Thứ Sáu, 11/10/2024 07:30 SA
Cơ nghiệp của giám đốc không bằng đại học
Chủ Nhật, 29/10/2017 08:05 SA

Nhiều người biết đến phân bón nhãn hiệu NPK Agrilong, bởi NPK Agrilong là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên được công nhận là Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ của tỉnh. Để có được những thành tựu như hôm nay, ít ai biết ông chủ doanh nghiệp đã phải gác lại ước mơ giảng đường vì hoàn cảnh khó khăn. Anh là Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Hoàng Long Vina.

 

 

Ông Nguyễn Hồng Phong - Ảnh: TRẦN QUỚI

Khát vọng làm giàu

 

Nguyễn Hồng Phong (SN 1972), sinh ra và lớn lên ở huyện lúa Tuy Hòa (nay thuộc phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Tốt nghiệp THPT, Phong thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nhưng phải đành gác lại giấc mơ giảng đường vì thời điểm ấy gia đình anh quá khó khăn.

 

Vào đời với tấm bằng tú tài những năm 1990, Nguyễn Hồng Phong lăn lộn với nhiều công việc làm thuê, làm mướn. Lập gia đình. Hai vợ chồng dồn hết số vốn liếng khởi nghiệp bằng máy xay xát gạo, rồi chuyển sang buôn bán thức ăn nuôi tôm. Và rồi anh quyết định đầu tư: sản xuất phân bón.

 

Niềm tin của Nguyễn Hồng Phong xuất phát từ cách suy luận đơn giản: xứ mình và cả nước mình làm nông nghiệp là chính, việc sản xuất phân bón phục vụ cho nông nghiệp chắc chắn sẽ “không chết”. Hơn nữa, lĩnh vực sản xuất phân bón không nhiều người làm, các nhà máy phân bón lớn trong nước sản xuất không đáp ứng nhu cầu, Nhà nước phải cho nhập khẩu phân bón. Chị Lê Thị Anh Đào, vợ anh cũng con nhà nông nên gật đầu cái rụp bởi cái lý luận đơn giản nhưng rất có “sức nặng” của chồng mình.

 

Năm 2005, xưởng sản xuất phân bón Hoàng Long Vina của Công ty TNHH SX&TM Hoàng Long Vina ra đời tại KCN Hòa Hiệp với hai dòng sản phẩm: phân hữu cơ và phân vi sinh NPK. Vấn đề hiện tại và cả chiến lược phía trước là phải tìm được thị trường tiêu thụ. Một bài toán khó, rất khó, mặc dù đã được lường trước khi bắt tay vào sản xuất. “Phân sản xuất ra chất thành đống cao ngất, nhìn mà thấy nản”, chị Đào - vợ anh nhớ lại.

 

Giao công việc sản xuất lại cho vợ, anh cùng những kỹ sư thân tín mang phân mẫu Agrilong tìm đến các đại lý vật tư nông nghiệp ở khắp các huyện trong tỉnh và các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đến các tỉnh Tây Nam Bộ để giới thiệu, ký gửi sản phẩm. Câu trả lời hầu hết là cái lắc đầu, khiến anh và người đồng hành như không còn năng lượng để tiếp tục. Nhưng ý chí và nghị lực không cho phép Nguyễn Hồng Phong gục ngã lúc này, điều đó đồng nghĩa với phá sản!

 

Không giới thiệu suông, Nguyễn Hồng Phong mang phân Agrilong đến tận các hộ dân mời dùng thử, cộng với chính sách giá ưu đãi. Sau thời gian, anh đón nhận được những tín hiệu vui, bà con chấp nhận dùng sản phẩm cũng như cây trồng của họ phát triển tốt nhờ NPK Agrilong. Về sau, anh có cách làm khoa học hơn, liên hệ chính quyền địa phương phối hợp với các cửa hàng, đại lý và nông dân tổ chức hàng loạt hội thảo đầu bờ. Chiến dịch hội thảo đầu bờ thành công đã mở ra cơ hội cho sản phẩm phân bón Agrilong, cũng như tiếp thêm nguồn năng lượng để Nguyễn Hồng Phong mở rộng thị trường đến nhiều địa phương và tham gia rất thành công mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sau này.

 

Với cách làm mưa dầm thấm lâu, lấy uy tín, chất lượng và hiệu quả thực tế của sản phẩm làm trọng, Giám đốc Nguyễn Hồng Phong từng bước chinh phục được lòng tin của người nông dân. Cùng với đó là một loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho cả nông dân và đại lý, 3 năm sau, phân bón Agrilong đã có được chỗ đứng trong thị thường rộng lớn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nam Bộ. Hàng ngày, lần lượt những chuyến xe tải chở đầy sản phẩm Agrilong nối đuôi nhau xuất kho...

 

Lúc này, một vấn đề khác đặt ra đòi hỏi Hoàng Long Vina phải nỗ lực hơn là đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao và tính cạnh tranh với những “ông lớn” trong lĩnh vực phân bón.

 

Ưu tiên đầu tư công nghệ

 

Đầu tư dây chuyền thiết bị mới để nâng công suất nhà máy theo hướng hiện đại là một nhu cầu cấp thiết. Rất may vào thời điểm đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi với gói cho vay bảo lãnh dành cho doanh nghiệp và Hoàng Long Vina được giải ngân đến vài chục tỉ đồng để đầu tư máy móc. Hai năm sau, công ty được tiếp tục vay trở lại gói hỗ trợ này, nhờ đáo hạn đúng cam kết, để tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất.

 

Từ công nghệ giản đơn, Hoàng Long Vina đầu tư các công nghệ hiện đại: Công nghệ tự động phối trộn hạt rời, công nghệ tạo hạt theo phương pháp ép nén cơ học đến dây chuyền tự động tạo hạt phân bón theo công nghệ hơi nước nhập khẩu từ châu Âu. Tháng 3/2017, Hoàng Long Vina đã khánh thành nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ tạo hạt tháp cao của châu Âu với tổng kinh phí 200 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và kinh phí hỗ trợ của Bộ KH-CN (12,5 tỉ đồng). Nhà máy có công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, với trên 60 dòng sản phẩm phù hợp với nhiều loại cây trồng, thổ nhưỡng khác nhau.

 

Giám đốc Nguyễn Hồng Phong xuống tận xưởng với anh em công nhân - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

“Tôi thấy mình may mắn khi đúng thời điểm doanh nghiệp khó khăn nhất được Nhà nước hỗ trợ gói vay. Năm 2005, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ và NPK của công ty rất thủ công bởi thiếu vốn, nhờ gói vay này công ty đã từng bước đầu tư công nghệ tiên tiến, nâng cao công suất. Năm 2016, công ty được UBND tỉnh, Bộ KH-CN chọn giao nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu sản xuất phân NPK một hạt chất lượng cao bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao sử dụng cho một số cây trồng chủ lực, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là công nghệ hiện đại bậc nhất tại châu Âu trong sản xuất phân bón NPK”, anh Nguyễn Hồng Phong nói.

 

Sau hơn 10 năm dấn thân vào lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ, NPK, một lĩnh vực mà ít người dám “xâm mình” đầu tư, Giám đốc Nguyễn Hồng Phong đã xây dựng được thị trường và thương hiệu phân bón NPK Agrilong nhãn hiệu con rồng. Công ty đã có trên 300 đại lý cấp 1, nhà phân phối sản phẩm phân bón tại các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Năng suất nhà máy từ những năm đầu chỉ vài chục tấn, lên vài trăm tấn/năm, đến năm 2016 Hoàng Long Vina đã tung ra thị trường hơn 60.000 tấn phân NPK các loại. Giám đốc Nguyễn Hồng Phong tâm sự: “Không phải nông dân mình chuộng hàng ngoại, mà vấn đề là hàng nội chất lượng chưa bằng thì không thể kêu gọi “ưu tiên”. Bằng chứng là sản phẩm phân bón NPK Agrilong được đầu tư sản xuất với dây chuyền công nghệ hiện đại, nguyên liệu đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, hiệu quả được cơ quan chức năng công nhận và kiểm nghiệm thực tế thì sẽ tạo được niềm tin. Các sản phẩm mới của Hoàng Long Vina vừa “tung ra” như: NPK 18-16-8+TE, NPK 22-12-8+TE, NPK 16-16-16+TE, NPK 30-10-10+TE, NPK 19-7-22+TE và NPK 19-7-22+TE… đã được thị trường đón nhận, bởi ưu việt về nhiều mặt công nghệ, giá thành cạnh tranh hơn với cả sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại”.

 

Niềm vui càng nhân lên, khi mới đây Công ty TNHH SX&TM Hoàng Long Vina được trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN. Giám đốc Sở KH-CN Lê Văn Cựu đánh giá: “Việc áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc áp dụng công nghệ mới, việc đầu tư cho phát triển KH-CN của Hoàng Long Vina là rất đáng ghi nhận”.

 

Chiếc bánh gạo Nhật và giấc mơ gạo sạch

 

“Có lần tôi tham gia một hội chợ nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, gian hàng gạo các nước khiến mình hoa cả mắt với rất nhiều loại gạo chất lượng cao và giá thành cũng cao. Khách hàng Việt chọn mua ầm ầm những túi gạo hữu cơ của Nhật Bản với giá lên đến 200.000 đồng/kg. Một câu chuyện khác, nếu để ý sẽ thấy, rất nhiều bà mẹ Việt chọn mua bánh gạo Nhật Bản ăn vặt, một sản phẩm sau gạo được khách hàng cả thế giới ưa chuộng. Việt Nam cũng có gạo nhưng vì sao chưa có nhiều sản phẩm sau gạo chất lượng?”, Nguyễn Hồng Phong kể và đặt vấn đề.

 

Phú Yên là vựa lúa miền Trung, cung cấp gạo cho cả nước, nhưng vì sao lúa gạo của nông dân mình làm ra không thể bán với giá cao. Trong khi đó, nhiều vùng trong nước như ở đồng bằng sông Cửu Long, Sông Hồng hay vượt ra biên giới là gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan, thậm chí người hàng xóm Campuchia lại sản xuất được gạo chất lượng, giá cao? Những câu hỏi ấy luôn ám ảnh, khiến anh trăn trở. Và Nguyễn Hồng Phong âm thầm gầy dựng giấc mơ gạo hữu cơ xuất khẩu.

 

Nguyễn Hồng Phong đang xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, công suất 100 tấn lúa/ngày. “Nếu dự án này được chấp thuận, sẽ tạo ra một chuỗi khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến sản phẩm gạo tinh ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Lúc ấy, người nông dân không phải lo quy trình chăm sóc hay bán lúa cho ai để được giá cao, tất cả đều được dự án hợp đồng bao tiêu trọn gói”, anh Phong tự tin nói về mục tiêu tiếp theo của mình.

 

Thương hiệu phân bón NPK Agrilong, theo lý giải của chủ nhân nó là được ghép của hai từ trong tiếng Anh: Agriculture (nông nghiệp) và Long (dài lâu, bền vững). Phát triển nông nghiệp bền vững đó cũng là ước mơ, khát vọng, mục tiêu vươn tới của Nguyễn Hồng Phong với sản phẩm phân bón và sắp tới là sản phẩm lúa gạo hữu cơ. “Tôi đã tìm thấy lý tưởng, tình yêu trong công việc nhờ sự chỉ lối của trái tim và đang không ngừng quyết tâm theo đuổi nó đến cùng!”, Nguyễn Hồng Phong dí dỏm nói.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek