Thứ Sáu, 11/10/2024 05:30 SA
Nhà báo Hà Đăng: Bút sắc, lòng trong, một đời tin yêu Đảng
Thứ Hai, 01/01/2018 10:55 SA

Nhà báo Hà Đăng trò chuyện với tác giả bài viết tại nhà riêng ở Hà Nội - Ảnh: PV

Nhà báo Hà Đăng tên thật là Đặng Ha, quê ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Làm báo rồi giữ nhiều trọng trách, ở tuổi 89, trái tim nhiệt huyết, trí tuệ mẫn tiệp của ông vẫn hướng trọn về Đảng với niềm thành kính, ngưỡng vọng vô bờ. Với Báo Phú Yên, ông luôn là cộng tác viên đặc biệt, có những bài viết sâu nặng nghĩa tình với quê hương.

 

Chúng tôi được nhà báo Hà Đăng tiếp tại nhà riêng ở phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình (Hà Nội) vào một chiều cuối đông. Với giọng nói ấm áp, phong cách nhẹ nhàng, hiền hậu, ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của mình.

 

Nhà báo Hà Đăng nói vui: “Trong mấy chục năm ấy, tôi đã trải qua năm cái hai: hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ”. Rồi ông diễn giải: “Hai trung” là hai nhiệm kỳ Trung ương VI và VII. “Hai đại” là đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX. “Hai tổng” là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. “Hai trưởng” là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập. “Hai trợ” là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

 

Nhiều thành tựu trong nghề báo

 

Năm 1947, Hà Đăng tròn 18 tuổi. Chàng thanh niên đón nhận cùng lúc ba niềm vui: được kết nạp vào Đảng, được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền xã, được Báo Phấn Đấu (tiền thân Báo Phú Yên) đăng bài viết đầu tay của mình. Ông bảo: “Nào ngờ những niềm vui đó báo hiệu sự gắn bó đời mình với công tác tuyên giáo, với nghề báo sau này”.

 

Đã tròn 70 năm rồi nhưng khi kể về bài báo đầu tiên được đăng ấy, ông vẫn nhớ rạch ròi tiêu đề là “Tâm sự đồng bạc trong két sắt”. Lúc này, việc tuyên truyền quần chúng ủng hộ tài lực cho kháng chiến được chú trọng. Ở xã Bình Kiến có một địa chủ tính rất ky bo, không chịu đóng góp. Bài viết thông qua thân phận đồng bạc để nói rằng đồng bạc ở trong tay người nghèo thì chuyển thành vũ khí, lương thực cho bộ đội, còn đồng bạc của nhà giàu thì nằm im trong két sắt, vẫn là đồng bạc nhưng nó cảm thấy vô dụng quá. “Duyên nợ làm báo có lẽ bắt đầu từ bài viết này và từ đó, tôi thấy vai trò tích cực của báo chí đối với công tác tuyên truyền”, ông nói.

 

Anh Hà Đăng là một nhà lý luận, nhà báo giỏi. Anh thông minh nhưng khiêm tốn, hòa đồng, gần gũi và rất yêu mến quê hương Phú Yên. Anh luôn đón tiếp niềm nở và sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng hương. Mỗi lần Báo Phú Yên đặt bài, dù bận mấy anh cũng đều sắp xếp, nhiệt tình viết bài tham gia, giúp tờ báo chất lượng hơn.

 

(Nguyên Tổng Biên tập Báo Phú Yên Phạm Ngọc Phi)

Ở tuổi gần 90, nhà báo Hà Đăng vẫn khỏe, trí tuệ minh mẫn lạ thường. Ông vẫn nhớ như in từng tên người, hoàn cảnh ra đời của từng bài báo mà ông đã viết trong những năm tháng cầm bút. Các mốc quan trọng của cuộc đời mình đều được ông kể vanh vách, hầu như không có sự nhầm lẫn nào.

 

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp loại ưu trường trung học bình dân mang tên Phạm Văn Đồng, ông được giới thiệu về Ban đại diện Văn hóa cứu quốc miền Nam Trung Bộ, nhận nhiệm vụ Thư ký tòa soạn Tạp chí Miền Nam, cơ quan của Ban đại diện.

 

Hai năm sau - năm 1952, ông được điều động làm biên tập viên Báo Nhân Dân Liên khu 5. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, sau khi học một tháng ở Chèm, lớp dành cho cán bộ miền Nam tập kết, ông được điều về Báo Nhân Dân làm phóng viên. Đến đầu năm 1987, ông là Tổng Biên tập báo này.

 

Ký ức một thời tuổi trẻ lao động, cống hiến hăng say dường như vẫn còn tươi mới, ông hào hứng kể về việc làm báo. Một trong những bài báo ông có nhiều cảm xúc nhất là bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”. Bài viết có tiếng vang lớn, mở đầu cho phong trào thi đua Gió Đại Phong nổi tiếng. Vào những năm 1959-1960, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lên cao. Là phóng viên phụ trách mảng nông thôn của báo, với chiếc xe đạp cà tàng, ông cũng như nhiều phóng viên khác đã rong ruổi nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4 cũ.

 

Tháng 12/1960, lần đầu tiên ông được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới có một hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa, trong đó biểu dương HTX Đại Phong làm ăn tốt. Cảm nhận đây là một điển hình hay, ngay sau khi hội nghị bế mạc, ông bám theo Chủ nhiệm HTX Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị được cùng anh về thăm HTX.

 

Về đó, chủ nhiệm sắp xếp cho ông ở nhà một bà cụ xã viên. Mấy ngày liền, ông đi khảo sát tình hình ở hợp tác xã, nghe chủ nhiệm báo cáo và phỏng vấn các gia đình xã viên. Người cung cấp cho ông nhiều thông tin lý thú lại chính là bà cụ nông dân nhà ông ở.

 

Cái hay của HTX Đại Phong là cái hay của một hướng phát triển mới: từ tổ đổi công lên HTX và từ HTX nhỏ lên HTX lớn. Ông viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông” phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của HTX, được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 9/1/1961.

 

“Tôi biết anh Hà Đăng từ hồi anh còn làm báo. Kinh qua rất nhiều cương vị song dù ở cương vị nào, anh cũng rất giản dị, chân tình, thân thiện. Anh là một con người có trí tuệ uyên bác, trí nhớ tốt, luôn luôn khiêm tốn, không bao giờ tỏ ra ta là “quan”. Anh Hà Đăng là bậc thầy trong nghề báo cũng như trong hoạt động chính trị. Tôi có tình cảm yêu mến đặc biệt với anh Hà Đăng bởi anh là người bạn, người đồng chí mà mình là vai em”.

                              

GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh

Ngày hôm đó, Tổng Biên tập là nhà báo Hoàng Tùng nhận được điện thoại của Bác Hồ. Bác khen đây là một điển hình tốt, cần được nhân rộng. Hai ngày sau, cũng trên Báo Nhân Dân có bài viết của Bác về Đại Phong với tiêu đề “Một hợp tác xã gương mẫu”... Từ đó, phong trào thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, gọi chung là phong trào Đại Phong nổi lên khắp miền Bắc.

 

Không chỉ sắc sảo với những bài viết phản ánh vùng nông thôn hừng hực khí thế đổi mới, nhà báo Hà Đăng còn nổi tiếng với hàng trăm bài chính luận, được coi là vũ khí tư tưởng sắc bén để đấu tranh với giặc Mỹ trên mặt trận quân sự và ngoại giao nóng bỏng.

 

Sau này, ông tập hợp những bài viết đó lại, in thành tập “Thế ta - thế thắng” phản ánh trung thực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng các vấn đề về miền Nam Việt Nam. Có thể kể những bài viết sắc sảo, đầy sức chiến đấu của ông như: “Toàn dân đứng lên, khắp nơi nổi dậy”, “Thừa thắng xông lên, anh dũng xốc tới”, “Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng bừng bừng khí thế tiến công”…

 

Các đồng nghiệp của nhà báo Hà Đăng nhận xét: Anh là người hiền từ nhưng rất nguyên tắc, nghiêm khắc nhưng rất tình cảm; sự bực bội, day dứt hay giấu kín trong lòng. Phong cách của anh khiến đồng nghiệp và cấp dưới thường yên tâm khi được anh giao nhiệm vụ hay nhắc nhở sai sót.

 

Tham gia đàm phán Hội nghị Paris

 

Nhà báo Hà Đăng kể: Sau sự kiện Tết Mậu thân năm 1968, bốn bên tham chiến tại Việt Nam gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán. Đầu tháng 11, sau khi viết xong bài “Phá bĩnh và láo xược”, tôi đang đi dạo dưới hàng sấu ở phố Hàng Trống thì anh Hoàng Tùng đi họp về. Anh nhìn thấy tôi liền gọi bảo: “Chuẩn bị đi Paris nhé”. Tôi hỏi: “Đi làm gì hả anh?”. Anh nói vui vui: “Đi làm phụ tá cho bà Bình” (Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình - PV).

 

Ông băn khoăn không biết sẽ làm nhiệm vụ gì. Thì ra, ông được cử tham gia Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Paris, nhiệm vụ được phân công là viết các bài phát biểu của đồng chí trưởng đoàn (lúc đầu là ông Trần Bửu Kiếm, sau là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình). Khi biết mình tham gia đàm phán chứ không phải tham gia làm báo, ông cảm thấy thật vinh dự nhưng cũng không ít áp lực.

 

Những phiên họp đầu tiên, mỗi tuần một lần, ta tập trung vào việc nói rõ bản chất của cuộc chiến tranh, lập trường đàm phán của ta, vạch trần bộ mặt xâm lược của Mỹ và vai trò tay sai của chính quyền Sài Gòn, khẳng định Mặt trận Dân tộc giải phóng là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam. Ông viết bài rồi các thành viên trong đoàn đóng góp ý kiến, sửa chữa bổ sung.

 

Ông kể: Hồi đó, chị Duy Liên, thành viên của đoàn (sau giải phóng làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) bảo tôi: “Anh Đăng ơi, sao anh viết bài hiền dữ vậy? Anh phải đập cho thằng ngụy nó đau vào chứ”. Tôi hỏi lại: “Thế viết cho nó đau là thế nào?”. Chị bảo: “Đây, tôi có mấy bài báo cắt từ Hà Nội mang sang. Anh đọc để tham khảo”. Chị đưa tôi hai bài. Một là bài “Mười tội chết của bọn Thiệu, Kỳ”, hai là bài “Thằng Kỳ”. Thì ra, đó là hai bài tôi viết ở nhà. Tôi cười bảo chị: “Viết báo thế này là được, còn viết văn đàm phán thì khác chứ!”.

 

Viết bài phát biểu của đồng chí Trưởng đoàn quả thật không hề đơn giản. Bài viết phải qua nhiều lần dự thảo, nhiều cấp sửa, duyệt rất vất vả. Một bài đàm phán mà đưa ra tập thể bàn bạc thì quả là chín người mười ý. Ông hơi bức xúc và xin gặp Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị thay đổi quy trình viết. Bộ trưởng cười và đọc cho nghe một bài thơ vui của mình:

 

Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi

 

Viết đi viết lại vẫn chưa rồi

 

Khi giao anh viết, anh là thánh

 

Anh viết, người chê dốt nhất đời.

 

Bộ trưởng Xuân Thủy kể, khi đọc cho Tổng Bí thư Trường Chinh nghe bài thơ này, Tổng Bí thư họa lại như sau:

 

Đấu lý bao giờ cũng thế thôi

 

Nói đi nói lại vẫn chưa rồi

 

Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch

 

Đế quốc rồi đây sẽ hết đời.

 

Nhà báo Hà Đăng nói: “Công việc vất vả này không mấy ai biết nhưng khi được chia sẻ như vậy, tôi cảm thấy ấm lòng”. Đàm phán Paris kéo dài gần 5 năm. Đã có 160 phiên họp, tức là có 160 bài diễn văn chuẩn bị sẵn. Nhà báo Hà Đăng áng chừng, mình đã viết hơn một nửa số đó!

 

MINH CHÂU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những nẻo đường khởi nghiệp
Thứ Bảy, 23/12/2017 14:00 CH
Đôi tay “thắp sáng” cuộc đời
Thứ Bảy, 09/12/2017 13:00 CH
Kỳ cuối: Dốc sức vực dậy sau bão
Thứ Ba, 14/11/2017 08:35 SA
Kỳ 1: Che chở nhau trong hoạn nạn
Thứ Hai, 13/11/2017 09:06 SA
Chuyện hai “nàng mắm”
Thứ Bảy, 28/10/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek