Thứ Sáu, 11/10/2024 09:16 SA
Áo trắng băng qua lửa đạn:
Kỳ cuối: Hồi ký của nữ y tá từng vào tù ra khám
Chủ Nhật, 20/08/2017 13:00 CH

Bà Đàm Thị Lý và con gái đầu, chị Trần Thị Minh Triếp, bên di ảnh chồng - liệt sĩ Trần Nựu - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Thoát ly tham gia kháng chiến khi con gái đầu lòng mới hơn 2 tuổi, chồng hy sinh khi con gái thứ hai chưa kịp chào đời, người phụ nữ ấy đã thực hiện sứ mệnh thầy thuốc trong khói lửa chiến tranh. Bị địch bắt, tra tấn tàn bạo nhưng bà vẫn kiên trung với lý tưởng. Bà là y tá Đàm Thị Lý ở Bệnh xá Trúc Bạch, nguyên Hội phó Hội LHPN TX Tuy Hòa, người đã ghi lại những năm tháng không thể nào quên của đời mình trong hồi ký Mấy nẻo đường.

 

Tháng 3/1967, địch lùng sục bắn phá và rải chất độc dioxin, toàn bộ hoa màu do các thầy thuốc ở Bệnh xá Trúc Bạch trồng đã chết rũ. Từ thương bệnh binh cho đến nhân viên bệnh xá đều không có lương thực để dùng. Sau khi tìm cách gửi đứa con gái thứ hai về nhà ngoại, bà Lý cùng một số đồng đội đi xuống vùng sâu để mua lương thực, thuốc men. Đoàn gồm 12 người, bà Lý và bà Lê Thị Đông, dược tá, nhận nhiệm vụ đi mua và mang thuốc cho thương bệnh binh, còn 10 người đàn ông thì mang gạo, muối. Trong vòng một tuần, từ Phước Tân, họ đã len lỏi vượt qua nhiều đồn bót của địch. Ngày thứ tám, đoàn đến Hòa Quang (nay thuộc huyện Phú Hòa), chưa kịp mừng thì bị lính Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn Bạch Mã đổ quân bằng trực thăng bao vây lùng sục. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội Y học tỉnh Phú Yên, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, khi đó là y tá, nhớ lại tình cảnh nguy cấp: “Khoảng 9, 10 giờ sáng hôm đó, chúng đổ bộ, chia thành nhiều cánh, cắt đội hình của ta. Súng nổ khắp nơi; tôi cùng hai đồng đội bám theo một đại đội vượt ra khỏi vòng vây, còn chị ba Lý và chị Đông không theo kịp nên nhập vào một đoàn ở phía sau”.

 

Chào đời và lớn lên trong một gia đình yêu nước ở làng Liên Trì (nay thuộc xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), cô y tá Đàm Thị Lý tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi. Giữ vững lòng kiên trung qua những chặng đường gian nan, nữ thương binh sinh năm 1936 này được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huy chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…

Theo lời bà Lý, khi đó những người còn lại trong đoàn thầy thuốc cùng các cán bộ, bộ đội… ẩn náu dưới một gộp đá sâu trong lòng núi. 53 người, trong đó có 2 phụ nữ, nhịn đói ròng rã 5 ngày dưới gộp đá, đợi đến khi địch rút quân. Nhưng chúng lùng sục, phát hiện ra cửa gộp. Địch bắc loa kêu gọi đầu hàng và rời khỏi gộp đá, nếu không sẽ ném lựu đạn xuống.

 

Không còn cách nào khác, những người đàn ông lần lượt ra khỏi gộp, chỉ còn 2 phụ nữ cố thủ trong đó. “Hai đứa tìm thấy một lỗ hổng giữa hai tảng đá chỉ chui vừa cái đầu. Chúng tôi cố nghiêng người lại, chui qua bằng được. Bọn giặc la to: “Chúng mày ngoan cố, tao sẽ cho chết” và thả lựu đạn nổ tung cả gộp đá, sau đó bốn thằng xông xuống, cầm đèn pin rọi khắp các kẽ nhỏ, lùng sục và phát hiện chúng tôi còn sống. Thế là chúng phá đá, kéo chúng tôi ra khỏi cái hang sâu này. Người hai đứa tôi mềm nhũn, bầm dập. Chúng tôi vừa mới ra khỏi cái hang nhỏ thì bọn chúng đã giở trò đồi bại. Mặc cho bọn ở phía trên kéo tay tôi lên, bọn ở dưới hang lôi ngược lại. Tôi có cảm giác mình như một con lươn mà người ta cầm một đầu, còn đầu kia thì vuốt mạnh, xương kêu rắc rắc”, bà Lý viết trong hồi ký chưa xuất bản.

 

Trong lúc cái trò hèn hạ đó tiếp diễn thì một hồi còi nổi lên. Đến giờ lính Nam Triều Tiên tập trung, chuẩn bị lên máy bay trở về nơi chúng đóng quân. Thế là bọn lính dưới hang buộc phải thả hai người phụ nữ ra để bọn ở phía trên kéo lên khỏi cửa gộp. Đập vào mắt bà Lý là hình ảnh anh em, đồng đội bị xích thành một hàng dài. Chúng móc hai phụ nữ vào móc xích cuối cùng, rồi cầm đầu xích kéo cả 53 người đi đến nơi trực thăng đang đậu, vừa kéo vừa trở giày đạp, hễ người đi trước ngã xuống thì những người ở phía sau cũng ngã theo…

 

Sau một đêm giam giữ tại nơi đóng quân ở Hòa Phong (nay thuộc huyện Tây Hòa), hôm sau địch chuyển bà Đông đi nơi khác rồi thả về Hòa Quang. Còn bà Lý, vì chúng biết không phải là dân địa phương nên giữ lại để khai thác. Dùng lời ngon ngọt thuyết phục không được, chúng tra tấn tù nhân bằng những phương thức tàn bạo. Nhưng bọn địch chẳng khai thác được gì!

 

“Tôi đang ở trong phòng thẩm vấn thì nghe có tiếng máy bay hạ cánh. Tôi nhìn ra, thấy người bị chúng bịt mắt, còng tay đưa vào phòng là bác sĩ Tống Hải, cùng công tác với tôi ở bệnh xá. Chúng hỏi: Mày có biết người này là ai không, tôi không nói mà lắc đầu. Bọn chúng để bác sĩ Tống Hải ngồi bên cạnh tôi và hỏi: Bác sĩ bao nhiêu tuổi? Tống Hải trả lời là 30. Chúng cười và nói bác sĩ còn trẻ quá. Tống Hải trả lời: “Còn trẻ mới đánh Mỹ được chứ!”. Thế là chúng đánh Tống Hải túi bụi, đổ nước xà phòng vào miệng rồi dùng giày đạp lên bụng cho nước trào ra miệng, ra mũi. Chúng tra tấn theo kiểu máy bay, cột dây vào hai tay kéo thẳng lên thật cao rồi thả xuống như thả cục đá... Tôi chứng kiến cảnh tra tấn dã man ấy nhưng không thấy vậy mà sợ hãi, ngược lại càng thấy sự độc ác của giặc, tôi càng sôi máu lên và nghĩ cách đối phó với bọn chúng”, bà Lý kể lại trong Mấy nẻo đường.

 

Nữ y tá bị bắt hoàn toàn không biết bằng cách nào mà địch lại có được sơ đồ tổ chức của Bệnh xá Hồ Tây và Bệnh xá Trúc Bạch. Chúng đưa sơ đồ ra trước mặt bà và bác sĩ Tống Hải. Bà Lý nhớ lại: “Chúng treo bác sĩ Tống Hải lên rồi chỉ vào sơ đồ: Đây là chỗ mày ở. Bác sĩ Tống Hải nói: “Tôi thà chết chứ không khai. Vì tôi đi làm cách mạng là tôi quyết tâm đánh Mỹ, đánh thắng giặc Mỹ”. Chúng thả bác sĩ Tống Hải xuống thì treo tôi lên… Ai từng bị địch bắt giam mới biết được cảnh tra tấn là như thế nào. Khi chúng thả chúng tôi ngồi đó, chúng tôi thề với nhau dù bị địch đưa đi đâu, tra tấn như thế nào thì thà chết chứ không khai báo, đưa nguy hiểm đến với đồng đội, ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh xá”. Bác sĩ Tống Hải bị địch đưa lên Pleiku (tỉnh Gia Lai), bà Lý sau đó bị biệt giam tại Ty Cảnh sát.

 

Hơn 3 tháng biệt giam mà chẳng khai thác được gì, địch cho bà ra khỏi xà lim, giam chung với những người khác. “Chúng tôi động viên, giúp đỡ nhau rồi tập hợp thành nhóm, bàn cách hoạt động trong nhà lao như đấu tranh không đi chào cờ địch, vận động những anh chị em có gia đình thăm nuôi góp tiền, quần áo, xà phòng, khăn lau… giúp đỡ anh chị em có gia đình ở xa, bộ đội từ ngoài Bắc vào, những người không có ai thăm nuôi và thay nhau chăm sóc những người bị thương tích, đau ốm do tra tấn…”, bà Lý kể. Địch giam hơn 2 năm rồi mới trả tự do cho bà.

 

*

 

Ra tù, bà Lý tiếp tục hoạt động cách mạng, đào hầm bí mật để nuôi giấu lực lượng vũ trang. Ngày nọ, một số hầm bí mật ở Bình Kiến bị địch phát hiện; có người khai rằng đã giao cho bà 4 quả mìn hẹn giờ để tổ chức đặt tại nhà Trưởng ty Cảnh sát và Tỉnh đường. Bà Lý bị địch bắt lần thứ hai.

 

Những cực hình tàn bạo lại tái diễn, nhưng người phụ nữ mảnh mai nhất quyết không khai báo điều gì bất lợi cho cách mạng. “Tôi khai rằng đã gói 4 quả mìn ấy, ngụy trang trong 4 lon sữa bò rồi mang đến nhịp cầu thứ 11 và thả xuống chỗ sâu nhất của sông Đà Rằng. Địch còng tay, bịt mắt chở tôi đến nhịp cầu thứ 11. Chúng nói: Tao thả mày xuống đáy, chỗ mày bỏ 4 quả mìn để mày mò lấy lên cho có, còn không thì mày ở chung với nó. Lúc đó, tôi nói với chúng về những đứa con còn nhỏ dại của mình đang không ai chăm sóc, cù bơ cù bất. Nghe tôi nói, chúng nghĩ thế nào đấy rồi không thả tôi xuống nữa”, bà Lý nhớ lại. Tùy cơ ứng biến bằng những lời khai như thế, người phụ nữ nhanh trí này giữ được mạng sống và không làm ảnh hưởng đến cơ sở cách mạng. Địch đưa bà ra tòa án quân sự. Sau 2 năm rưỡi bị giam cầm, đến tháng 2/1972, bà được trả tự do.

 

Trong ngôi nhà ở giữa khu vườn rợp bóng cây tại phường 9 (TP Tuy Hòa), bà Lý sống cùng con gái đầu - khúc ruột mà bà đành phải xa từ lúc con mới hơn 2 tuổi, vì đại cuộc. Trên bàn thờ, ở giữa là di ảnh chồng bà, liệt sĩ Trần Nựu, Đại đội phó Đại đội 220, hy sinh ở tuổi 25; bên cạnh là di ảnh em trai kề của bà - Đàm Viết Thanh và em người chồng, đều là liệt sĩ. Vợ chồng và em trai bà Lý đã tham gia giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đưa luật sư đến nơi an toàn trước khi bà thoát ly, trở thành y tá kháng chiến và đương đầu với biết bao thử thách.

 

*

 

Trong ký ức của bác sĩ Huỳnh Ngọc Ấn, chị Ba Lý là người trung thực, tận tụy với công việc. Tiếp xúc với người phụ nữ này, tôi cảm nhận bà có một sức mạnh phi thường. Đến giờ, trên đầu bà vẫn còn một chỗ lõm xuống vì bị địch tra tấn mấy mươi năm trước; trong tim bà vẫn hằn nỗi đau chồng hy sinh khi đứa con thứ hai còn nằm trong bụng mẹ. Niềm tin vào chính nghĩa đã giúp bà vượt lên sự tàn bạo của kẻ thù, sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, xứng đáng với người chồng thân yêu đã ngã xuống.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek