Thứ Sáu, 11/10/2024 03:27 SA
Chuyện kể của người chiến sĩ cách mạng năm xưa
Thứ Bảy, 06/01/2018 14:00 CH

Bác thường sang nhà tôi, uống trà, nói chuyện đời với ba. Trong suy nghĩ của tôi, bác là một cụ già trong làng, là bạn của ba chứ không có một ý niệm nào khác. Hôm đó bác lại tới nhưng không có ba ở nhà, tôi ngồi hầu chuyện bác mới hay bác từng là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Người mà tôi đang nói đến là bác Đào Thiên Trực, quê ở Cảnh Phước (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa).

 

Bác Đào Thiên Trực với kỷ vật quý giá - kỷ niệm chương của Ban Bí thư Trung ương Đảng trao tặng - Ảnh: BÍCH NHÀN

 

Trai làng đi lính và trận đánh Dinh Điền - Chí Thiện

 

Bác Đào Thiên Trực sinh năm 1931 ở thôn Cảnh Phước; là một xóm nhỏ nghèo, nằm kề sông Bàn Thạch và gần núi Chai - nơi có chóp Hòn Vung, từng diễn ra nhiều trận đánh. Con nhà nông, chàng trai Thiên Trực học xong mấy lớp đầu cấp thì cũng “nối nghiệp” ba mẹ, vỡ đất làm nông. Anh nông dân lấy vợ, có con nhưng rồi thay áo nông dân mặc áo lính. Đó là năm bác tròn 23 tuổi. Hỏi vì sao lại bỏ ruộng bỏ vườn, xa mẹ xa vợ đi bộ đội, bác nói rắn rỏi: Muốn gia đình, thôn xóm yên ổn, không còn tiếng khóc la vì bom đạn nữa thì đi thôi!

 

Bác kể, thời gian đầu, đơn vị bác đóng ở căn cứ của huyện Tuy Hòa 1 (nay thuộc huyện Tây Hòa). Đến năm 1960, bác lên Đắk Lắk, công tác ở phân đội trinh sát của Tỉnh đội Đắk Lắk. Năm 1962, bác Trực tham gia trận đánh ở Dinh Điền, Chí Thiện thuộc buôn Hồ (Đắk Lắk). Ký ức về trận đánh ác liệt này vẫn chưa phai mờ trong tâm trí bác Thiện.

 

Đó là xuân năm 1962, đại đội chủ công của Tỉnh đội Đắk Lắk đưa quân về Dinh Điền để bảo vệ đồng bào ăn tết. Chiều 30 tết, địch điều 3 tiểu đoàn, chia làm hai cánh bao vây, đổ bộ lên Dinh Điền. Lực lượng của ta tuy mỏng hơn nhưng đã chống trả quyết liệt, cuối cùng 2 cánh quân kia cũng không chiếm được Dinh Điền. Dù không chiến thắng giòn giã song những người lính vẫn giữ được xóm làng, bảo vệ cho đồng bào Dinh Điền ăn tết.

 

Bác Trực kể, địch bắn pháo tấp nập, anh em không nấp dưới hầm phòng thủ nữa mà xông lên bắn trả, địch từ từ rút. Trong trận đánh đó, bác bị thương nặng ở cánh tay. Khi chiến trường không còn tiếng súng, nhìn thấy quanh mình 9 đồng đội đã hy sinh, người lính kiên gan nhất cũng đã rơi nước mắt…

 

Sau thời gian điều trị vết thương và tiếp tục công tác tại phân đội trinh sát của Tỉnh đội Đắk Lắk, đến cuối năm 1964, bác Đào Thiên Trực được đơn vị cử đi học quân y. Năm 1965, bác về công tác tại Bệnh xá Tỉnh đội Đắk Lắk, một thời gian sau thì được điều về phục vụ trong đơn vị chủ công của tỉnh - Đại đội 875.

 

Vượt lên gông xiềng trong nhà tù đế quốc

 

Đầu năm 1966, trên đường đi công tác ở đường 21 Đắk Lắk, người lính cách mạng Đào Thiên Trực bị địch bắt, cầm tù trong 7 năm 4 tháng.

 

Ban đầu, địch giam giữ bác ở Nha thẩm vấn Cao nguyên trung phần Buôn Mê Thuột. Trong tù, bác kiên gan không khai báo bất cứ điều gì có thể làm ảnh hưởng đến cách mạng. Dùng lời ngon ngọt mua chuộc, dùng đòn roi lấy cung vẫn không được, đến tháng 7 năm đó, địch đưa bác ra giam giữ ở Quân đoàn 2, Pleiku.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, một đơn vị quân ta tấn công vào nhà tù Pleiku. Cuộc tổng tiến công ấy đã gây chấn động, tổn hao sinh lực địch. Sau trận đánh đó, địch liền chuyển bác ra nhà tù Phú Quốc.

 

Theo lời bác Trực, nhà tù Côn Đảo hay Phú Quốc đều là nỗi kinh hoàng. Bác Trực kể, bọn lính tra tấn tù binh rất dã man. Không chỉ dùng cây, gậy… đánh người tù, chúng còn dùng đinh 10 đóng xuyên vào đầu gối, rạch bụng tù nhân để thị uy. Trong tù, bác Trực may mắn hơn vì chỉ bị đánh gãy xương sườn số 6, nhưng nhiều đồng đội của bác thì bị đánh đến chết. Đặc biệt, địch đánh đập, tra tấn nặng hơn với những người làm cấp ủy trong tù, đánh rát để cho anh em sợ hãi quay ra chiêu hàng, tiết lộ bí mật… “Chúng đánh, bắt đầu từ khu A đến khu B, khu C; ai chịu không nổi đầu hàng thì giặc thả, ai không chịu hàng thì cứ giữ đó, đánh đập thường xuyên tới khi có lệnh trao trả tù binh mới thôi. Ở trong tù, người tù đấu tranh bằng cách tuyệt thực, có những người liên lạc được với tổ chức cách mạng thì tìm cách vượt ngục”, bác Đào Thiên Trực kể. Trong hai nhà tù, cả đất liền lẫn Phú Quốc, bác đều tham gia vào cấp ủy.

 

Ngày 21/3/1973, theo Hiệp định Giơnevơ, hai bên trao trả tù binh ở Thạch Hãn, Quảng Trị. Ra tù, bác Đào Thiên Trực được về học tập, an dưỡng ở Quân đoàn 72 Tuyên Quang. Đến giữa tháng 4/1974, bác được điều động vào Nam, cụ thể là về lại quê nhà, làm quản giáo trại tù binh của Tỉnh đội Phú Yên.

 

Thời gian sau đó, bác được điều động tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội ở khu vực TP Nha Trang. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bác được Tỉnh đội Phú Khánh rút về làm trợ lý bảo vệ. Đầu năm 1976, bác Trực được điều ra Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 861 Tuy Hòa, sau đó thì nhận lệnh ra Quy Nhơn công tác, làm chính trị viên Tiểu đội 35 - Tiểu đoàn 9 thuộc Sư đoàn 860 Quân khu V, rồi được điều về Sư đoàn 860, làm giáo viên chính trị, phụ trách huấn luyện tân binh chuẩn bị đưa quân sang chiến trường Campuchia. Đến năm 1983, bác Đào Thiên Trực nghỉ hưu.

 

Những kỷ vật quý giá

 

Trong căn nhà nhỏ, người chiến sĩ cách mạng một thời vào tù ra khám Đào Thiên Trực lấy từ cái tủ cũ kỹ ra mấy chiếc hộp lớn, trong đó có quyển sổ ghi chép những cuộc họp của cấp ủy, cả quyển nhật ký ở chiến trường, chép nhạc chép thơ và rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận cùng những tấm hình với đồng đội.

 

Bác khoe: “Cái này mới là quý giá nè”. Đó là kỷ niệm chương của Ban Bí thư Trung ương Đảng trao tặng, khi bác tham dự sự kiện gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

 

Bác Trực đang sống cùng người vợ thương binh đã nhiều lần bệnh nặng và nay thì nằm một chỗ. Hầu như tuần nào bác cũng đến nhà tôi, hay trò chuyện với những cụ già trong xóm về cuộc đời. Bác nói với chúng tôi: Chiến tranh qua rồi, lớp trẻ bây giờ cần lo tu dưỡng đạo đức, tận tâm, tận lực làm tốt công tác của mình để giúp ích cho đời, cho nhân dân!

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek