Thứ Sáu, 11/10/2024 07:31 SA
Mật ngọt từ khóm
Thứ Tư, 18/10/2017 14:00 CH

Trần Châu Tuấn và vợ giúp nhà vườn phân loại khóm đưa đi tiêu thụ - Ảnh: TRUNG HIẾU

Qua 10 năm bén duyên với cây khóm, đến nay, loại cây này đã đem lại nhiều dư vị ngọt ngào cho anh. Không chỉ sở hữu 6ha đất trồng khóm ở Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa), anh còn là đầu mối thu mua khóm cho bà con nông dân với khoảng 2.000 tấn/năm, góp phần đưa trái khóm made in Phú Hòa đến với các thị trường ngoài tỉnh. Anh là Trần Châu Tuấn (SN 1984) ở thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.

 

“Tuấn khóm”

 

Vào một chiều cuối tuần, chúng tôi theo chân vợ chồng Tuấn về thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang Nam và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) thu mua khóm của người dân. Chạy dọc hai bên suối Cái là những triền núi được người dân phát dọn để trồng khóm. Con đường đất còn gồ ghề, dốc đá nối từ quốc lộ 25, đoạn từ thị trấn Phú Hòa dẫn vào Đồng Din dài hơn 6km rất sôi động. Từ 15 giờ trở về chiều, lúc nào chúng tôi cũng thấy có xe máy với hai giỏ sắt phía sau, thồ cả trăm ký khóm chín nặng trĩu từ trên núi xuống chất đống trên sườn đồi. Đến điểm tập kết, các nhà vườn tự phân khóm thành 4 loại: Loại 1, mỗi trái khóm nặng trên dưới 1kg; loại 2 mỗi trái khóm nặng khoảng 8 lạng; trái khóm nặng 6-7 lạng là loại 3 và loại 4 là những trái khóm nặng 5 lạng trở xuống. Đối với khóm loại 1, giá 9.000 đồng/trái, loại 2 là 8.000 đồng/trái… mỗi loại chênh nhau 1.000 đồng/trái. Sau đó các nhà vườn đếm đủ 12 trái (một chục có đầu) theo từng loại cho vào một túi nylông. Người mua chỉ việc đếm đầu túi nylông rồi trả tiền mà không cần cân ký. Cũng như những tiểu thương khác, anh Tuấn cho xe tải chờ sẵn nơi tập kết khóm và tiểu thương nào cũng đều có bạn hàng riêng nên việc mua, bán không lộn xộn, ồn ào, không tranh giành.

 

“Trần Châu Tuấn là một thanh niên năng động, chịu khó. Nhờ biết phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nên anh làm ăn nhanh chóng thoát nghèo, trở thành một thanh niên khá giả ở địa phương. Năm 2013, Trần Châu Tuấn vinh dự được Huyện đoàn Phú Hòa tuyên dương gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, là tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp cho các thanh niên ở địa phương noi theo”, Bí thư Xã đoàn Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) Đoàn Minh Hội nói.

Sau khi thu mua khóm ở Đồng Din xong, anh Tuấn cho ô tô chở khóm chạy ngược về thôn Phú Thạnh (xã Hòa Quang Nam) - nơi những người trồng khóm ở suối Cái thu hoạch chở về nhà. Việc thu mua khóm ở đây cũng như ở Đồng Din. Do làm ăn với nhau từ lâu nên hai bên có sự tin tưởng, anh Tuấn không mất nhiều thời gian để kiểm tra, phân loại khóm. Sau khi chất đầy xe khóm 5 tấn, cũng là lúc mặt trời vừa khuất núi, anh Tuấn cho tài xế chở thẳng ra Quy Nhơn ngay trong đêm để kịp giao cho khách hàng.

 

Anh Trần Châu Tuấn cho biết, trước đây, phần lớn khóm được bán cho các thương lái nên giá không cao, lợi nhuận thấp. Năm 2012, Tuấn mua một chiếc xe tải nhỏ và đích thân anh chở khóm của gia đình đi các chợ ở Nha Trang, Quy Nhơn, Gia Lai tìm mối bán. Anh Tuấn chia sẻ: “Ban đầu chưa có mối nên tôi bán lẻ ở các chợ. Nhờ khóm có chất lượng, trái vừa ngọt vừa thơm nên ngày càng có nhiều người mua. Dần dà, nhiều thương lái ở các địa phương này đặt hàng mua khóm với số lượng lớn. Từ đó, tôi không đi bán dạo nữa mà hàng ngày tập trung thu hoạch rồi chở khóm đi bỏ mối cho khách hàng”. Khi lượng khách hàng ngày càng lớn, 6ha khóm của gia đình không đủ cung cấp, Tuấn bắt đầu đi thu mua của những người trồng khóm ở Đồng Din và suối Cái rồi bán sỉ lại cho khách hàng tỉnh ngoài kiếm lời.

 

Ông Lê Văn Đẩu ở thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang Nam, người bán khóm cho anh Tuấn từ nhiều năm qua nói: “Nhà tôi trồng 10 vạn (100.000) gốc khóm ở suối Cái. Vào những tháng thu hoạch rộ, mỗi ngày tiền bán khóm trên 10 triệu đồng. Còn những tháng trái vụ, tôi kiếm khoảng 3 triệu đồng/ngày. Mấy năm nay mặc dù có nhiều thương lái hỏi mua nhưng tôi chỉ bán duy nhất cho Tuấn, vì anh mua với giá ổn định và không kén chọn nhiều”.

 

Theo anh Tuấn, thời điểm khóm chín rộ, mỗi ngày anh mua 8 tấn để bỏ mối cho khách hàng các tỉnh. Những tháng còn lại, mỗi ngày anh chỉ mua 5 tấn khóm. Theo lịch trình, mỗi ngày anh cho xe chở khóm đi giao ở một tỉnh. Nếu hôm nay giao hàng ở Quy Nhơn thì ngày mai giao hàng ở Nha Trang, rồi Gia Lai… Anh Tuấn còn cho biết, khóm trồng ở Đồng Din hoặc suối Cái mặc dù trái nhỏ hơn so với những vùng khác, nhưng vị khóm ngọt, thơm và được người tiêu dùng ở các tỉnh ưa chuộng, vì thế mỗi ngày anh mua từ 5-8 tấn khóm vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng.

 

Trần Châu Tuấn (phải) trao đổi công việc trồng khóm với Bí thư Xã đoàn Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) Đoàn Minh Hội tại căn nhà đang xây dựng của anh - Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Khởi nghiệp từ tiền vay

 

“Tuấn khóm” tiếp chúng tôi bên hông căn nhà 2 tầng mái Thái đang gần hoàn thiện với kinh phí xây dựng hơn 1,5 tỉ đồng. Sau khi rót nước trà mời khách, trong lúc chuyện trò, “Tuấn khóm” trầm ngâm nhớ lại những năm tháng nghèo khó hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để xây dựng cuộc sống gia đình, nuôi con nhưng vẫn không thoát nghèo.

 

Cơ duyên đưa vợ chồng Tuấn đến với khóm và trở nên khá giả như bây giờ là xuất phát từ việc trồng khóm thuê. Tuấn chia sẻ: “Năm 2005, công việc làm mướn bấp bênh, tôi thường ở nhà nên ông anh phía vợ kêu lên Đồng Din phụ chăm sóc rẫy khóm cho ảnh và tôi biết cây khóm từ đó. Trong những tháng ngày trồng, chăm sóc, thu hoạch khóm, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng loại cây này. Qua thời gian, tôi thấy cây khóm cho thu nhập khá cao, chi phí đầu tư không nhiều nên hai vợ chồng cố gắng khai hoang để có đất trồng khóm”. Ban đầu không có vốn, vợ chồng Tuấn bỏ công làm lời. Hàng ngày, hai vợ chồng dồn sức khai hoang đất nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có được 2ha đất. “Để có tiền mua khóm giống về trồng, tôi vay 18 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Hòa. Từ đó, tôi bén duyên với cây khóm ở Đồng Din cho tới bây giờ”, Tuấn chia sẻ.

 

Ông chủ của 6ha rẫy khóm

 

Với kinh nghiệm từ những tháng ngày trồng khóm cho anh chị vợ nên vụ đầu tiên Tuấn mạnh dạn xuống giống 2ha, mỗi mét vuông anh trồng 6 cây khóm. Nhờ chăm sóc tốt nên năm đó vườn khóm nhà Tuấn cho trái ngọt. Tuấn cho biết: “Đối với khóm tơ trồng năm đầu tiên, mỗi cây chỉ ra 1 trái, nhưng trái rất to. Trọng lượng mỗi trái khóm trên 1kg. Khi khóm bước sang năm thứ hai, thứ ba… thì bắt đầu đẻ nhánh nhiều, bình quân mỗi cây cho ra từ 3-5 nhánh và cũng đậu từng ấy trái”. Theo Tuấn, với giá dao động từ 5.000-9.000 đồng/trái (tùy thuộc vào khóm loại 1, loại 2…) như hiện nay, 1ha khóm tơ thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Còn 1ha khóm gốc thu về khoảng 150 triệu đồng/năm. “Nhờ khóm có giá nên trong năm đầu thu hoạch, vợ chồng tôi đã kiếm khoảng 150 triệu đồng”, Tuấn vui vẻ nói.

 

Khi có tiền, vợ chồng Tuấn mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, anh sở hữu 6ha đất rẫy trồng khóm tại Đồng Din, mỗi năm thu nhập trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí anh Tuấn thu lãi ròng gần 400 triệu đồng. Tuấn cho biết: “Đất ở Đồng Din sỏi đá, dốc cao, chỉ ăn nước trời, nhưng lại rất phù hợp với cây khóm. Khóm là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít, trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong suốt 15 năm. Tuy nhiên, trồng khóm rất nhọc công chăm sóc và thu hoạch. Những năm gần đây, diện tích trồng khóm rộng, mỗi ngày vợ chồng tôi phải thuê 3 người để chăm sóc, thu hoạch khóm, với tiền công 170.000 đồng/người/ngày. Còn vào mùa khóm rộ (từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch), rẫy khóm phải có 8-10 công/ngày mới kịp thu hoạch. Bình quân vào kỳ thu hoạch chính vụ, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 6 triệu đồng; những tháng còn lại, mỗi ngày từ 1,5-3 triệu đồng”.

 

Khi hỏi đến kinh nghiệm trồng khóm, anh Tuấn cười và nói: “Để can thiệp cho khóm ra trái vụ, thu hoạch quanh năm, tôi cũng như những người dân trồng khóm ở Đồng Din có “bí quyết” dùng đất đèn pha nước tưới lên ngọn khóm. Cứ mỗi cây khóm tôi tưới 1 đến 3 ngọn. Khóm sau khi được tưới thứ nước này khoảng 5 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Cứ thế, tưới xoay vần các ngọn khóm còn lại để kích thích ra trái quanh năm”.

 

Và cứ thế, vợ chồng “Tuấn khóm” đồng hành cùng người dân nơi đây xây dựng nên thương hiệu khóm Đồng Din nổi tiếng trong cả nước.

 

TRUNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek