Thứ Sáu, 11/10/2024 05:36 SA
Dốc sức vực dậy sau bão:
Kỳ cuối: Dốc sức vực dậy sau bão
Thứ Ba, 14/11/2017 08:35 SA

Ngư dân đang trục vớt, kéo tàu của anh Huỳnh Văn Vịnh vào bờ ở bãi Lau - Ảnh: NGUYÊN LƯU

Cả tuần nay, hàng trăm người dân đổ xô ra mặt biển vịnh Vũng Rô để lặn trục vớt tàu thuyền, để tìm lại những chiếc bè bị bão đánh vỡ tan, để giăng lưới bắt lại con tôm, con cá trôi từ lồng bè ra biển... Dù tốn rất nhiều công sức, nhưng ai không may chẳng tìm lại được gì thì coi như cả cơ nghiệp trắng tay. Ai vớt vát được ít tôm, ít cá thì gắng sức dựng lại lồng bè để vực dậy nghề nuôi. Ai có tàu thuyền hư hỏng thì sửa chữa, nếu tàu banh xác thì gỡ máy rồi chạy vạy đóng lại tàu mới để vươn khơi.

 

Trên chiếc thuyền nhỏ chạy lướt quanh qua các bãi, chúng tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, xác xơ trên vịnh Vũng Rô. Bão tan cả tuần rồi, nhưng vẫn còn đó những chiếc bè vỡ vụn trên mặt nước. Những tấm lưới nuôi tôm, cá trôi lềnh bềnh. Những tấm ván, khúc gỗ gãy vụn, phuy nhựa… dồn ứ ven bờ biển. Những xác tàu thuyền nát bét nằm la liệt bên chân sóng… Dẫu vậy, đông người trên biển đang gọi nhau í ới, đang tất bật giúp nhau, cùng nhau dầm mình hì hục kéo từng lồng bè trôi hay trục vớt tàu thuyền bị chìm dưới đáy biển…

 

Ngư dân sửa chữa tàu bị hư hại ở bãi Lau - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Bãi Lau thành bãi trục vớt, sửa tàu

 

Theo ông Nguyễn Nhân, Trưởng thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, thống kê ban đầu thôn Vũng Rô có 33 chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm và trôi mất (chưa kể tàu ở các nơi khác đến tránh trú bão bị thiệt hại). 64 hộ dân trong thôn nuôi tôm, cá các loại bị thiệt hại do bão hơn 500 tỉ đồng. Trong số đó có nhiều hộ mất trắng 3-5 tỉ đồng…

Trở lại bãi Lau - nơi ba anh em Hậu, Tùng, Phùng (nhân vật đã đề cập ở bài trước - PV) sinh sống, chúng tôi đếm có cả chục chiếc tàu thuyền bị bão, sóng đánh dạt lên bờ cát hư hỏng hoặc nát bét. Trong số đó có 3 chiếc tàu từ 33CV trở lên bị sóng đánh dồn vào nhau vỡ vụn; còn chiếc tàu lớn trên 320CV trị giá hơn nửa tỉ bạc của anh Nguyễn Hồi (SN 1969, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị lật nghiêng và một phần mạn tàu bị vùi trong cát hư nát. Ở cạnh đấy, rất nhiều người thợ đang đục đẽo, sửa chữa những chiếc tàu nhỏ vừa trục vớt lên bờ…

 

Bỏ lại sau lưng mình xác chiếc tàu 34CV vỡ vụn, phơi trơ khung trên bờ cát, ông Huỳnh Cơ (58 tuổi, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) đang “chỉ huy” đám thợ thuyền ra sức trục vớt chiếc tàu còn nằm sâu dưới nước của đứa con trai Huỳnh Văn Vịnh. Ông Cơ xót xa nói: Từ bãi Lau này đến bãi Chính có đến cả trăm chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm. 66 chiếc tàu thuyền của ngư dân xã Đại Lãnh đến trú bão ở đây đều chìm, một số ít tàu bị sóng đánh banh xác trên bờ. Cũng như nhiều ngư dân khác nghĩ rằng bãi Lau nằm sâu trong eo núi, là nơi trú tránh bão an toàn nên cha con tôi chạy tàu đến đây neo đậu cẩn thận. Thế nhưng, thực tế hậu quả khôn lường khi bão dữ đổ bộ chính diện và kéo dài kết hợp sóng lớn nên không có chiếc tàu nào có thể “trụ” nổi trên mặt nước biển.

 

Vừa giúp con ông Cơ kéo tàu bị chìm vào bờ, anh Lê Công Minh (34 tuổi, quê ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) cho hay: “Ở đây có 5 nhóm người đang trục vớt tàu thuyền. Cứ mỗi chiếc được đưa lên bờ mất chi phí 6 triệu đồng. Tôi đã tham gia giúp bà con trục vớt 34 chiếc tàu chìm nơi bãi Lau”. Anh Minh cũng đưa tàu 33CV của mình vào neo ở bãi Lau nhưng bị bão thổi bay lên bờ cát và hư hỏng nặng. Anh dùng dây thừng buộc cố định xung quanh tàu rồi thuê người đẩy ra mặt nước. Khi chúng tôi đến, anh Minh đang liên hệ thuê tàu với giá 13 triệu đồng để lai dắt tàu về sửa chữa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung.

 

Và khó có thể cầm được nước mắt khi bắt gặp hình ảnh anh Châu Đình Phước ở bãi Lách ngày ngày lếch trên cát hoặc chống nạn ra đứng thẫn thờ trước biển, rồi thuê người ra bãi Lau trục vớt tàu. Anh Phước bị cưa mất chân trái lên sát mông sau một vụ tai nạn tai ác cách đây 10 năm. Thương tật và làm ăn bấp bênh, 4 năm trước, vợ chồng anh tích cóp, mạnh dạn vay mượn 350 triệu đồng sắm chiếc tàu máy ba và giàn lưới đi đánh cá. Dù bị tật nguyền nhưng anh Phước cũng lái được tàu khai thác thủy sản hiệu quả, đủ đắp đổi nuôi 3 con ăn học. Giờ thì cả cơ nghiệp coi như trắng tay. “Đến ngày 12/11, tôi mới thuê được người trục vớt tàu. Nhưng bão đánh chìm tàu hỏng nát rồi, chỉ lấy lại được cái máy thôi. Tôi sẽ cố gắng sắm lại tàu để vực dậy nghề đánh cá, nhưng người thương tật như tôi cũng chưa biết xoay xở thế nào đây…”, anh Phước tâm sự với tôi.

 

Nắng lên cao loang loáng mặt biển. Bãi Lau vốn xanh ngát, yên ả, giờ trở nên xác xơ với đông đúc người đang sửa chữa và trục vớt tàu thuyền… Mọi người đang gắng gượng chạy đua vực dậy nghề biển!

 

Đông đảo bà con ra vịnh Vũng Rô khắc phục lồng bè bị hư hại sau bão - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Đổ xô lặn tìm bè tôm, cá

 

Nằm cạnh những xác tàu là những xác bè nuôi tôm, cá. Trước đây, hàng trăm bè tôm cá nằm ken dày ở vịnh Vũng Rô. Giờ thưa thớt. Đa số bè bị bão đánh trôi dạt ra mũi Yến ăn thông ra biển. Tôi đếm còn khoảng vài chục bè tôm cá hư hỏng, vỡ vụn được neo lại trong vịnh. Một số nhà bè xiêu vẹo và đứt lưới chỉ còn trơ khung cây với phuy nhựa. Ở giữa vịnh, nhiều người đang hì hục cảo lưới trên một chiếc bè bị hỏng nặng. Ròng rã những ngày sau bão, dường như tất thảy người dân nuôi tôm, cá ở đây đều lao ra vịnh biển để tìm lại bè hoặc cảo lưới, hoặc sửa chữa lồng bè...

 

Ông Nguyễn Hứa (SN 1956 ở bãi Lách) với gương mặt phờ phạc sau bão, cho hay, mấy hôm nay ông thuê nhiều nhân công sửa chữa đóng lại bè; thuê 4 thợ lặn lặn bắt tôm, cá còn sót lại trong lồng bị rách. “Tôi dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư trên 1 tỉ đồng thả nuôi khoảng 4.000 con cá các loại như mú, chim, bốp…; nuôi hơn 4.000 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Dù neo chằng lồng bè cẩn thận, nhưng cơn bão dữ này gây thiệt hại nặng bè tôm cá. Qua kiểm đếm ban đầu, số tôm, cá còn lại chỉ khoảng 1.500 con. Hiện nhà cửa của gia đình tôi cũng bị hư hỏng nặng nên việc gầy dựng lại nghề nuôi thủy sản hưng thịnh như trước đây đòi hỏi phải mất thời gian khá dài”, ông Hứa nói.

 

Không may mắn vớt vát được ít tôm, cá như ông Nguyễn Hứa, anh Nguyễn Ngọc Tý (37 tuổi ở bãi Ngà) thả nuôi hơn 3.000 con tôm hùm, 1.000 con cá các loại bị trôi mất sạch. Chị Mai Thị Vân, vợ anh Tý, cho biết: “Tôi ở nhà chỉ biết lo dọn dẹp nhà bị bão đánh sập, còn mấy ngày nay anh Tý cứ lặn hụp ngoài biển tìm lồng bè và chỉ mới tìm được 2 lồng bị rách lưới không còn sót lại con tôm nào. Gia đinh tôi cũng như đa số các hộ nuôi tôm hùm ở bãi Ngà, bãi Lách bị thiệt hại đều có vay vốn ngân hàng. Bà con rất mong chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để tái đầu tư sản xuất”. Cũng giống như anh Tý, anh Phạm Được (40 tuổi, chồng chị Huỳnh Thị Ý - nhân vật đã đề cập ở bài trước) mấy hôm nay cứ chèo chiếc thuyền thúng ra biển vừa tìm trên bờ vừa lặn kiếm chiếc bè bị gãy trôi mất. Gia đình anh Được là hộ nghèo trong thôn Vũng Rô, đã vay mượn vốn thả nuôi gần 1.000 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng giờ mất trắng, ôm nợ.

 

Trở lại câu chuyện của ba anh em “robinson” Hậu, Tùng, Phùng sống ở bãi Lau. Mỗi người mỗi cảnh. Anh Hậu bị thiệt hại gần 5ha cây keo, chuối, đu đủ… trồng ven núi bãi Lau, trôi mất khoảng 100 con tôm hùm. Còn gia đình anh Tùng coi như trắng tay, trong khi đang chạy bữa nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó có một đứa đang học đại học. “Tôi mua lại 20 ô lồng thả nuôi hơn 600 con tôm lứa, 350 con tôm hùm được từ 0,8-0,9kg sắp thu hoạch bị trôi sạch. Chiếc thuyền để chạy vào bờ mua thức ăn tôm mỗi ngày cũng bị bão đánh vỡ tan rồi”, anh Tùng cho biết. Vợ chồng anh đang tất bật tìm lồng bè để làm lại từ đầu. Tình cảnh gia đình anh Phùng cũng không ngoại lệ, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng vì mất sạch bè tôm và chiếc tàu hư hỏng nặng…

 

Nếu như ở bãi Lau chỉ có 3 gia đình bị thiệt hại do bão thì ở các bãi Lách, bãi Ngà, bãi Hương, bãi Bàng, bãi Nhãn… có đến vài chục hộ mất trắng từ 1-2 tỉ đồng tiền nuôi tôm cá trong đợt bão này. Nhiều triệu phú, tỉ phú tôm hùm ở đây bỗng chốc trắng tay vì lồng bè trôi sạch theo bão biển. Điều đáng nói là, mặc dù UBND tỉnh quy hoạch tạm thời và chỉ cho phép tạm thời sử dụng 100ha mặt nước từ bãi Bàng đến bãi Nhãn để nuôi thủy sản bằng lồng bè, nhưng phong trào nuôi tôm, cá trong vịnh Vũng Rô “bùng phát” với khoảng 10.000 lồng bè (đa số lồng bè của người dân ở các nơi khác đến nuôi - PV). Vậy nên lồng bè nằm ken dày ở nơi này khó quản lý và đối mặt với những bất trắc do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên tai… là điều khó tránh khỏi.

 

Thiên tai vô thường. “Dậm gai lấy gai để lở”, trong gian khó bời bời sau bão, người dân Vũng Rô vẫn lạc quan bảo rằng “của đi thay người” và chỉ có quyết tâm nuôi trồng thủy sản mới gầy dựng cơ nghiệp lần nữa…

 

* * *

 

Xin mượn những câu thơ của ông Lê Hàng (78 tuổi, ở bãi Lách) sáng tác sau khi bão tan nhằm động viên bà con Vũng Rô vực dậy sau bão, để kết thúc bài viết này: Bão xô ngã, ta đứng dậy đi/ Đoàn kết chung tay giúp đỡ nhau/ Còn người, còn có niềm hy vọng…

Tháng 11/2017

  

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Che chở nhau trong hoạn nạn
Thứ Hai, 13/11/2017 09:06 SA
Chuyện hai “nàng mắm”
Thứ Bảy, 28/10/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek