Thứ Sáu, 11/10/2024 07:30 SA
Anh Sanh làm giàu từ... quyết tâm và nghị lực
Thứ Bảy, 07/10/2017 14:00 CH

Anh Sanh (bìa trái) trò chuyện thân mật với những người thợ đá - Ảnh: XUÂN HIẾU

10 tuổi đã mồ côi cha. 12 tuổi đã phải rời xa quê, vất vả mưu sinh. Rồi anh trở thành bộ đội Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ… Rời quân ngũ trở về với đời thường, với quyết tâm và nghị lực của người lính, từ hai bàn tay trắng anh đã gầy dựng kinh tế gia đình ngày càng phát triển, vững chắc.

 

Trong đoàn cựu chiến binh (CCB) Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên về nguồn Trường Sơn, thăm chiến trường xưa nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, người trẻ tuổi nhất đoàn là anh Nguyễn Văn Sanh (sinh năm 1964, ở thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa).

 

Tự hào là Bộ đội Cụ Hồ

 

Sinh ra ở xã miền núi An Lĩnh (huyện Tuy An), tuổi thơ của cậu bé Sanh cũng nhọc nhằn như bao đứa trẻ khác vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát bởi bom đạn chiến tranh này. “Cha tôi làm giao liên cho cách mạng và mất tích năm 1974 khi tôi mới 10 tuổi. Còn năm tôi lên 4, người dân quê tôi phải chứng kiến một sự kiện bi thảm: 167 người, trong đó có nhiều trẻ em bị lính Nam Triều Tiên thảm sát dã man. Tại Vùng 5 (thôn Phong Lĩnh), lính Nam Triều Tiên dụ dỗ trẻ con đến để cho kẹo, khi tập trung được 30 em, chúng xả súng tàn sát, trong khi miệng các em vẫn còn ngậm kẹo. Có những gia đình bị lính Nam Triều Tiên tàn sát dã man, như gia đình anh Nguyễn Sanh thôn Phong Thái có 8 người, bị bắn chết 7 người, chỉ một bé trai còn sống sót… Là một trong những đứa trẻ may mắn sống sót sau những đợt thảm sát của quân giặc, song những tội ác mà chúng gây ra, được các anh, các chú kể lại sau này tôi không thể nào quên”, anh Sanh bùi ngùi tâm sự.

 

Năm lên 12 tuổi, quê nhà đã được giải phóng, nhưng vùng quê An Lĩnh trải qua bom đạn chiến tranh, nhà cửa, ruộng vườn đều xơ xác. Vìkếmưu sinh, Sanh một mình lên huyện miền núi Sơn Hòa, sống nương nhờ vào người cậu ruột ở thị trấn Củng Sơn. Được cậu cho đi học đến lớp 11 rồi xin vào làm nhân viên Công ty Vật tư tổng hợp huyện Sơn Hòa một thời gian ngắn. Năm 1984, Sanh xung phong lên đường nhập ngũ.

 

Nguyễn Văn Sanh trởthành chiến sĩ của Trung đoàn 93, Sư đoàn BB2, Quân khu 5, đóng quân ở An Khê - Gia Lai. CCB Nguyễn Văn Sanh cho biết: Đây là trung đoàn với bề dày truyền thống cách mạng đã chủ động phối hợp với quân dân khu Đông (TX Quy Nhơn) tấn công, giải phóng TX Quy Nhơn ngày 31/3, giải phóng hoàn toàn Bình Định. Tiếp sau đó, trên 300 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn được bổ sung vào các đơn vị chủ lực tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày giải phóng, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 93 làm nhiệm vụ mới là truy quét Fulro, huấn luyện tân binh, làm kinh tế… Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ năm 1979, Trung đoàn 93 được điều động làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt - Khmer Đỏ.

 

“Thời gian là Bộ đội Cụ Hồ, làm lính Sư đoàn BB2 chỉ vỏn vẹn 4 năm và nhiệm vụ nào được giao tôi cũng phấn đấu hoàn thành. Tôi luôn tựhào về đơn vị của mình, nhất là về người chỉ huy tài ba, đại tá, cố sư trưởng Trương Hồng Anh vàkhông thể nào quên năm tháng cùng đồng chí, đồng đội đồng cam cộng khổ. Chính những năm tháng trong quân ngũ đã giúp tôi trưởng thành, rèn luyện về ý chí và sức mạnh của lòng quyết tâm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống”, anh Nguyễn Văn Sanh trải lòng.

 

Niềm vui của anh Sanh khi được bế cháu ngoại - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Từ lái xe tải đến... nuôi bò

 

Rời quân ngũ năm 1987 do hoàn cảnh gia đình khi đang giữ cấp bậc trung đội phó, quân hàm thiếu úy, CCB Nguyễn Văn Sanh được Công ty Vật tư tổng hợp Sơn Hòa nhận lại làm nhân viên. Tuy nhiên, chỉ một năm sau công ty này giải thể vì không bám trụ nổi với cơ chế thị trường khắc nghiệt. “Khi ấy tôi chưa biết phải làm gì nên đi học lái xe tải, rồi lập gia đình. Được công ty giải quyết chế độ một lần (tương đương 200.000 đồng) và tôi dùng toàn bộ để nộp “tiền nát” cho nhà gái. Nhưng thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, cha mẹ vợ chỉ nhận tượng trưng rồi cho lại và còn cho thêm một giạ lúa để hai vợ chồng làm vốn”, anh Sanh nhớ lại.

 

Với số vốn ban đầu ít ỏi, theo gợi ý của một người thân, vợ chồng anh Sanh đầu tư vào trồng thuốc lá lá. Những năm trước đó, thuốc lá lá trồng ở Sơn Hòa bán rất được giá, nhiều đầu mối tiêu thụ. Nhưng đến thời điểm này, thuốc lá lá không có đầu ra, bán không ai mua nên vợ chồng anh trắng tay.

 

Biết rằng “thua keo này ta bày keo khác” nhưng lấy đâu ra vốn để làm lại từ đầu? Không thể để vợ con đói ăn, với ý chí và nghị lực của một người đã từng được rèn luyện trong quân ngũ, anh Sanh vừa chạy xe thuê, vừa học và làm thêm nghề mộc… theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “tích tiểu thành đa”. Tằn tiện, dành dụm một thời gian, có được ít vốn anh đầu tư nuôi bò lai. Ngoài cỏ trồng, hàng ngày vợ anh còn đi mót đọt mía về cho bò ăn thêm nên chúng nhanh lớn và khỏe mạnh. Và một cơ hội đã đến với vợ chồng anh. Đúng vào thời điểm Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cùng Trung tâm Giống và kỹ thuật vật nuôi Phú Yên triển khai thực hiện đề tài khoa học “Phát triển giống bò vàng Phú Yên trở thành thương hiệu” nhằm khôi phục lại giống bò vàng (bò cỏ) và tham gia vào hiện trạng nguồn gien vật nuôi toàn cầu đang được Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Đề tài được triển khai thực hiện với tổng nguồn vốn gần 600 triệu đồng trong vòng từ 8-12 năm và gia đình anh là một trong những hộ được chọn để nuôi thí điểm vì có ruộng cỏ và kinh nghiệm.

 

Chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Sanh) cho biết: “Nuôi bò cỏ rất khỏe, bởi chúng không kén thức ăn, sức đề kháng cao nên ít khi mắc dịch bệnh. Được dự án đầu tư, mình chỉ có công chăm sóc theo quy trình hướng dẫn và “ăn chia” theo tỉ lệ. Chỉ sau 7 năm, từ 1 con bò đực và 2 con bò cái giống, đàn bò “dự án” của gia đình tôi đã phát triển lên 28 con. Nhờđó vợ chồng tôi có thêm thu nhập, vốn tích lũy”.

 

Sanh “vật liệu xây dựng”

 

Bây giờ thì anh Sanh không còn phải đi lái xe thuê hay xẻ gỗ mướn; vợ anh cũng không phải đi trồng cỏ để nuôi bò, lo chạy cái ăn cái mặc hàng ngày nữa. Từ một điểm nhỏ lẻ, sau hơn 6 năm hoạt động, hiện cơ sở bán vật liệu xây dựng do vợ chồng anh Sanh làm chủ tại cây số 45 quốc lộ 25 là một trong những cơ sở có uy tín Sơn Hòa. Cơ sở này hiện phục vụ cho khoảng 70% nhu cầu xây dựng trên địa bàn thị trấn Củng Sơn và khu vực lân cận, bao gồm cả huyện Krông Pa (Gia Lai). Bởi vậy đến thị trấn Củng Sơn hay xã Suối Bạc hỏi anh Sanh “vật liệu xây dựng” là người ta chỉ ngay địa chỉ cây số 45. Không chỉ xây dựng nhàcửa khang trang, lo cho các con ăn học đàng hoàng, anh Sanh còn mua hai xe tải và một xe múc để phục vụ cho việc vận chuyển, khai thác vật liệu xây dựng. “Trừ các khoản chi phí, mỗi năm vợ chồng tôi thu nhập trên dưới 300 triệu đồng”, anh Sanh cho hay.

 

Một trong những việc làm “đôi bên cùng có lợi” của CCB Nguyễn Văn Sanh được nhiều người đồng tình và đánh giá cao là cải tạo đất xấu thành đất tốt cho người dân địa phương sản xuất. Ông Ma Thu, người có 3ha đất xen đá đã được anh Sanh cải tạo thành đất trồng mía cho năng suất cao, cho biết ở khu vực xã Ea Chà Rang, nhiều diện tích đất đá trộn lẫn, trong đó đá nhiều hơn đất, chỉ có thể xỉa lỗ trồng bắp theo tập quán lạc hậu. Anh Sanh đã trao đổi, thương lượng với người dân “mua” toàn bộ số đá đó để khai thác làm vật liệu xây dựng. Khai thác đến đâu, anh Sanh cho san ủi bằng phẳng và giao lại cho bà con sản xuất, đôi bên cùng có lợi.

 

Hôm chúng tôi đến mục sở thị “mỏ đá” này, có hơn 10 thợ đá đang làm thuê cho anh Sanh. Hầu hết trong số họ là người địa phương. Quệt những mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Võ Ngọc Anh (42 tuổi, ở Ngân Điền, xã Sơn Hà), cho biết: “Tôi tham gia làm thợ đá tại đây đã 3 năm nay, còn vợ tôi thì làm theo thời vụ. Cứ mỗi viên đá thành phẩm, được anh Sanh trả công 1.800 đồng. Nếu cố gắng, thời tiết thuận lợi, mỗi ngày tôi có thể hoàn thành 120-130 viên, thu nhập khoảng 200.000 đồng”. Còn anh Huỳnh Ngọc Tuấn (37 tuổi, cũng ở Ngân Điền) chia sẻ: “Đây là nghề phụ. Công việc chính của tôi là trồng mía. Làm đây tiền công được chi trả sòng phẳng, tính theo sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn được chi trả tiền bốc đá lên xe (300 đồng/viên); vào dịp lễ, tết hay khi “trúng mánh” anh Sanh thưởng thêm cho anh em chầu nhậu, bao thuốc lá…”.

 

Với ý chí và nghị lực của người lính Trường Sơn - Bộ đội Cụ Hồ, từ hai bàn tay trắng, anh Sanh đã vươn lên làm giàu một cách vững chắc, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Không chỉ chăm lo tốt đời sống cho gia đình, anh Sanh còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Hội, giúp đỡ, hỗ trợ những hội viên CCB có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

 

Trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống

Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek