 09:03 SA

Một góc Ea Ly hôm nay - Ảnh: MINH DUYÊN

Về Ea Ly hôm nay không ít người ngỡ ngàng bởi những đổi thay mãnh liệt nơi vùng đất này. Từ một xã đặc biệt khó khăn, Ea Ly đã khoác lên diện mạo mới của một thị tứ năng động với những dãy nhà mái ngói mọc lên san sát xen lẫn những ngôi nhà cao tầng kiến trúc hiện đại. Trong câu chuyện đổi thay của vùng đất lành không chỉ toát lên vẻ đẹp của ý chí, sức mạnh, nội lực, niềm tin của người dân nơi đây, mà còn là sự quan tâm chăm lo sâu sát của Đảng, Nhà nước cùng với vòng tay mở rộng, tiếp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương Phú Yên.

 

Đổi đời trên đất lạ

 

“Nơi này cách Hai Riêng hơn 20 cây số, bây giờ chỉ hơn nửa giờ chạy xe máy là đến nơi. Nhưng ngày trước muốn về thị trấn mua thuốc men, thực phẩm phải đi mất cả tuần lễ. Cực lắm!”. Ngồi trước mặt chúng tôi là ông Nguyễn Đình Sao, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập. Ông là người dân tộc Tày, năm nay đã 63 tuổi, tóc bạc hơn phân nửa, vóc người cao gầy, gương mặt cương nghị thoáng chút suy tư khi nhắc đến chuyện cũ. Hồi đó sợ nhất là sốt rét rừng, đường sá cách trở, xe cộ không có!”.

 

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, tạo bộ mặt mới cho huyện Sông Hinh, trong đó có xã Ea Ly, đồng thời phấn đấu xây dựng Ea Ly trở thành thị trấn sau năm 2020”.

Câu chuyện của hơn 25 năm trước như hiện ra trước mắt ông Sao. Ngày ấy, vót vét gần 2 triệu đồng tích góp, ông Sao dắt díu vợ và ba con nhỏ rời quê Lạng Sơn vào Phú Yên tìm kế sinh nhai. Lúc đó, đứa con lớn của ông mới 13 tuổi đầu, còn đứa nhỏ chỉ vừa lên 8. Trước ông Sao đã có nhiều bà con người Tày, Nùng di cư vào Sông Hinh lập nghiệp như gia đình Nông Văn Ơn, Lâm Văn Thơm, Hoàng Văn Giang, Triệu Văn Sanh, Hoàng Ông, Hoàng Thị Hiền... “Lúc đầu, chúng tôi dựng chòi trại để ở, khai hoang đất đai làm rẫy trồng lúa. Cũng may, nhờ đất tốt, trời thương, khí hậu ôn hòa, sau vài năm trỉa lúa rẫy, bà con ở đây không còn lo cái đói, rồi tiếp đến là trồng bắp, cà phê, mía, sắn… Cuộc sống dần dà ổn định, no đủ, có của ăn của để. Sau mấy vụ mùa, những ngôi nhà ngói mới mọc lên mỗi ngày một nhiều, xe máy chạy rần rần trong xã. Cũng nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm”, ông Nông Văn Ơn - một trong những người đặt nhát cuốc đầu tiên lên vùng đất Tân Lập nhớ lại.

 

Còn nhớ, những năm 1990, ở Phú Yên “nóng” lên chuyện bà con từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến vùng đất mới Sông Hinh. Hồi đó, UBND tỉnh Phú Yên phải làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để tìm giải pháp hỗ trợ di dân đến định cư. Năm 1993, dự án vùng kinh tế mới Tân Lập (trước đây thuộc xã Ea Bar, nay thuộc xã Ea Ly) ra đời. Cuộc sống của bà con nhờ đó mà đổi thay nhiều. Từ khi có đường sá đi lại thuận lợi, có giếng nước, có trường học, trạm y tế…, bà con người Ê Đê sống quanh đó tìm đến, người Kinh ở dưới xuôi lên. Tân Lập ngày càng đổi thay khi hồ nước Ea Ly được xây dựng, điện được Nhà nước kéo về tận thôn, buôn. Cùng với đó, các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm của Chính phủ, của tỉnh đã giúp bà con nhanh chóng hòa nhập với vùng đất mới.

 

Lời đồn về cuộc sống no đủ trên vùng đất màu mỡ ngày một lan xa. Bà con ở khắp nơi rùng rùng đổ về Tân Lập với ước vọng đổi đời trên đất lạ. Từ vài chục hộ dân ban đầu, năm 1998 lên đến 1.000 hộ dân, Tân Lập chia tách thành 4 thôn: Tân Lập, Tân Sơn, Tân Bình, Tân Yên. Dân số tăng lên nhanh chóng, năm 2003, UBND huyện Sông Hinh quyết định thành lập xã Ea Ly (tách ra từ xã Ea Bar) với 6 thôn: Tân Lập, Tân Yên, Tân Bình, Tân Sơn, buôn Zô và 2 Tháng 4.

 

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Gia Nho cho hay: Hiện toàn xã có gần 1.500 hộ dân với gần 6.000 người. Ở Phú Yên, không có vùng đất nào đa chủng tộc như ở Ea Ly với 14 tộc người cộng cư sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Ba Na, Mường, Sán Dìu, Thái, Chăm H’Roi, Gia Rai, Sán Chỉ, Xơ Đăng, Khơ Me. Người Tày ở Tân Lập, người Nùng sống chủ yếu ở Tân Sơn, người Dao ở thôn Tân Bình, người Ê Đê ở buôn Zô… cùng nhau sinh cơ lập nghiệp, tạo nên những thôn xóm, bản làng trù phú, yên bình.

 

Ông Sao đánh đàn tính, sáng tác lời then về quê hương Phú Yên - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Đất mẹ Phú Yên

 

Trung tâm xã Ea Ly nằm trên quốc lộ 29 (được nâng cấp trên cơ sở tỉnh lộ 645 ở Phú Yên và 691 ở Đắk Lắk), là con đường huyết mạch của Sông Hinh nối với vùng kinh tế Tây Nguyên và tuyến đường Đông Trường Sơn đi ngang qua địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương với các tỉnh Tây Nguyên. Những chuyến xe đêm ngày ngược xuôi nhộn nhịp từ Đắk Lắk xuống, từ Phú Yên lên. Cánh tài xế thường chọn Ea Ly làm điểm dừng chân. Bởi vậy, dọc theo quốc lộ 29 đoạn đường qua trung tâm xã, những hàng quán, nhà cửa mọc lên san sát không khác gì phố thị. Ông Sao tươi cười: “Hồi đó, muốn ăn một miếng thịt phải xuống tận thị trấn, còn bây giờ chỉ cần bước chân ra trung tâm xã, muốn ăn cái gì, mua cái gì cũng có. Bà con ở đây phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước lắm lắm!”.

 

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Gia Nho cho biết: Ea Ly đã được Chính phủ công nhận thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cuối năm 2016, Ea Ly được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như nhân dân địa phương.

Gần 10 năm trở lại đây, nhắc đến Sông Hinh, người ta hay nói đến cây cao su. Đây là cây trồng chiến lược ở địa phương này. Ea Ly là một trong những xã trồng cao su nhiều nhất tỉnh Phú Yên với 530ha, trung bình mỗi hộ trồng từ 1-10ha. Năm 2003, ông Nguyễn Đình Sao lặn lội vào tận Bình Dương học tập kinh nghiệm, đưa cây cao su về trồng đầu tiên trên đất Ea Ly. Phù hợp với khí hậu, chất đất đỏ bazan nơi này, cây cao su lớn nhanh, xanh tốt. Mỗi ngày mắt chạm tới màu xanh ngát của những cây cao su vươn lên thẳng lối thẳng hàng, trong lòng ông Sao náo nức niềm vui với dự cảm về một tương lai sáng sủa. Thấy cây trồng phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc, thu nhập lại ổn định, bà con quanh vùng bắt chước trồng theo. Từ 3ha cao su ban đầu, đến giờ ông Sao mở rộng diện tích đất lên 10ha với 5.500 cây cao su cùng 1ha cà phê, gần 700 trụ tiêu; ước tính mỗi năm gia đình ông thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Kinh tế mỗi ngày một no đủ, khấm khá, gia đình ông cất được nhà to, mua ô tô, sắm các vật dụng sinh hoạt có giá trị. Ba người con của ông hiện giờ, một người là bác sĩ, hai người là giáo viên.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly Đinh Tấn Bảy phấn khởi cho hay: Ở đây, không chỉ ông Sao làm kinh tế giỏi mà còn có nhiều người khác như: Triệu Văn Hiện (Tân Lập), Lương Văn Hóa, Lương Xuân Thượng (Tân Bình), Bàn Nguyên Thành, Nguyễn Thanh Khôi (Tân Yên)… với mức thu nhập từ 300-700 triệu đồng/năm. Nói đến chuyện nông dân sản xuất giỏi, ông Sao tươi cười: “Lớp trẻ bây giờ làm ăn còn “dữ” hơn mình. Chúng xây được nhà to, mua ô tô đẹp, đắt tiền, mừng lắm! Hồi trước, có nằm mơ cũng không thấy!”.

 

Trong câu chuyện đổi đời trên đất Ea Ly, ông Sao cũng như nhiều bà con nơi đây nói rằng luôn biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, biết ơn vòng tay rộng mở của chính quyền địa phương và những mối thân tình gắn bó, đoàn kết của các tộc người anh em đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên bước đường an cư lạc nghiệp. Ông Sao thổ lộ: “Chúng tôi là người xa xứ vào đây lập nghiệp. Phú Yên là vùng đất mẹ cưu mang, nuôi dưỡng đời mình. Phú Yên đã là quê hương thứ hai của chúng tôi”.

 

Xuất phát từ tình cảm sâu nặng này nên lời then ông Sao viết cho các thành viên trong CLB Hát then của Tân Lập hát mỗi khi đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh không chỉ là những lời hát gửi gắm nỗi nhớ về bản làng đã hút xa, mà còn dạt dào giai điệu tươi vui về cuộc sống mới và cả sự tri ân vùng đất Phú trời Yên. Các địa danh như sông Ba, sông Hinh, đường 7, Vũng Rô, tháp Nhạn, biển Tuy Hòa… thấp thoáng trong những lời then mà ông sáng tác. Những câu hát then, điệu đàn tính ấy đã vượt qua ngọn núi Chư Ma, suối EaMKeng ở Ea Ly đến với nhiều miền đất khác, như nhắc nhở thế hệ con cháu dù đi đâu về đâu vẫn luôn nhớ về nơi cưu mang, nuôi dưỡng mình khôn lớn “Dù đi xa cũng nhớ ngày về/ Nhớ về thăm đất mẹ Phú Yên”.

 

* * *

 

Về Ea Ly, đi giữa những triền đồi trập trùng ngát xanh mía, sắn, cao su, cà phê, hồ tiêu, giữa những nụ cười rạng rỡ, chúng tôi thấy một mùa xuân đang gõ nhịp trên vùng đất địa đầu miền tây Phú Yên. Mùa xuân không chỉ đến từ ý chí, sức mạnh niềm tin con người nơi đây, mà còn là sự quan tâm chăm lo sâu sát của Đảng, Nhà nước cùng với vòng tay mở rộng, tiếp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương Phú Yên.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek