Thứ Sáu, 11/10/2024 11:27 SA
Ngày về của những liệt sĩ hy sinh trên nước bạn Campuchia
Thứ Năm, 27/07/2017 11:00 SA

Mẹ mù cả đôi mắt vì khóc thương con suốt năm tháng dài. Cha đau đáu mòn mỏi đợi con. Anh vác ba lô đi tìm em qua bao mùa trăng… Giờ thì đồng đội đã đưa các anh - những người lính tình nguyện gan dạ và hy sinh bất khuất trên đất nước bạn Campuchia được trở về quê nhà đằm đằm hương lúa. Mẹ vui, cha mừng mừng tủi tủi…

 

Những năm 1978, biết bao người lính Việt Nam hăng hái xung phong lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở chiến trường Đông Bắc Campuchia và hy sinh vì nền độc lập tự do của nước bạn Campuchia. Và sau mấy mươi năm yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai, đồng đội của các anh - nhóm cựu binh chiến trường Campuchia cùng những người thiện nguyện đã cất bốc hài cốt các anh đưa về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên. Lá rụng về cội. Đồng đội nguyện cầu hồn thiêng các anh ở nơi suối vàng được viên mãn trong cuộc “lữ hành” trở về đoàn tụ vĩnh hằng ở quê nhà!

 

Bà Lê Thị Vọng bên hài cốt của con - liệt sĩ Lê Văn Điệm - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Nước mắt ngày về…

 

…Tháng 7 ở Nghĩa trang liệt sĩ An Khê (Gia Lai).

 

Hoa sen rực đỏ nghĩa trang. Khi sư cô Hảo Minh và tôi cùng đồng đội của các anh thắp nén nhang để xin cất bốc hài cốt liệt sĩ Lê Văn Điệm (quê xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) thì trời mưa nhỏ giọt. Tiếng mưa rớt mỏng trong khói hương. Hương linh hòa quyện lời nguyện cầu. Khí trời mát dịu. Thinh không trầm mặc... Dẫu tuổi cao, điềm tĩnh, rắn rỏi, nhưng ông Lê Văn Niệm (SN 1955) cũng không cầm được nước mắt khi hài cốt của em trai mình (liệt sĩ Lê Văn Điệm) được bốc khỏi mộ phần. Liệt sĩ Lê Văn Điệm bỏ lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi thanh xuân, lên đường chiến đấu ở mặt trận Đông Bắc Campuchia và anh dũng hy sinh ngày 2/8/1978. Anh đi khi tóc còn xanh/ Dọc đường vang khúc quân hành chiến binh… Và rồi Máu xương thấm đỏ màu cờ/ Hồng trang sử Việt bài thơ nước nhà… Giờ thì đồng đội thân thương trân trọng nhặt từng mảnh xương của anh đưa về quê mẹ…

 

Ông Niệm nghẹn ngào nói: Khi nghe tin báo tử liệt sĩ Lê Văn Điệm, mẹ tôi (bà Lê Thị Vọng, 81 tuổi) quá thương con nên cứ nhìn di ảnh là mẹ quặn khóc, khóc nhiều; ngày đêm ngóng trông được đón nhận hài cốt của con. Rồi mắt cụ cứ ướt nhòe và mù hẳn đã 26 năm nay. Thương mẹ, hơn 20 năm trước, tôi vác ba lô đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Gia Lai nhưng không tìm ra mộ em. “Khi đến Nghĩa trang liệt sĩ An Khê cách đây khoảng 7-8 năm, tôi thấy mộ ghi tên liệt sĩ Lê Văn Diệm gần giống tên em mình, cùng địa chỉ ở quê nên đã liên lạc với ban quản lý nghĩa trang này và ngành LĐ-TB-XH tỉnh Gia Lai để tìm hiểu. Nhưng họ đều cho hay là liệt sĩ Lê Văn Diệm chứ không phải Lê Văn Điệm nên từ đó tôi không tìm nữa. Giờ đây, đồng đội cùng chiến đấu ở chiến trường Campuchia xác nhận chính xác liệt sĩ Diệm chính là Điệm và hỗ trợ bốc mộ đưa về an táng tại quê nhà nên mẹ tôi mãn nguyện lắm, mừng như quên hết đau yếu của tuổi già…”, ông Niệm cho biết.

 

Vậy là thêm một liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ An Khê (trước là liệt sĩ Phan Văn Nhiên, quê xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) được đưa về an táng ở Phú Yên.

 

…Tháng 7 ở Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Đoa (Gia Lai).

 

Nhóm cựu binh Campuchia cùng lúc cất bốc bốn ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trên chiến trường khu vực Đông Bắc Campuchia, gồm liệt sĩ Võ Hè (quê xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, hy sinh ngày 21/10/1978); liệt sĩ Võ Đình Đồng (hy sinh ngày 7/11/1978), liệt sĩ Thái Nhị (hy sinh ngày 20/11/1981), liệt sĩ Dương Thành Lễ (hy sinh ngày 24/2/1983), đều ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa.

 

Hài cốt của liệt sĩ Thái Nhị dường như còn nguyên vẹn nhờ được bọc kín trong túi nhựa. Còn hài cốt của liệt sĩ Võ Hè chỉ còn là nắm đất đen. Đồng đội ngồi nhặt từng mảnh xương li ti… Khi bốc mộ em trai Dương Thành Lễ, ông Dương Quốc Việt cho hay: Tôi cũng xung phong ra chiến trường Campuchia. Nhưng sau gần một năm cầm súng ở đơn vị Trung đoàn 733, sức khỏe giảm sút nên tôi trở về quê. Để rồi Lễ thay tôi lên đường nhập ngũ Tiểu đoàn 95 (Sư đoàn 307), làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân, chiến đấu ngoan cường, hy sinh bất khuất…

 

Khi hài cốt năm liệt sĩ rời núi rừng trùng trùng điệp điệp, trời lại mưa nhỏ giọt. Mưa tiễn biệt các anh về phố biển, về quê nhà thân thương, về với mẹ, với cha, với đồng đội…

 

…Tháng 7 ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên.

 

Đông đảo người thân, gia đình, đồng đội chờ đón các anh về trong nước mắt. Lễ đón, truy điệu và an táng các anh được Bộ CHQS tỉnh và Sở LĐ-TB-XH tổ chức trang trọng. Hương linh ấm cúng. Rực rỡ cờ hoa. Không còn mẹ, còn cha, nhưng hương hồn hai liệt sĩ Võ Hè, Võ Đình Đồng cũng ấm áp khi có nhiều anh em, con cháu đón các anh. Còn những người cha, người mẹ còn sống thì mừng tủi khôn nguôi khi đón hài cốt các anh. Cụ Đặng Thị Sen (88 tuổi), mẹ của liệt sĩ Dương Thành Lễ, rưng rức: Mừng quá, con tôi về rồi, về… nhà rồi… Còn cụ Lê Thị Vọng, mẹ của liệt sĩ Lê Văn Điệm, thì đứng lặng lẽ, với đôi mắt mù trũng sâu, không nhìn thấy gì, không còn nước mắt để khóc con trong ngày trùng phùng. Đứa cháu gái dìu cụ lê từng bước chân đến sờ vào quách hài cốt của con. Cụ nói khe khẽ: Mẹ sống để chờ con... Con đây rồi, mẹ vui. Giờ mẹ có nhắm mắt cũng an lòng…

 

Những cựu binh Campuchia, gia đình, người thân, bạn bè… như ấm lòng, thanh thản khi năm liệt sĩ được đưa về an nghỉ ở quê nhà, ở “ngôi nhà chung” với hơn 6.000 liệt sĩ. Ông Thái Quynh (91 tuổi), cha của liệt sĩ Thái Nhị, chống gậy, xúc động đứng nhìn “ngôi nhà mới” của con nằm giữa trùng điệp mộ chí ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Quynh chậm rãi nói từng lời: Thái Nhị là đứa con hiếu thảo, hiền lành. Tôi tự hào vì nó xả thân cho nước bạn Campuchia. Lâu nay, vì mộ xa xôi, tôi không hương khói được cho con. Ước nguyện của tôi đưa con về nơi an nghỉ vĩnh hằng ở nghĩa trang này đã trở thành hiện thực. Dẫu tuổi cao, tôi cũng sẽ thường xuyên đến hương khói cho con…

 

Các cựu binh bốc mộ liệt sĩ Thái Nhị ở Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Tri ân đồng đội

 

Ước nguyện của thân nhân gia đình, của những người cha, người mẹ còn sống muốn đưa các liệt sĩ về an nghỉ nơi quê nhà cũng chính là tâm nguyện của những cựu binh Campuchia. Từ lâu, nhóm cựu binh, gồm: Nguyễn Dũng (ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, nguyên lính Trung đoàn 143 - Sư đoàn 315); Lê Quốc Văn (Trung đoàn 142 - Sư đoàn 315) và Trần Hoàng Ngân (Trung đoàn 733 - Sư đoàn 315), đều ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, nung nấu việc tìm đồng đội hy sinh và giúp gia đình đưa các anh về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Thế nhưng, cuộc sống với cơm áo gạo tiền khá chật vật nên mãi đến năm 2016, các anh mới bắt đầu thực hiện được ý nguyện.

 

Cựu binh Lê Quốc Văn cho biết: “Chúng tôi đã kết nối với các cựu binh Campuchia ở tỉnh Gia Lai, gồm các anh Trần Sâm, Phạm Vinh, Phạm Thanh Vũ, Thái Phương… đi khắp các nghĩa trang ở tỉnh Gia Lai để ghi lại tên tuổi của những đồng đội đã hy sinh ở chiến trường Campuchia”. Và ngày ngày, các anh gác lại chuyện gia đình, chuyện đồng áng, chạy xe máy hàng chục, hàng trăm cây số liên hệ với gia đình, người thân, ngành chức năng… để làm các thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ. “Đi lại khó khăn; hồ sơ với nhiều giấy tờ, nhiều thủ tục… nhiêu khê lắm nhà báo ạ. Dẫu vậy, để tri ân, tưởng nhớ đồng đội hy sinh, chúng tôi tự nguyện làm hết sức mình để các anh được về an nghỉ ở quê nhà”, cựu binh Lê Quốc Văn nói.

 

Hôm ở Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Đoa và Nghĩa trang liệt sĩ An Khê, không chỉ chạy lo từng bát nước, dâng hương hoa, các cựu binh còn đào đất, bốc từng mộ liệt sĩ. Các anh cẩn thận nhặt và đặt từng mảnh xương theo thứ tự trong quách đựng hài cốt… Anh Trần Sâm (SN 1957, ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, cựu binh Trung đoàn 143 - Sư đoàn 315) tâm sự: Tôi chiến đấu ở Mặt trận 579 Campuchia từ năm 1978 và chứng kiến biết bao đồng đội ở mũi tiến công đã ngã xuống. Ngày ấy, nhiều liệt sĩ được bốc hài cốt đưa về Việt Nam nhưng trên đường đi bị địch phục kích, mưa gió… nên danh tính bị thất lạc. Vậy nên khi rời quân ngũ (năm 1982), tôi đau đáu nỗi niềm làm sao tìm được liệt sĩ thất lạc, đưa các anh về đoàn tụ ở quê nhà. “Và từ năm 2016 đến nay, nhóm cựu binh Campuchia của hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai đã thực hiện tất tần tật các phần việc để giúp thân nhân gia đình đưa được 25 hài cốt liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên. Trong đó có chín liệt sĩ được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên…”, anh Trần Sâm cho hay.

 

Đồng hành cùng các cựu binh Campuchia còn có sư cô Hảo Minh, trụ trì chùa Cảnh Bình ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. “Là người thường xuyên đi tìm mộ của cậu ruột là liệt sĩ Trần Văn Cuộc, tôi rất đồng cảm với tấm lòng thiện nguyện của những cựu binh Campuchia. Vậy là tôi thiện nguyện tháp tùng cùng họ để tri ân các anh hùng liệt sĩ”, sư cô Hảo Minh chia sẻ. Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hùng Nga ở TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, thì lái xe vượt hàng trăm cây số đến Gia Lai giúp đỡ chở hài cốt liệt sĩ về quê Phú Yên. Ngoài tài trợ toàn bộ chi phí xe, anh Hùng còn hỗ trợ cho thân nhân gia đình các khoản chi bốc mộ liệt sĩ. Chỉ hơn 15 tháng qua, trung tâm này đã thực hiện 92 chuyến xe miễn phí đưa hơn 120 hài cốt liệt sĩ về Phú Yên và các tỉnh trong cả nước…

 

Đó là sự tri ân vô bờ bến của những cựu binh, của những con người giàu lòng thiện nguyện!

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sông Hinh trong tôi
Thứ Sáu, 21/07/2017 11:00 SA
Hai trí thức - một tình yêu quê hương
Thứ Hai, 17/07/2017 14:00 CH
Nghị lực thắp lên ánh sáng cho đời
Thứ Bảy, 08/07/2017 14:00 CH
Hoa giữa đời thường
Thứ Ba, 27/06/2017 12:00 CH
Người “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 24/06/2017 11:57 SA
Ông Chín Thiện làm việc thiện
Thứ Hai, 19/06/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek