Thứ Sáu, 11/10/2024 09:19 SA
Lão cựu binh và việc làm để đời
Thứ Năm, 27/07/2017 15:00 CH

Sau bao năm ấp ủ và tự hứa với lòng, cuối cùng ông Đỗ Tấn Nhĩ cũng hoàn thành tâm nguyện: xây Nhà Tưởng niệm các liệt sĩ tại thôn Thượng Phú (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa). Toàn bộ kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng là tiền dành dụm từ lương hưu và do con trai ông đóng góp.

 

Nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ 07/1 Lê Thánh Tôn (phường 1, TP Tuy Hòa), mái ấm của lão cựu binh Đỗ Tấn Nhĩ bình dị như nhiều gia đình khác. Nhiều lần tôi tìm đến nhà, nhưng lần nào cũng chỉ gặp cụ bà. Lúc thì bà bảo “mấy đứa nhỏ mới chở ổng đi chơi ở đâu đó”; khi thì “chắc là ổng lại ra Thượng Phú rồi”… Lại đến. Lại chờ… Và lần này, tôi đã gặp và được nghe ông chuyện trò về ký ức của những năm tháng chiến tranh và tâm nguyện cuối đời.

 

Ông Đỗ Tấn Nhĩ luôn đau đáu nhớ về những năm tháng không quên - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Những năm tháng không quên cùng đồng chí, đồng đội

 

Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng lão cựu binh Đỗ Tấn Nhĩ vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát, đi đứng khoan thai, nói năng lưu loát.

 

Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo Thượng Phú (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), trong chiến tranh chống Mỹ, đây là vùng tranh chấp giữa ta và địch, cũng như nhiều thanh niên trong thôn, Đỗ Tấn Nhĩ sớm giác ngộ cách mạng. Sau nhiều năm là cơ sở bí mật, năm 1962, ông được mũi công tác do ông Nguyễn Đảnh làm Mũi trưởng rút lên căn cứ Tuy Hòa 2 cùng với hơn 10 thanh niên yêu nước khác. Sau đó ông được phân công về lại Bình Kiến làm Mũi trưởng, tiếp tục gầy dựng phong trào đấu tranh cách mạng. Năm 1963, chính quyền gia đình trị của Ngô Đình Diệm bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự ở miền Nam Việt Nam. Nhân cơ hội này, ta phát động phong trào phá ấp chiến lược, một số thôn của Bình Kiến gồm: Thượng Phú, Quan Quang, Tường Quang, Xuân Hòa, Sơn Thọ, Cẩm Tú, Thọ Vức tạm thời được giải phóng. Chính quyền tự quản được thành lập và ông Đỗ Tấn Nhĩ được cử làm Chủ tịch UBND xã Bình Kiến. Nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền lúc này là tổ chức rào làng giải phóng, xây dựng lực lượng du kích thôn, thành lập các đoàn thể… “Đến năm 1966, sau khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, chúng huy động lực lượng hùng hậu đánh phá, càn quét, đốt sạch, phá sạch nhà cửa, dồn ép dân xuống nội thị Tuy Hòa. Từ đó, Thượng Phú và một số thôn của Bình Kiến trở thành vành đai trắng”, ông Nhĩ nhớ lại.

 

Năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Kiến Đỗ Tấn Nhĩ được tăng cường về làm Chính trị viên Trạm xá Y12; năm 1968 là Bí thư xã Hòa Thắng Đông (nay là xã Hòa An, huyện Phú Hòa); năm 1969 là Thường vụ Huyện ủy kiêm Trưởng ban Kinh tài huyện Tuy Hòa 2; năm 1973 là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện Tuy Hòa 2 cho đến sau ngày Phú Yên được hoàn toàn giải phóng. Khi sáp nhập Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 làm một, ông được bầu làm Phó Chủ tịch huyện Tuy Hòa phụ trách nông nghiệp; sau đó là Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp, rồi Phó Chủ tịch UBND TX Tuy Hòa. Từ năm 1986, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Tuy Hòa cho đến khi nghỉ hưu.

 

Nhắc lại những năm tháng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng chiến đấu, công tác với đồng chí, đồng đội, ông Đỗ Tấn Nhĩ trải lòng: “Từ giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam cùng với lính Nam Triều Tiên và quân đội Sài Gòn hợp thành hai lực lượng chiến lược với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, chỉ trừ vũ khí nguyên tử. Chúng liên tục mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 65-66 và 66-67 với ý đồ tìm diệt cơ quan đầu não kháng chiến và một bộ phận chủ lực quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Phú Yên nói chung và Tuy Hòa nói riêng là nơi hứng chịu nhiều bom đạn của quân giặc. Thời điểm đó, chỉ có lòng yêu nước, yêu quê hương với niềm tin tất thắng và tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ chúng ta mới có đủ sức đương đầu với địch”. Ông Nhĩ kể, một ngày mùa khô 1967, được tin quân Mỹ bất ngờ bao vây khu vực Trạm xá Y12 trong khi Trạm trưởng Nguyễn Giai đang đi học. Là Chính trị viên của trạm, ông phân công chị Mẫn là cấp dưỡng nấu cơm phân phát đều cho từng người. Những ai có thể đi được thì rút ngay trong đêm, người mạnh dìu người yếu đến nơi an toàn. Còn 12 thương binh nặng không đi được và không có người khiêng đành phải nằm lại trạm xá. Sáng hôm sau, quân giặc tiến vào và chúng đã giết không chừa một người. Tuy nhiên có hai thương binh đã bò vào rừng trước khi bọn chúng đến. “Khi địch rút đi hết, tôi cùng chị Đông (y tá) lập tức quay trở lại trạm thì 10 thương binh đã bị chúng sát hại dã man. Lần tìm, chúng tôi gặp hai thương binh đang thoi thóp trong rừng sâu, họ sống sót nhờ vào nắm cơm vắt và nửa hộp sữa”, giọng người cựu binh già chùng xuống khi nhắc lại sự kiện bi thương này.

 

Dâng hương tưởng niệm đồng bào, đồng đội đã hy sinh - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Xây Nhà Tưởng niệm liệt sĩ cấp thôn

 

Những năm 1960, toàn thôn Thượng Phú chỉ có khoảng 400 dân, nhưng có đến 46 người thoát ly tham gia kháng chiến. Trong quá trình chiến đấu, 27 người đã anh dũng hy sinh, 11 người bị thương. Lực lượng bám trụ tại chỗ có 8 người hy sinh. Tính cả những người đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thôn Thượng Phú có 38 liệt sĩ.

 

Sống sót và lành lặn trở về sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, trong khi hơn phân nửa những người cùng thôn thoát ly tham gia kháng chiến đã không được tận mắt nhìn thấy ngày toàn thắng, vì vậy, từ lâu ông Đỗ Tấn Nhĩ đã ấp ủ ý tưởng xây Nhà Tưởng niệm để thờ cúng họ, tri ân những “đồng đội đã hy sinh cho mình được sống”. Khi còn công tác, ông đã đề nghị với cấp ủy, chính quyền và lập danh sách liệt sĩ của Thượng Phú để thờ tại trụ sở thôn. “Sau trận lụt lịch sử năm 1993, danh sách liệt sĩ bị ướt không còn nhìn rõ chữ, tôi mới đặt thợ khắc lên một tấm bia đá để thờ. Khi trụ sở thôn cũ dời đến vị trí mới nhường chỗ cho bộ đội Hải quân xây dựng doanh trại, tấm bia này cũng được đưa đi theo nhưng không có chỗ đặt cố định”, ông Nhĩ tâm sự. Nghĩ tới nghĩ lui, sau một thời gian dài trăn trở, có nhiều đêm mất ngủ, ý tưởng xây Nhà Tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phú ngày càng lớn dần trong đầu người cựu binh già này, nhất là từ khi ông sắp đến tuổi 80. Ông âm thầm đến nhiều nơi khảo sát mô hình Nhà Tưởng niệm liệt sĩ ở các xã và tự thiết kế trong đầu Nhà Tưởng niệm liệt sĩ của thôn với quy mô vừa phải và kinh phí cũng vừa phải. Rồi ông “chống gậy” đến các cơ quan chức năng của thành phố trình bày ý tưởng, nguyện vọng của mình, đồng thời “xin” hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình. Tuy nhiên, “họ bảo thôn không phải là một cấp chính quyền nên không được cấp kinh phí; và từ trước tới nay chưa có nơi nào xây Nhà Tưởng niệm liệt sĩ cấp thôn; nếu muốn làm việc này thì tự bỏ tiền túi hoặc vận động nhiều người đóng góp. Nghe vậy, tôi vô cùng thất vọng. Bởi nhiều lần, tôi cũng đã thử đi vận động, nhưng số tiền mà người ta hứa sẽ đóng góp chẳng được là bao. Còn đồng lương hưu thì tiết kiệm chi tiêu tối đa cũng chỉ dôi dư chút đỉnh. Phải chi có đủ kinh phí thì tôi chẳng phải “gõ cửa” ai làm gì?”, ông Nhĩ tâm sự.

 

Tưởng chừng sẽ không bao giờ thực hiện được lời hứa với các liệt sĩ thì…, trong một lần vào TP Hồ Chí Minh, ông Nhĩ đem ý tưởng xây Nhà Tưởng niệm liệt sĩ thôn bày tỏ với con trai hiện đang là chủ tịch Hội đồng quản trị một nhà hàng khách sạn lớn ở thành phố này. Anh Đỗ Tâm Thư (con trai ông Nhĩ) không những đồng thuận với việc làm nghĩa tình này mà còn hỗ trợ toàn bộ kinh phí (gần 100 triệu đồng) để cha hoàn thành tâm nguyện của mình. Mừng vui như mở cờ trong bụng, rút ngắn thời gian thăm con và đứa cháu đích tôn, trở về quê, ông Nhĩ bắt tay ngay vào việc thiết kế nhà. Ông nhờ kỹ sư của Phòng Xây dựng thành phố chỉnh sửa; vật liệu xây dựng ông tự mua lấy; thợ xây ông cũng lựa thợ lành nghề… Vậy là, sau gần 1 tháng khởi công, Nhà Tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phú đã hoàn thành trong niềm vui của mọi người. Nằm sát cạnh trụ sở thôn, mặt hướng ra cánh đồng rộng, Nhà Tưởng niệm liệt sĩ có diện tích hơn 40m2, kiến trúc hài hòa, xung quanh trồng hoa và một số cây bóng mát. Tấm bia đá ghi tên 38 liệt sĩ chia làm 3 thời kỳ được đặt ở vị trí trang trọng nhất. “Mọi thứ vật liệu đều ở tại địa phương, riêng ngói lợp tôi phải ra tận Bình Định mua chở về. Hiện tôi đang thuê công chở thêm cát về trải xung quanh cho sạch sẽ, hạn chế cỏ mọc và nước ngập mỗi khi trời mưa”, ông Nhĩ hân hoan bày tỏ.

 

Chủ tịch UBND xã Bình Kiến Nguyễn Chí Phương cho biết: Xây dựng Nhà Tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phú là tâm nguyện bấy lâu nay của ông Đỗ Tấn Nhĩ. Nay công trình hoàn thành, là nơi các gia đình, bà con trong thôn, trong xã đến thăm viếng, hương khói các liệt sĩ, nhất là vào dịp lễ tết. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu, đời đời ghi nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền xã Bình Kiến ghi nhận và đánh giá cao việc làm để đời, thấm đượm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” này của cựu chiến binh Đỗ Tấn Nhĩ, nhất là khi đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sông Hinh trong tôi
Thứ Sáu, 21/07/2017 11:00 SA
Hai trí thức - một tình yêu quê hương
Thứ Hai, 17/07/2017 14:00 CH
Nghị lực thắp lên ánh sáng cho đời
Thứ Bảy, 08/07/2017 14:00 CH
Hoa giữa đời thường
Thứ Ba, 27/06/2017 12:00 CH
Người “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 24/06/2017 11:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek