Thứ Sáu, 11/10/2024 05:37 SA
Đôi tay “thắp sáng” cuộc đời
Thứ Bảy, 09/12/2017 13:00 CH

Phút thư giãn của Hạnh và người thân - Ảnh: NGỌC DUNG

Bị khiếm thị từ thuở nhỏ, Huỳnh Công Hạnh (25 tuổi, ở phường 2, TP Tuy Hòa) đã băng qua khổ đau, không ngừng nỗ lực, cố gắng mở ra cánh cửa cho cuộc đời mình. Chị đã nỗ lực đem cuộc đời mình rọi sáng những phần đời bất hạnh cho người đồng cảnh ngộ, truyền nghị lực và niềm tin hướng đến tương lai tươi sáng.

 

Những “dấu chân” hồi ức

 

Từ khi sinh ra, mắt phải của cô bé Hạnh đã không nhìn thấy, mắt trái chỉ thấy được khoảng 20%. Thất vọng khi vợ không sinh được con trai, con cái lại tật nguyền, cha Hạnh dứt áo ra đi theo người đàn bà khác khi Hạnh mới vài tháng tuổi. Tuổi thơ của cô bé Hạnh chìm trong những tháng ngày buồn tủi, khốn khó. Bà Trần Thị Oanh - mẹ Hạnh hàng ngày mưa nắng tảo tần buôn bán trứng cút, trứng gà luộc cho khách ở bến xe để kiếm vài chục ngàn đồng tiền lời ky cóp nuôi Hạnh suốt mười mấy năm trời. Nhắc lại những ngày tháng cũ, Hạnh nói: “Hồi đó, em thường buồn và khóc. Em không có bạn bè, lại ít khi trò chuyện với mẹ vì mẹ bận bịu suốt ngày”.

 

Cuộc sống khó khăn, chông chênh của người mẹ đơn thân nuôi con tật nguyền khiến mẹ Hạnh tìm một bờ vai đàn ông để nương tựa. Mẹ “đi bước nữa”, ngoài cha dượng, gia đình Hạnh đón thêm một thành viên mới - cậu em trai cùng cha khác mẹ Hà Văn Phúc chào đời. Nhưng thay vào niềm vui là một nỗi buồn ập xuống căn nhà của Hạnh khi cậu bé Phúc lại tiếp tục bị mù lòa. Cả gia đình rơi vào nỗi đau khôn cùng. Bà Oanh nghẹn ngào: “Tôi mong sinh một đứa con lành lặn bình thường để có thể nương nhờ, trông cậy sau này và đỡ đần cho con Hạnh. Nào ngờ…”. Tê dại trong sự “truy đuổi” nghiệt ngã của số phận, trong buổi sáng mưa gió sụt sùi những ngày cuối đông, người phụ nữ ở tuổi ngoài 50 này nói với tôi về bóng đen số phận quây quanh gia đình mình. Những giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên gương mặt người mẹ bất hạnh này.

 

Không chỉ có hai con bị khuyết tật, bà Oanh còn có hai người anh em trai cũng bị mù lòa. Hiện một người đã mất, còn một người bà đang chăm sóc trong gia đình mình. Nhiều năm nay, gia đình bà Oanh nằm trong diện được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam ở địa phương. Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam để lại nhiều di chứng tàn khốc cho cuộc sống người dân trên vùng đất Phú Yên. Nỗi đau nghiệt ngã của thời hậu chiến, gia đình bà Oanh đang oằn mình gánh chịu.

 

Tìm lối đi cho cuộc đời

 

Mơ ước được học chữ ở Trung tâm Vòng tay ấm ngày ấy như bạn bè đồng trang lứa dần biến mất, khi mắt trái của cô bé Hạnh ngày càng đau nhức. Không còn được đến trung tâm, Hạnh ngồi bó gối trong góc nhà buồn buồn tủi tủi nhớ tiếc những giờ đến lớp, nhớ giọng nói thầy cô và tiếng cười nói ríu rít của đám bạn học con nhà nghèo. Em Phúc được ba dượng cho học đàn, còn Hạnh thì không. Tuy còn nhỏ nhưng Hạnh hiểu, ba dượng là ba ruột em Phúc, ba thương em nhiều hơn cũng là đương nhiên. Hạnh lớn lên nhờ một phần công lao nuôi dưỡng của ba dượng hợp sức cùng mẹ, Hạnh không thể oán trách, càng không thể quên ơn dưỡng dục. Ngày càng khôn lớn, Hạnh càng cảm thấy bức bối, có lỗi khi bản thân trở thành gánh nặng cho mẹ. Tình cờ một ngày, Hạnh biết được tin có một cơ sở massage của người khiếm thị mở trên đường Nguyễn Công Trứ (phường 4, TP Tuy Hòa), trong lòng Hạnh ánh lên niềm hy vọng về cuộc sống tự lập. Năm ấy, Hạnh bước sang tuổi 20.

 

Tìm đến xin người chủ cơ sở massage học nghề trong tình trạng không một đồng xu dính túi, Hạnh rụt rè trình bày gia cảnh, rồi e dè xin ông Võ Văn Quân - chủ cơ sở được học nghề. Hạnh nói: “Hàng ngày, con ăn hết bao nhiêu, con mua đồ dùng gì chú cứ lấy sổ ghi lại. Sau này, con làm có tiền, con sẽ trả lại cho chú…”. Thương hoàn cảnh cô gái nghèo, người đàn ông tốt bụng ấy gật đầu tiếp nhận. Mày mò học nghề ở đây một tháng, Hạnh không chỉ học cách bấm huyệt, xoa bóp, mà quý hơn là Hạnh biết được những câu chuyện về nghị lực sống của những người đồng cảnh ngộ. Ở cơ sở này, Hạnh quen biết với một cô bé tên Trúc. Cô bé giới thiệu Hạnh làm quen và gia nhập Hội Người mù tỉnh Phú Yên. Qua những lần sinh hoạt Hội, nỗi mặc cảm trong Hạnh ngày càng vơi đi mà thay vào đó là ý chí vươn lên số phận.

 

Trong dòng hồi ức về những bước ngoặt đổi thay cuộc đời, Hạnh không thể quên cái ngày nhận được cuộc gọi của ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phú Yên thông báo về lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt miễn phí cho người khiếm thị mở tại Hà Nội. “Bác hỏi con có muốn tham gia học lớp này không?”. Khỏi phải nói cũng biết em mừng quá trời. Đó là cơ hội cũng là mong ước bấy lâu của em!”, Hạnh cười rạng rỡ. Được Hội Người mù tỉnh Phú Yên hỗ trợ 1 triệu đồng chi phí tàu xe, Hạnh háo hức đón tàu ngược ra Bắc học nghề. Lần đầu tiên trong đời Hạnh phải trải qua một chặng đường dài hơn ngàn cây số, nhưng thay vì lo ngại, trong lòng cô gái trẻ tràn ngập niềm vui trong suốt hành trình.

 

Vợ chồng Huỳnh Công Hạnh xoa bóp, bấm huyệt cho khách - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Ngày mới

 

Thật không dễ dàng khi phải học cách tìm huyệt đạo để biết xoa bóp hiệu quả, vậy nên ban ngày học trên lớp, tối về Hạnh cần mẫn tập luyện cách tìm huyệt đạo chữa bệnh theo cách thầy giáo hướng dẫn, cũng như nhờ bạn bè trợ giúp. “Không chỉ được học nghề, trong thời gian này, em còn quen biết một số bạn bè thân tình ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Họ là những người bạn tốt mà cuộc đời em có duyên may hội ngộ”, Hạnh chia sẻ.

 

Sau 3 tháng rưỡi miệt mài học nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người mù tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Hạnh được cấp chứng chỉ nghề. Nắm trên tay giấy chứng chỉ hành nghề, Hạnh vui mừng khôn tả. Đây là tấm giấy “thông hành” quan trọng giúp Hạnh thuận lợi trong quá trình tìm việc làm mưu sinh.

 

Có nghề trong tay, qua lời giới thiệu bạn bè, Hạnh lần dò đón xe vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đi xin việc tại các cơ sở massage ở các khu phố dành cho người Tây của thành phố này. Tại đây, Hạnh phải túc trực làm việc từ 7 giờ 30 sáng cho đến 23 giờ tối. Mỗi một lần massage cho khách, Hạnh được chủ trả tiền công 35.000 đồng.

 

Ngày đầu tiên massage cho ông khách Nga nặng gần 200 ký, Hạnh về phòng trọ không nhấc nỗi hai tay vì mỏi nhừ, đau nhức, Hạnh phải thoa dầu cả đêm để hôm sau tiếp tục làm việc. Tháng lương đầu tiên, cầm 6 triệu đồng trên tay, Hạnh vui mừng khôn xiết. Sau khi trả tiền thuê phòng, ăn uống dư được 3 triệu đồng, Hạnh gửi người chủ giữ giùm. Tới tháng thứ 2, tháng thứ 3 trở đi, Hạnh mới dám mua ít quần áo mới, còn lại gom góp để dành. Trong những tháng ngày gập ghềnh mưu sinh, Hạnh tìm thấy “một nửa” còn lại của cuộc đời mình. Đó là anh Hoàng Việt Lực, một chàng trai khiếm thị hiền lành đến từ Đắk Lắk hết lòng yêu thương, nâng đỡ cô trong những lúc khó khăn.

 

Sau 5 năm đi làm thuê, dành dụm tích góp được 40 triệu đồng, được mẹ cho thêm 10 triệu đồng, Hạnh ấp ủ ước mơ mở tiệm massage tại quê nhà. Hạnh tâm sự: “Phần không muốn đi làm thuê nơi đất khách quê người, phần muốn tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, nên em muốn thử sức…”. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và Hội Người mù tỉnh, ngày 5/1/2015, cơ sở massage “Ánh sáng khiếm thị” do Huỳnh Công Hạnh làm chủ ra đời. Gần 3 năm nay, căn nhà nhỏ số 229 Lê Trung Kiên, phường 2 (TP Tuy Hòa) trở thành ngôi ngà chung của vợ chồng Hạnh và 7 người bạn đồng cảnh ngộ khác đến từ: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bình Dương và Đắk Lắk.

 

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ rất tốt cho điều trị đau cơ, đau vai gáy, teo cơ, suy nhược thần kinh, mất ngủ… Với cách xoa bóp chuyên nghiệp theo liệu pháp y học cổ truyền, mỗi ngày cơ sở của Hạnh có khoảng 15-20 khách tìm đến xoa bóp toàn thân, giác hơi, xông hơi thuốc Bắc… Hầu hết họ đều là khách quen và đặt niềm tin vào những đôi tay nhuần nhuyễn, điêu luyện của các nhân viên cơ sở này. Mỗi vé massage dao động từ 50.000-90.000 đồng, nhưng những người khiếm thị làm việc rất trách nhiệm, tận tình chu đáo. “Tôi bị đau vai gáy đã nhiều năm, mỗi lần đến cơ sở xoa bóp xong, những cơn đau nhức của tôi dần biến mất. Tôi rất tin tưởng, quý mến sự phục vụ tận tình, chu đáo của các nhân viên ở đây”, chị Lê Thị Mai ở phường 3 (TP Tuy Hòa), một khách quen của cơ sở cho biết.

 

Anh Nguyễn Xuân Thịnh, một nhân viên massage quê Diên Toàn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) tâm sự: “Trước đây, tôi là tài xế lái xe bị tai nạn rồi mù mắt. Nhiều lần, chán nản quá tôi định tự tử để kết thúc cuộc đời tăm tối. Nhưng từ khi gặp gỡ và quen biết với nhiều người đồng cảnh ngộ, tôi thấy nhiều người còn bi thảm hơn vậy mà họ vẫn vươn lên. Được gặp Hạnh, làm việc tại cơ sở của cô ấy, vợ chồng tôi như được tiếp thêm niềm vui sống”. Bình quân mỗi thành viên có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Có công việc ổn định, tự lực mưu sinh, anh Thịnh cùng với vợ - chị Nguyễn Thị Lan ở Bình Thuận và những người khiếm thị khác ở cơ sở cảm thấy tự tin hơn, không còn mặc cảm tàn phế.

 

Trong ánh sáng dịu nhẹ, thoang thoảng mùi hương hoa oải hương dễ chịu, Hạnh đưa tôi đi tham quan các phòng massage. Chị mỉm cười: “Thời gian đầu, em mở cơ sở này khó khăn lắm, nhất là xoay xở tiền để mua giường, máy lạnh, thuê nhân viên… Hiện tại, cơ sở có 8 giường, máy điều hòa và xông hơi. Tất cả có được là nhờ dành dụm tích lũy”. Vợ chồng Hạnh chia sẻ ước mơ mong cơ sở thực sự phát triển. Qua đó, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp những người khiếm thị khác có việc làm, thu nhập ổn định, để họ có một tương lai tươi sáng hơn.

 

Điều kỳ diệu nhất của những người bị khuyết tật chính là nghị lực, ý chí nỗ lực vươn lên. Điều đáng quý ở Hạnh không chỉ là nỗi khát khao vươn lên số phận, mà Hạnh còn “thắp lửa” niềm tin ngày mai tươi sáng cho những người khiếm thị đồng cảnh ngộ.

 

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phú Yên Hoàng Tự Điển

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Dốc sức vực dậy sau bão
Thứ Ba, 14/11/2017 08:35 SA
Kỳ 1: Che chở nhau trong hoạn nạn
Thứ Hai, 13/11/2017 09:06 SA
Chuyện hai “nàng mắm”
Thứ Bảy, 28/10/2017 14:00 CH
Mật ngọt từ khóm
Thứ Tư, 18/10/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek