Thứ Sáu, 11/10/2024 01:18 SA
“Truyền lửa” để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê
Chủ Nhật, 14/01/2018 10:22 SA

Phụ nữ xã Suối Trai tham gia hội thi dệt thổ cẩm - Ảnh: NGỌC TÂN

Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Sơn Hòa nói riêng có một nền văn hóa phong phú và đa dạng với các lễ hội, sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng… Bên cạnh đó, ta còn có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại từ lâu đời nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Huyện Sơn Hòa đang nỗ lực tìm cách xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, tạo việc làm cho người dân.

 

Vẫn còn đó tiếng kẽo cà, kẽo kẹt

 

Chúng tôi có mặt tại thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện miền núi Sơn Hòa vào một ngày cuối năm. Dọc theo con đường vào thôn, chúng tôi thấy nhiều người dân đang tất bật công việc trồng trọt. Nhưng đâu đó trên bậc thềm của một vài ngôi nhà sàn vẫn nghe tiếng kẽo cà, kẽo kẹt đều đều được phát ra từ khung dệt. Nhìn thấy một cụ bà đang chăm chú dệt thổ cẩm, tôi tò mò dừng xe vào hỏi chuyện.

 

Bà là Mí Khiêm. Mí tận tình giải thích cho tôi từng bộ phận của khung dệt: “Dụng cụ dệt thổ cẩm gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào một trong hai loại khung là khung ngắn và khung dài. Khi dệt, người phụ nữ phải ngồi xuống sàn nhà, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung.

 

Tất cả các đầu nối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào một chỗ chắc chắn. Khi dệt, người thợ dùng chân và lưng của mình để căng sợi”. Đang hướng dẫn cho tôi các thao tác dệt thổ cẩm, Mí Khiêm liền đi vào trong buồng lấy một tấm thổ cẩm vừa hoàn thành, có dòng chữ “Tặng con gái Rơ Chăm Hờ Nhiếp” ra khoe: “Tấm này mình dệt cho con gái, dự định may một bộ đồ để con nó mặc dịp lễ hội. Sau này mình có mất đi, con nhìn vào bộ đồ do chính tay mình dệt mà nhớ tới mình”.

 

Rời thôn Xây Dựng, chúng tôi đến thôn Thống Nhất tìm gặp Mí Nga, một trong những người lớn tuổi nhất ở xã Suối Trai vẫn còn theo nghề dệt thổ cẩm. Vừa luôn tay dệt, Mí Nga nói: “Từ thời xa xưa, cuộc sống của những người đàn ông Ê Đê chủ yếu xoay quanh công việc làm rẫy, săn bắt, hái lượm, còn người phụ nữ luôn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Ngày nay, các trào lưu thời trang du nhập vào đã làm giới trẻ dần quên đi trang phục của dân tộc mình. Do đó, những bộ trang phục thổ cẩm chỉ còn xuất hiện thưa thớt trong những lễ hội”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ lâu nghề dệt thổ cẩm không đơn thuần chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Ê Đê. Bản sắc văn hóa ấy như đã ngấm sâu vào “máu thịt” của người phụ nữ Ê Đê từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con gái, cứ thế nối tiếp theo thời gian. Trong mỗi ngôi nhà, hầu hết đều có từ 1 đến 2 khung dệt. Nhà càng nhiều phụ nữ thì số khung dệt càng nhiều.

 

Trước đây, tất cả con gái người Ê Đê đều phải biết dệt. Đó là điều kiện quan trọng nhất để đánh dấu sự trưởng thành của một người con gái. Khi còn ở với cha mẹ, nghề dệt thổ cẩm giúp các cô gái làm ra những sản phẩm, đem bán hoặc trao đổi các vật dụng khác để phụ lo kinh tế cho gia đình. Đến tuổi bắt chồng, mọi cô gái đều phải biết dệt những thứ như: khăn, túi đeo, váy, áo, vỏ gối… để tự phục vụ cho bản thân và gia đình. Hoa văn trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ và sắc sảo thì càng chứng tỏ được giá trị của người con gái.

 

Không còn mặn mà với nghề

 

Theo Mí Nga thì trước kia, thổ cẩm truyền thống thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng. Người phụ nữ lấy vỏ hoặc lá của những loại cây rừng khác nhau, mang về đâm nhuyễn, sau đó cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, mang phơi khô rồi dệt.

 

Còn nền vải, người Ê Đê thường chọn màu đen, tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông, núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hòa, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Hoa văn trang trí đường viền ở chân váy, cổ áo, tay áo có dạng hình thoi, tam giác được kết lồng vào nhau bằng nhiều hình ảnh chiêng, ché, hoa, chim, thú… thể hiện mối quan hệ cộng đồng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.

 

Do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, người đồng bào dân tộc thiểu số dần thay những sản phẩm thổ cẩm bằng quần jeans, áo sơ mi. Chính vì thế, những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Cũng vì lẽ đó, trước những thềm nhà của đồng bào người Ê Đê vắng dần đi hình ảnh người phụ nữ ngồi hàng giờ với sản phẩm thổ cẩm cùng tiếng khung dệt nghe đều đều. “Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của người Ê Đê.

 

Nhưng bây giờ, số lượng người biết dệt giảm đi rất nhiều bởi ruộng vườn, nương rẫy đã chiếm hết thời gian của mọi người. Người lớn thì tập trung đi làm kinh tế, còn lớp trẻ thì tập trung hết vào học hành nên nhiều phụ nữ, nhất là những người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nữa”, ông Kpá Y Khương, cán bộ Văn hóa Thông tin xã Suối Trai trăn trở.

 

Được biết, hiện số lượng nghệ nhân biết dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở huyện Sơn Hòa còn rất ít. Phần lớn họ đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu. Thế hệ phụ nữ trẻ của đồng bào dân tộc Ê Đê chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thổ cẩm nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt.

 

Đây chính là nỗi niềm trăn trở không chỉ của những người tâm huyết với nghề mà còn của cả những người đang làm công tác bảo tồn, phát triển nghề, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

 

Khuyến khích truyền nghề cho thế hệ trẻ

 

Mí Khiêm đang giới thiệu từng bộ phận của khung dệt - Ảnh: NGỌC TÂN

 

Đứng trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm dần mai một, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Suối Trai phối hợp với Ban Văn hóa - Thông tin xã tổ chức Hội thi Dệt thổ cẩm xã Suối Trai lần thứ nhất năm 2017. Hội thi nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê Đê trên địa bàn xã và kêu gọi các nghệ nhân hãy gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

 

Ông Kpá Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai cho biết thêm: “Để duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, địa phương luôn quan tâm, khuyến khích các gia đình, nhà trường tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các hội thi, hội diễn tạo cơ hội cho chị em tham gia để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn nữa”.

 

Nói về việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê Đê ở huyện Sơn Hòa, ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa cho hay: “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn được bà con lưu truyền rải rác. Trước đây, huyện cũng đã lập làng nghề ở một số địa phương, nhưng vì nhiều yếu tố nên làng nghề chưa ổn định và phát triển. Qua hội thi Dệt thổ cẩm xã Suối Trai, chúng tôi phát hiện đã có chị em có tay nghề vững. Thời gian tới, huyện Sơn Hòa tìm cách thúc đẩy xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm bền vững nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân”.

 

Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Ê Đê mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

 

Còn gì vui hơn khi lúc nào chúng ta cũng được nhìn thấy trong các lễ hội của buôn làng ở vùng sơn cước, các thiếu nữ người Ê Đê diện trang phục thổ cẩm với những hoa văn nhiều màu sắc sặc sỡ hòa vào điệu nhảy a ráp với đôi chân trần dồn bước, uyển chuyển quanh ngọn lửa bừng sáng theo tiếng cồng chiêng, bên ché rượu cần.

 

 Để có được điều đó, ngành chức năng của huyện Sơn Hòa cần triển khai các chương trình, dự án nhằm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Bởi, chính những chiếc khăn, khố, váy được thêu hoa văn, màu sắc sặc sỡ từ tấm thổ cẩm sẽ góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Điều đó còn níu giữ chân du khách khi đến với vùng đất Sơn Hòa để chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá và chọn cho mình những món quà lưu niệm độc đáo, ý nghĩa sau một chuyến đi.

 

NGỌC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tạ ơn
Thứ Bảy, 13/01/2018 14:00 CH
Tình quân dân Xuân Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 12/01/2018 15:00 CH
Đất lành
Thứ Năm, 11/01/2018 09:03 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek