Thứ Sáu, 11/10/2024 05:37 SA
Tình người nơi bão dữ Vũng Rô:
Kỳ 1: Che chở nhau trong hoạn nạn
Thứ Hai, 13/11/2017 09:06 SA

Lực lượng vũ trang giúp dân Vũng Rô dọn dẹp nhà cửa, đồ dùng bị vùi trong cát sau bão - Ảnh: NGỌC DUNG

Ngày 11/11 - một tuần sau bão. Một tuần người dân cả làng chài thẫn thờ, ngơ ngác trước biển. Một tuần với những em thơ trùi trũi phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Một tuần với đau đáu nỗi đau của những ngư phủ khi cả cơ nghiệp tan theo… sóng biển. Một tuần dù bà con sẻ chia, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, nhưng cảnh tượng hãi hùng đổ nát, hoang tàn, xác xơ, tiêu điều… vẫn đang hiện hữu trước mắt tôi ở làng biển Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

 

Nhiều, rất nhiều ngôi nhà bị san phẳng, vùi trong cát, trong đất đá, trong đống cây đổ ngã... “Rứa anh xem, bão phá nhà em chẳng còn chi mô. Mấy hôm rày, nhờ đoàn cứu trợ đến giúp mì ăn liền, gạo; nhờ bà con xóm giềng cưu mang nơi ăn ở, chứ vợ chồng em chẳng biết xoay xở chi mô…”, một phụ nữ gốc Huế đang sinh sống ở bãi Ngà trần tình. Tình cảnh bi đát của chị cũng giống như nhiều nhà dân khác bị đổ nát do bão. Dù thiệt hại nặng về nhà cửa và cơ nghiệp cả đời gầy dựng nên, nhưng điều kỳ diệu ở vùng tâm bão này là tất thảy mọi người đều giữ được tính mạng. Bởi người dân làng biển Vũng Rô biết chung sức, chung lòng giúp nhau trú tránh bão; bởi cả trăm người lênh đênh trên lồng bè, trên tàu thuyền đã chạy vào bờ và được hai anh em “robinson” ở bãi Lau “che chở” khi “bão Voi” đổ bộ nơi đây...

 

Mẹ con chị Huỳnh Thị Ý trước căn nhà đổ nát - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Bãi Ngà, bãi Lách... rách nát

 

Một tuần sau bão. Chị vẫn còn sợ hãi. Vẫn run bần bật. Thần hồn điên đảo. Đôi mắt trũng sâu, tiều tụy. Chị ẵm đứa con một tuổi rưỡi, lê bước nhặt nhạnh những đồ dùng vương vãi dưới căn nhà vỡ vụn, trống huơ trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá. Chồng chị ngày ngày đi lặn biển để tìm cái bè nuôi mấy ngàn con tôm, cá bị bão đánh tan và trôi mất. Vợ chồng chị dành dụm, vay mượn mấy trăm triệu đồng mới xây được căn nhà rộng chừng 50m2 (chưa tô vữa - PV) và làm giàn bè tôm, cá. Giờ không nhà, cả nguồn sống bỗng chốc trắng tay, ôm nợ. Vợ chồng và hai con phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu trong căn nhà của anh Lê Ngọc Xuân Phú ở bên cạnh cũng trống hoác và chỉ còn chừng 10m2 chưa hư hỏng. Lá rách ít đùm bọc lá rách nhiều, nước mắt chị như cứ tràn mi tuôn rơi...

 

Ông Nguyễn Nhân, Trưởng thôn Vũng Rô, cho biết: Theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn thôn Vũng Rô có 12 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 20 nhà hư hỏng trên 70%, hàng chục nhà tốc mái… Thôn đang lập danh sách cụ thể từng hộ bị thiệt hại để đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ theo quy định để bà con khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.

Đó là gia cảnh của chị Huỳnh Thị Ý (41 tuổi) ở bãi Ngà. Từ làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chị theo anh trai vào lập nghiệp tại Vũng Rô và mong cuộc sống ấm êm, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Vậy mà bão dữ…

 

Ở gần nhà chị Ý, chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi, không chồng) với ba đứa con cũng đang sống trong cảnh chơi vơi với “màn trời chiếu đất”. Ngôi nhà rộng chừng 50m2, vừa là quán bán thức ăn bình dân của chị Hường bị bão xé toang mái, vách. Vật dụng trong nhà gần như hư hỏng hoàn toàn. Chị Hường cũng là người gốc Huế đi mưu sinh và lập nghiệp ở Vũng Rô. “Rứa là mất sạch, bốn mẹ con không nơi nương tựa, biết sống ra sao trong những ngày tới. Tôi lo vàng mắt anh ạ!”, chị Hường kêu trời. Thống kê sơ bộ, ở bãi Ngà có đến 15 ngôi nhà như chị Hường, chị Ý bị hư hỏng nặng, bị bão và sóng đánh trôi tuột ra biển.

 

Cách bãi Ngà chừng nửa cây số, nhiều nhà cửa của dân bãi Lách cũng rách nát, tan hoang sau bão. Mấy ngày nay, Trần Văn Quang (SN 1999) cứ ngồi thừ trước căn nhà của mình bị bão san phẳng, chỉ còn lại toàn cát và cát. Quang kể lại như mếu: “Khi bão thổi ầm ầm, sóng to, cả nhà con chạy tháo thân. Sáng ra thấy nhà… lấp trong cát”. Dù mấy ngày qua, lực lượng bộ đội, biên phòng và dân trong xóm giúp đỡ đưa cát ra biển để lấy lại đồ dùng còn sót lại, nhưng nền nhà vẫn còn cát lấp dày cả mét. Người dì thương tình cưu mang mấy mẹ con Quang trong những ngày hậu bão.

 

Cha đi biển khơi xa và không may rơi mất tích từ năm 2011, Quang phải nghỉ học, sớm bươn chải nghề đi bạn lênh đênh trên những con tàu đánh cá để giúp mẹ lo kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ của Quang, ngày ngày đi làm thuê khiêng cá. Dù thu nhập bấp bênh, nhưng chị Hoa cũng tích cóp xây được căn nhà đàng hoàng để ba mẹ con ăn ở, sinh hoạt. Vậy mà bão dữ…

 

Dấu vết hành trình của “bão Voi” với đống đổ nát như vết thương cứa vào lòng, vào nỗi lo âu, trăn trở của biết bao người dân. Dọc bờ biển bãi Lách, bão dữ và sóng cao 5-7m đánh gãy đường dẫn ra cầu cảng Vũng Rô, thổi bay gần 20 nóc nhà tang thương... Dù bà con chung sức dọn dẹp, nhưng vẫn còn đó ngổn ngang nhà sập bên chân sóng; ngổn ngang cây cối đổ ngã, tôn bay vùi trong cát, thuyền, bè nát tan, gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước… Ông Châu Đình Thăng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Vũng Rô, cho biết dường như không có nhà nào nằm phía ngoài mặt biển có thể “trụ” nổi với bão số 12, gió giật dữ dội và sóng bủa quá mạnh, kéo dài. Nhiều nhà xây dựng rất kiên cố, như nhà ông Nguyễn Hứa đổ bi bằng bê tông 3 lớp để chắn sóng, thế nhưng sóng “moi” hàm ếch nền nhà sâu hoắm và đánh vỡ một phần tường nhà của ông Hứa và nhà con gái ông ở sát cạnh nhau. Bây giờ nhà có thể đổ ập bất cứ lúc nào, uy hiếp đến tính mạng của dân.

 

Một tuần sao bão. Khi chúng tôi đến Vũng Rô, nhiều đoàn cứu trợ ở TP Hồ Chí Minh, trong tỉnh vận chuyển quần áo, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác phân phát giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn ban đầu để sớm ổn định cuộc sống. Một nghĩa cử cao đẹp “nhường cơm xẻ áo” làm ấm lòng dân vùng tâm bão!

 

Vợ chồng Lê Ngọc Phước Phùng “cứu” hàng chục người trong bão - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

“Cứu” cả trăm người trong bão dữ

 

Vũng Rô với nhiều bãi có dân sinh sống và làm ăn, như bãi Ngà, bãi Lách, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Chính… Và bão giày xéo gây thiệt hại nặng nhất chủ yếu ở các bãi Lách, bãi Ngà và bãi Lau. Nhưng bãi Lau nằm cách biệt ở phía bên kia dãy núi và gần mũi Yến ăn thông ra biển; để đến được đây, mọi người phải đi bằng tàu thuyền chừng nửa giờ đồng hồ. Và khi nghe câu chuyện cảm động về hai anh em “robinson” đã “cứu” cả trăm người từ các thuyền, lồng, bè trên biển chạy vào bờ khi bão đổ bộ, chúng tôi liền lên thuyền trực chỉ bãi Lau.

 

Trước mặt tôi, bãi Lau xác xơ. Ba ngôi nhà xây của ba anh em Lê Ngọc Hậu (SN 1965), Lê Ngọc Tùng (SN 1968), Lê Ngọc Phước Phùng (SN 1970) bị tốc mái; cây cối xung quanh gãy gục. Mái nhà nhiều chỗ trống hoác. Thế nhưng, dưới những ngôi nhà này, kỳ tích của hai anh Tùng, Phùng là đã “gồng mình” chống chọi với bão, “che chở” cho cả trăm người dân vượt qua cơn bão dữ. Anh Tùng kể lại: “Nửa đêm, gió bão bắt đầu mạnh dần, gầm rít. Lúc ấy, rất nhiều người còn ở ngoài bè, thuyền vội vã lao vào bờ rồi chạy vào nhà tôi và Phùng để trú tránh. Hai nhà chật kín người, tầm trăm người, đứng như nêm. Khi bão đổ bộ, ngôi nhà như run rẩy, nhiều tấm ngói, tôn bị hất tung, vỡ vụn. Tôi kêu mọi người lấy ghế nhựa, thùng xốp, ván… để che trên đầu nhằm tránh ngói, tôn vỡ rớt xuống làm trọng thương. Cứ thế, 1 giờ, 2 giờ, 5 giờ… trôi qua, rất may nhà vẫn đứng vững và mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi thoát nạn”. Mãi lo an toàn tính mạng cho mọi người, đến khi bão tan, anh Tùng và Phùng ra nơi nuôi tôm hùm thì không thấy bè tôm đâu nữa. Bão đánh tan bè, trôi mất gần 1.000 con tôm sắp tới kỳ thu hoạch…

 

Giờ ngồi cùng tôi trước biển yên bình nhưng anh Lê Công Minh (quê ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) vẫn còn thất thần, vẫn còn cảm giác hãi hùng khi nhớ lại những giây phút đối mặt với “thập tử nhất sinh” trong đêm bão 4/11. “Bãi Lau vốn kín gió, an toàn. Do vậy, tôi đưa tàu vào đây neo đậu. Không ngờ bão chướng khó lường, quét quá mạnh ở bãi Lau. Anh em từ tàu, bè lập tức tìm cách chạy bão vào nhà hai anh Tùng, Phùng và… “nín thở” chờ bão tan. Nếu không có nhà dân ở đây để bà con vào trú tránh bão thì chắc chắn nhiều người trông giữ tàu, bè nuôi thủy sản trên biển sẽ bị thiệt mạng như ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nằm sát cạnh Vũng Rô”, anh Minh nói.

 

Theo ông Lê Hàng (78 tuổi, ở bãi Lách), cha của ba anh em Hậu, Tùng, Phùng, cách đây đúng 24 năm, bão năm 1993 cũng càn quét qua bãi Lau làm chết hàng chục người dân. Ngày ấy, ở đây rất hoang sơ, chưa có nhà cửa; khi bà con chạy vào bãi Lau tránh bão thì bị cây đổ ngã đè hoặc đói, hoặc rét lạnh mà chết… “Là người chứng kiến 2 cơn bão đi qua, tôi thấy cường độ bão số 12 năm nay càn quét Vũng Rô kéo dài và sóng bủa mạnh gấp 3 lần so với cơn bão năm 1993. Nhưng điều kỳ diệu là bà con trú tránh tốt, không ai bị thương vong…”, ông Hàng chia sẻ.

 

Vâng, điều kỳ diệu không ai thương vong trong bão dữ. Và dẫu còn đó những đổ nát, bừa bộn, cuộc sống xáo trộn..., nhưng người dân Vũng Rô vốn can trường trước biển, sẽ cưu mang giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi, bám biển...

 

Kỳ cuối: Dốc sức vực dậy sau bão

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek